(TITC) - Sáng 28/6, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hồ An Phong đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Đoàn Doanh nghiệp Cấp cao Hội đồng Kinh doanh châu Âu-ASEAN (EU-ABC) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Về phía Đoàn Doanh nghiệp Cấp cao Hội đồng Kinh doanh châu Âu-ASEAN (EU-ABC) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) có ông Noel Clehane, Phó Chủ tịch EU-ABC và ông Ingo Brandenburg, Thành viên Hội đồng quản trị Eurocham, Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam; cùng đại diện hơn 40 tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong và Phó Chủ tịch EU-ABC Noel Clehane tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Đến Việt Nam với đoàn doanh nghiệp đông nhất từ trước đến nay, EU muốn tăng cường hợp tác văn hóa, du lịch
Chuyến công tác của Đoàn doanh nghiệp EU-ABC là hoạt động thường niên do EU-ABC và EuroCham phối hợp tổ chức tại một số quốc gia ASEAN, nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại khu vực Đông Nam Á.
Ông Noel Clehane, Phó Chủ tịch EU-ABC vui mừng khi thấy những thành quả nổi bật cũng như mối quan hệ bền chặt giữa EU-ABC và ASEAN cùng các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. “Chuyến công tác lần này tại Việt Nam có số lượng doanh nghiệp tham gia đông nhất từ trước đến nay. Điều này thể hiện mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác giữa các lĩnh vực liên quan giữa EU-ABC với Việt Nam, đặc biệt là về văn hóa, du lịch”, Phó Chủ tịch EU-ABC cho biết.
Phó Chủ tịch EU-ABC Noel Clehane phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Nhân dịp này, ông Noel Clehane cũng gửi lời chúc mừng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tuyệt vời trong thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh. Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ châu Âu. Ông Noel Clehane hy vọng với những chính sách kinh doanh, thúc đẩy hợp tác mang tính bao trùm, cởi mở của Việt Nam, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có thể tăng cường hợp tác, hướng đến những tiến triển trong hợp tác kinh tế song phương.
Niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đối với sự phát triển tích cực của kinh tế Việt Nam đang được củng cố mạnh mẽ, ông Noel Clehane khẳng định. Việt Nam là một trong những trụ cột trọng tâm trong chính sách phát triển thương mại và là đối tác quan trọng của EU. Với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, hoạt động thương mại giữa Việt Nam - EU sẽ tiếp tục có nhiều bước tiến trong các lĩnh vực, trong đó có dịch vụ, du lịch.
Liên quan đến lĩnh vực du lịch, hai bên đã trao đổi một số nội dung liên quan đến định hướng phát triển du lịch của Việt Nam, chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, phát triển loại hình du lịch bằng du thuyền, thu hút khách du lịch thông qua văn hóa ẩm thực của Việt Nam…
Ông Ingo Brandenburg, Thành viên Hội đồng quản trị Eurocham, Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam khẳng định, EuroCham luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các hoạt động quảng bá du lịch. Đồng thời, ông mong muốn hai bên sẽ có thêm nhiều cuộc trao đổi nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa EuroCham và Việt Nam, vì lợi ích chung của cả hai bên.
Vui mừng trước chính sách thị thực ngày càng thông thoáng của Việt Nam, đại diện EuroCham bày tỏ mong muốn thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng chính sách miễn thị thực đối với các nước thành viên châu Âu. Cùng với việc cải thiện cơ sở vật chất và những yếu tố khác, ông Ingo Brandenburg hy vọng ngày càng sẽ có nhiều khách du lịch châu Âu đến cũng như quay trở lại Việt Nam.
"EuroCham sẽ luôn đồng hành cùng Bộ VHTTDL đưa ra những đề xuất đề thúc quảng bá du lịch Việt Nam, để ngày càng có nhiều du khách có thể đến trải nghiệm những danh thắng, nền văn hóa và ẩm thực tuyệt với của Việt Nam", ông Ingo Brandenburg bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Chính sách thị thực cởi mở, sản phẩm du lịch độc đáo, ẩm thực hấp dẫn là những yếu tố thúc đẩy thu hút khách du lịch châu Âu
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ An Phong đánh giá cao vai trò của Hội đồng Kinh doanh EU-ABC trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại khu vực Đông Nam Á. Liên quan đến định hướng phát triển du lịch và chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia của Việt Nam, Thứ trưởng khẳng định, nhờ những nỗ lực không ngừng trong thời gian qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch thế giới. Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch như các cảng biển, hệ sinh thái, giá trị văn hóa lịch sử, đậm đà bản sắc dân tộc, cảnh quan thiên nhiên mê đắm lòng người, con người thân thiện, mến khách… cùng nền ẩm thực hấp dẫn, độc đáo.
Tận dụng những lợi thế sẵn có, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách cởi mở để đảm bảo phát triển du lịch nhanh, bền vững, du lịch xanh. Chính phủ Việt Nam xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam với tiêu đề và biểu tượng “Vietnam - Timeless Charm” đối với thị trường khách du lịch quốc tế và “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” đối với thị trường khách du lịch nội địa. Chính sách thị thực cũng liên tục được nghiên cứu, mở rộng nhằm tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Việt Nam. Xác định châu Âu là một trong những thị trường trao đổi khách truyền thống và tiềm năng, mỗi năm, Việt Nam đều tổ chức nhiều sự kiện quảng bá lớn ở cả trong nước và quốc tế để thu hút khách du lịch châu Âu và khách du lịch quốc tế nói chung.
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Việt Nam tập trung phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Sản phẩm du lịch phải hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của du khách châu Âu, giữ chân du khách lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các điểm đến, doanh nghiệp du lịch và hàng không để khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Về loại hình du lịch du thuyền, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định, Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch biển. Việt Nam đã phát triển nhiều cảng biển trên khắp cả nước. Việc quy hoạch các cảng biển tại Việt Nam cũng đang được tính toán để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch biển. Đây sẽ là cơ hội tốt để các đối tác châu Âu đầu tư phát triển loại hình du lịch du thuyền tại Việt Nam, mở ra thêm những cơ hội hợp tác giữa Việt Nam - EU.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong tặng quà lưu niệm Phó Chủ tịch EU-ABC Noel Clehane (Ảnh: TITC)
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong tặng quà lưu niệm ông Ingo Brandenburg, Thành viên Hội đồng quản trị Eurocham, Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam (Ảnh: TITC)
Về du lịch ẩm thực, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, Việt Nam được đánh giá cao trong ngành ẩm thực thế giới và là một trong những quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn nhất trên thế giới. Các giá trị trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam cũng liên tục được bảo tồn, phát huy. Hiện tại, Việt Nam đang nỗ lực phát triển du lịch đêm nhằm giúp du khách có thêm cơ hội thưởng thức các món ăn độc đáo của ẩm thực Việt Nam. Việt Nam cũng đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật chế biến món ăn. Trong thời gian tới, các hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm thu hút và gia tăng trải nghiệm của du khách.
Lãnh đạo và đại biểu hai bên chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: TITC)
Trung tâm Thông tin du lịch