Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đây là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, chính là một trong những tiềm năng to lớn để tỉnh phát triển du lịch.
Không chỉ sở hữu 30 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng được xếp hạng, tỉnh Lai Châu còn là mảnh đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và thấm đẫm các Di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả khai thác kho tàng di sản văn hóa để phục vụ du lịch thời gian qua còn rất khiêm tốn.
"Chúng tôi đang tập trung tham mưu, triển khai các giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Phát triển các sản phẩm du lịch mà Lai Châu có lợi thế, có thể phát triển thành những sản phẩm thế mạnh và có khả năng cạnh tranh trên thị trường..." - Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu chia sẻ.
Nằm trên độ cao 1.500m so với mặt nước biển, bản Sì Thâu Chải có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành cùng với những phong tục tập quán độc đáo, giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn những ngôi nhà trình tường đắp đất truyền thống. Anh Lý A Gôn, Bí thư Chi bộ của bản cho biết, quy ước của bản là tất cả các hộ gia đình không được xây nhà bê tông, phá vỡ cảnh quan, mất nhà truyền thống dân tộc khách sẽ không đến nữa. "Tập trung để tuyên truyền thì sau một thời gian bà con cũng hiểu và đồng tình ủng hộ. Đời sống của bà con dần dần được thay đổi".
Du khách tham quan Sì Thâu Chải vào mùa Đông
Dạo bước quanh bản, du khách sẽ thấy những con đường lát đá và tường rào đá rất đẹp, có những bức tường đã mọc đầy rêu xanh. Theo anh Tẩn A Diêu, đây là truyền thống từ bao đời và luôn được các thế hệ gìn giữ: "Mình thấy nó rất đẹp, cả bản anh em tập trung làm. Xếp nhìn trông nó đẹp chắc chắn mà lại không mọt. Cứ ai làm xong việc tập trung cả bản còn nếu ít người thì mình cứ chia từng tổ làm…".
Một điều nữa cũng thú vị không kém ở Sì Thâu Chải, đó là du khách sẽ thấy có khá nhiều những đồ nông cụ được bày dọc các lối đi trong bản. Có những thứ có tuổi đời đã gần trăm năm. Nó như là một nguồn tư liệu, một di sản quý để cho các du khách hiểu hơn về văn hóa, lịch sử và cuộc sống của bà con qua nhiều đời.
"Trước đây chưa có máy xát thì bà con dùng cái này để giã gạo. Chúng tôi để cho du khách về chụp ảnh để phong cảnh của mình đẹp hơn và đồ cổ hồi xưa thì mình không thể vứt được, mình phải để lại. Du khách nước ngoài họ lên họ cũng thấy lạ…" - Anh Phàn A Đánh cho biết.
Một mô hình làm Homestay ở Sì Thâu Chải
Ở Sì Thâu Chải, du khách còn được trải nghiệm, vui chơi, ngắm cảnh trong những không gian được bà con tạo nên như các chòi ngắm cảnh trong tình cảm chân tình, thân thiện, nồng hậu của bà con.
Có thể nói, tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, di sản của Sì Thâu Chải là rất lớn nhưng việc khai thác vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Chính vì thế, theo ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, Nghị quyết số 04 về bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 của Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa 14 sẽ là nền tảng quan trọng để Sì Thâu Chải khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phục vụ cho việc phát triển du lịch:
"Hiện nay nghị quyết này đang được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện, đảm bảo được yêu cầu. Một số sản phẩm về phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch hiện nay cũng được các địa phương rất quan tâm, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng...". Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu chia sẻ.
Chị em trong bản đang khôi phục lại nghề thêu
Triển khai Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Lai Châu, Sì Thâu Chải đã được hỗ trợ kinh phí để khôi phục, phát huy nghề thủ công truyền thống như: rèn, dệt, mây tre, làm mũ thổ cẩm lông đuôi ngựa... bảo tồn và phát huy các lễ hội, tổ chức các đội văn nghệ quần chúng; cải tạo, sửa chữa nhà ở truyền thống để phục vụ du lịch.
Bản du lịch cộng đồng ở Sì Thâu Chải hiện đã có đầy đủ các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, giải trí, đội văn nghệ để phục vụ khách du lịch. Chính quyền địa phương cũng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành để đưa du khách đến khám phá và trải nghiệm. Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ý thức và nhận thức của người dân địa phương cũng thay đổi, qua đó góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội và diện mạo địa phương phát triển.
Đình Châu