Cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang không chỉ là biểu tượng Tổ quốc Việt Nam nơi cực Bắc của đất nước, mà còn là niềm tự hào của người dân đất Việt. Giữa đỉnh núi quanh năm ngàn mây bao phủ, cột cờ Lũng Cú tựa ánh sáng niềm tin của quân và dân miền biên viễn.
Lá cờ Tổ quốc trên cột cờ Lũng Cú tung bay giữa trời xanh. Ảnh: Mai Thắng
1. Tổ quốc Việt Nam cong cong hình chữ S như dải lụa mềm trên vùng đất Đông Dương. Trong 4 điểm cực Đông, Bắc, Tây, Nam thì cột cờ Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là điểm cao nhất nơi cực Bắc Tổ quốc. Giữa điệp trùng đồi núi và ngút ngàn cây cối, nương ngô, trên đầu là bầu trời Việt, phía dưới là đất mẹ thân thương, ôm hôn lá cờ đỏ sao vàng năm cánh là một cảm giác thiêng liêng xúc động đến vô cùng.
Để đến được cột cờ Lũng Cú, chúng tôi phải vượt nhiều cung đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu, leo dốc, vượt đèo. Nhưng khát khao một lần được chạm tay vào lá cờ Tổ quốc rộng nhất Việt Nam, khát vọng được đứng trên đỉnh cờ Lũng Cú ngắm nhìn dải đất biên thùy nơi địa đầu đất nước đã khiến du khách cố sức vượt qua những cung đường hiểm trở ấy.
Toàn cảnh buổi lễ chào cờ tại cột cờ quốc gia Lũng Cú. Ảnh: Hà Đô
Lần đầu tiên đến cột cờ Lũng Cú, ôm lá cờ Tổ quốc giữa không trung, anh Nguyễn Văn Xuân (du khách đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) rưng rưng xúc động: "Đây là Tổ quốc Việt Nam nơi địa đầu biên giới. Đứng giữa trời đất bao la, ôm lá cờ Tổ quốc, lòng tôi cảm thấy xúc động và yêu đất nước vô cùng”. Với tôi, sau một chặng hành trình vượt núi cao vực thẳm, bước lên bậc thang đầu tiên, nước mắt đã rưng rưng, cảm xúc dâng tràn trong lòng. Trong khi nhiều người chụp ảnh làm kỷ niệm, tôi dang tay ôm lá cờ Tổ quốc và hôn lên lá cờ đỏ sao vàng giữa mây trời vời vợi. Biết bao người lính như tôi đã ôm hôn lá cờ thiêng liêng này và họ cũng có chung một cảm xúc tự hào là người dân đất Việt.
2. Hàng triệu lượt người đến thăm cột cờ Lũng Cú mỗi năm là hàng triệu cung bậc, cảm xúc và sự cảm nhận khác nhau, nhưng không phải ai cũng tường tận cột cờ ấy được xây dựng bao giờ và nó có ý nghĩa chính trị đặc biệt như thế nào.
Theo tìm hiểu của tôi, cột cờ Lũng Cú được xây dựng từ thời Lý - năm 1073. Khi xưa, Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân về đây, thấy được tầm vóc địa thế của miền biên ải nên đã cho cắm một cột mốc trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Lúc đó, cột cờ làm bằng gỗ, lá cờ hình chữ nhật may bằng vải có rua xung quanh. Đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược đã tiếp nhận cột cờ như một báu vật quốc gia. Để bảo vệ và khẳng định chủ quyền, vua Quang Trung đã cho xây dựng một đồn gác ở dưới chân núi. Trong đồn gác ấy để một trống đồng, cứ mỗi canh đánh lên 3 hồi để khẳng định chủ quyền đất nước. Lịch sử ghi rõ, tiếng trống đồng vang xa vừa là tín hiệu truyền tin về sự an nguy của vùng biên ải, vừa thức tỉnh lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ từng tấc đất tấc non sông nơi địa đầu Tổ quốc.
Đầu năm 1978, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú, bộ đội Biên phòng Hà Giang cùng 24 chiến sĩ dân quân tự vệ đã khênh một cây sa mộc từ nhà chờ lên đỉnh núi làm cột cờ. Cây sa mộc lúc đó có chiều cao 12m, đường kính 20cm, lá cờ có diện tích 1,2m2. Từ đó, cột cờ mang tên chính thức “Cột cờ Lũng Cú”.
Năm 2000, được sự đồng ý của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Giang đã quyết định xây dựng cột cờ Lũng Cú mang tầm cỡ quốc gia. Sau gần một năm thi công, cột cờ bằng bê tông cốt thép đã được dựng lên thay thế cột cờ gỗ trước đó. Cột cờ mới như hiện nay được khởi công xây dựng ngày 8/3/2010, hoàn thành ngày 2/9/2010, có tọa độ 23°21’49’’ vĩ Bắc - 105°18’58’’ kinh Đông. Cột cờ có chiều cao 34,85m, từ chân cột cờ đến sàn lan can cao 20,6m, cán cờ có chiều cao 14,25m, lá cờ có diện tích 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc.
3. Để lá cờ Tổ quốc bình yên và tung bay trên bầu trời Việt, những người lính quân hàm xanh ở Lũng Cú bất kể ngày đêm luôn vững tay súng tuần tra, canh gác bảo vệ cột cờ. Ngoài tuần tra canh gác vòng ngoài, vòng trong vùng biên ải, họ còn giữ vững an ninh dọc 150km đường biên giới, bảo đảm an toàn cho người dân nơi địa đầu Tổ quốc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Do ở độ cao và liên tục bay phần phật trong mọi điều kiện thời tiết nắng mưa, nên tuổi thọ của mỗi lá cờ chỉ được chừng 2 tuần là bạc màu, rách mép. Theo quy định, cứ 15 ngày, những người lính mang quân hàm xanh ở nơi đây lại hạ cờ, thay vào đó lá cờ mới. Những lá cờ Tổ quốc dù cũ, rách do gió nhưng đã trở thành kỷ vật thiêng liêng để dành tặng các đoàn khách tham quan du lịch mỗi lần đặt chân đến vùng đất địa đầu Tổ quốc này.
Mai Thắng