Bà Lê Thị Nga, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có gần 14 năm trên hành trình trồng rừng, biến một vùng đất chỉ có những cây trồng ngắn ngày thành một khu rừng nhỏ với đầy đủ hệ sinh thái đặc trưng của địa phương.
Bà Lê Thị Nga - nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 61 tuổi bà có gần 14 năm trên hành trình trồng rừng
Tôi đến Suối Rao Ecolodge (thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào một ngày cuối tuần, bà Lê Thị Nga - chủ nhân của khu rừng tiếp chuyện tôi trong một không gian ngập tràn màu xanh của cây lá, rộn ràng tiếng chim, tiếng ve kêu…
Trong không gian trong lành, xanh mát và bình yên này, ít ai hình dung được, 14 năm trước, khu vực này chỉ là một vùng đất hoang sơ sỏi đá chỉ có đậu, bắp, khoai mì ngắn ngày được trồng theo mùa vụ. Là một người yêu thiên nhiên, cây cỏ, có kiến thức và đam mê cảnh quan, sinh vật, bà Lê Thị Nga đã quyết định biến khu đất hoang sơ của mình thành một khu rừng nhỏ với đa dạng các loại cây cảnh quan để khôi phục thiên nhiên, môi trường sinh thái, để động thực vật có thức ăn, có môi trường sinh sôi nảy nở…
Trong khu Suối Rao có nhiều cây gỗ bản địa thuộc dòng quý, hiếm của Bà Rịa - Vũng Tàu như: cẩm lai, chiu liu, giáng hương huyết, gõ đỏ, gõ mật, sến mù, lát hoa, vên vên, sưa đỏ…
Với tâm niệm đó năm 2010, bà Lê Thị Nga bắt đầu hành trình trồng rừng của mình. Bà bắt đầu tìm đến kiến trúc sư, nhà sinh vật học để thu thập các loại cây quý hiếm. Ban đầu chỉ có khoảng hơn 1.000 cây các loại như thông caribe, giáng hương, tùng, đến nay khu đất Suối Rao của bà có đến khoảng hơn 1 triệu cây xanh với khoảng 700 loài. Trong đó có nhiều cây gỗ bản địa thuộc dòng quý, hiếm của Bà Rịa - Vũng Tàu như: cẩm lai, chiu liu, giáng hương huyết, gõ đỏ, gõ mật, sến mù, lát hoa, vên vên, sưa đỏ…
Ngoài ra, tại khu này còn có khoảng 300 loại dược liệu như: Mật nhân, ngũ thảo, ngà voi, trầu không, sâm đất, lài tía, sử quân tử, riềng, gừng rừng, ngãi cứu, thiên lý, khổ qua rừng, rau răm… Đặc biệt có nhiều loài cây hoang dã như xuyến chi, cỏ xước mọc rất nhiều. Các loài hoa như sơn quỳ, dã quỳ, bươm bướm, thiên điểu, hoa hồng, cẩm tú cầu… cũng được bà đưa về ươm trồng.
Khi khu rừng nhỏ của bà có nhiều cây xanh, hoa nở khiến nhiệt độ, độ ẩm giảm xuống nên nấm tự mọc; chim chóc, ong bướm, cũng tự bay về; tắc kè, sóc cũng đến đây nương náu. Suối Rao Ecolodge từ đó đã trở thành một khu rừng nhỏ với tính đa dạng sinh học cao.
Ngồi trong vườn, tôi nghe rõ cả tiếng chim hót, tiếng ve kêu rộn rã. Bà Nga cho hay, hiện nay trong khu rừng nhỏ này có rất nhiều chim cắt, đại bàng, chim chích chòe, chào mào, bồ chao, quành quạch, chim cu, vàng anh… đã về đây làm tổ. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đến đây để tìm hiểu, nghiên cứu về đa dạng sinh học.
“Ban đầu tôi chỉ nghĩ biến khu đất hoang sơ, sỏi đá ở Suối Rao của mình thành một vùng rừng để làm đa dạng sinh học cho thỏa niềm đam mê ngành nghề. Khi có 1.000 cây, tôi muốn có 1 triệu cây. Và tôi đã biến một khu đất không mấy rộng lớn thành một vùng rừng sinh thái với đồi núi, với cây rừng bản địa, với thuốc, với rau và hoa lá, chim muông… Thời gian tới, tôi sẽ phát triển thêm số lượng cây và góp nhặt thêm nhiều chủng loài mới để khu rừng thêm đa dạng. Từ đó, tôi muốn lan tỏa năng tình yêu thiên nhiên, yêu thực vật đến mọi người. Tôi cũng khát khao làm cân bằng khí hậu, làm sinh sôi các loại động thực vật”, bà Nga nói.
Khi đến Suối Rao tham quan, tìm hiểu, PGS - TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn đã khẳng định: “Đây là một cú hích về đa dạng sinh học mà chính mỗi một cá nhân như bà Nga đều có thể làm, có thể đóng góp cho sự đa dạng sinh học của Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, cả nước nói chung”.
Tại Việt Nam, hiện có 6 khu Ecolodge là vùng sinh thái biệt lập, có địa hình đồi núi, cánh đồng, cánh rừng trong đó có Suối Rao Ecolodge. Tổ chức Guiness thế giới cũng đang tiến hành đo đạc, định lượng cac-bon tại khu Suối Rao Ecolodge để công nhận là đơn vị tư nhân đầu tiên làm đa dạng sinh học.
Mạnh Cường - Hải Đăng