Đồng Nai: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Cập nhật: 09/07/2024
Năm 2024 là năm đầu tiên Đồng Nai thực hiện kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2024-2028. Hiện nhiều di tích đã và đang xuống cấp, chờ trùng tu, tôn tạo.

Phần mái ngói Di tích đình Tân Lân (thành phố Biên Hòa) xuống cấp nghiêm trọng, đang chờ được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: L.Na

Cùng với nguồn lực từ ngân sách, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể không thể không kể đến vai trò chung tay, góp sức của cộng đồng.

Nhiều di tích chờ trùng tu, tôn tạo

Nằm trong lộ trình tu bổ, tôn tạo năm 2024, nhiều hạng mục Di tích đình Tân Lân (phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa) đang chờ trùng tu sau thời gian dài xuống cấp. Đặc biệt, phần mái chánh điện của đình do tác động thời gian hiện đã hư hỏng, có nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân và du khách thăm viếng di tích.

Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân Lâm Văn Lang cho biết, năm 2018, Ban quý tế đình đã có đề xuất gửi UBND thành phố Biên Hòa xin chủ trương trùng tu nhiều hạng mục của đình, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên mới chỉ thực hiện một phần chánh điện. Hiện tại, rui mè trên mái đã mục, nước mưa chảy xuống khiến cho mái ngói xuống cấp nghiêm trọng. Ban Quý tế đình đã treo bảng cảnh báo nguy hiểm.

“Hiện tỉnh đã có chủ trương trùng tu, sửa chữa các hạng mục xuống cấp của đình Tân Lân bằng nguồn vốn sự nghiệp khoảng 3 tỷ đồng. Chúng tôi rất vui mừng. Việc tu sửa này nhằm chấm dứt tình trạng xuống cấp của di tích, kéo dài tuổi thọ công trình. Qua đó, tạo không gian an toàn, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân” - ông Lang nói.

Di tích Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (ở xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) cũng đang chờ trùng tu, tôn tạo bởi các hạng mục di tích gốc hiện hữu bị xuống cấp. Các cấu kiện gỗ ở điện thờ chính như: hệ khung, hệ mái, hệ vách ván đều bị mối mọt, xuống cấp nặng. Miếu thờ Thổ thần đã hư hỏng. Hạ tầng kỹ thuật chưa có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, khu vệ sinh công cộng…

Dự án Trùng tu, tôn tạo Di tích Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương do UBND huyện Tân Phú làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh. Theo UBND huyện Tân Phú, dự án được thực hiện trong giai đoạn 2023-2026. Ngoài bảo tồn, tu bổ các hạng mục đang xuống cấp, dự án còn xây dựng các hạng mục nhà trù, nhà vệ sinh, cây xanh thảm cỏ, hạ tầng kỹ thuật và các nội thất bàn thờ, hoành phi, câu đối.

Nhiều hạng mục các di tích như: Khu mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh Thiên Địa Hội, lăng mộ Trịnh Hoài Đức (thành phố Biên Hòa), địa điểm thành lập Đoàn 125 (huyện Cẩm Mỹ)… hiện cũng đang xuống cấp, chờ trùng tu, tôn tạo.

Trong 2 ngày 5 và 19/7, UBND thành phố Biên Hòa tổ chức Lễ công bố quyết định và trao bằng xếp hạng 2 di tích khảo cổ: Tân Lại (phường Bửu Long) và Long Hưng (xã Long Hưng).

Chung tay bảo tồn di sản văn hóa

Nhiều dự án trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh thời gian qua được triển khai từ nguồn ngân sách tỉnh, từ chương trình mục tiêu quốc gia và nhân dân đóng góp. Trong đó phải kể đến các di tích: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Thành cổ Biên Hòa, miếu Tổ sư, chùa Ông (thành phố Biên Hòa); đình Xuân Hòa, chùa Xuân Lộc (thành phố Long Khánh); đền thờ Trần Hưng Đạo (xã Bình Sơn, huyện Long Thành); đình Phước Thiền, đình Phú Mỹ (huyện Nhơn Trạch); Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (huyện Vĩnh Cửu)…

Tại các địa phương, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được phân cấp quản lý di tích thời gian qua đã tích cực kêu gọi xã hội hóa, huy động các nguồn lực tu bổ, tôn tạo di tích. Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên phối hợp với đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động bảo quản, phục hồi di tích, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi.

Phó chủ tịch UBND phường Hiệp Hòa (thành phố Biên Hòa) Hoàng Ngọc Phương cho hay, một số hạng mục của khu mộ, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh xuống cấp. Trong tháng 6 vừa qua, địa phương đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để sơn sửa cũng như thay nền gạch, đảm bảo cho khu mộ sạch sẽ, khang trang. Qua đó, gìn giữ, phát huy giá trị di tích, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của người dân và du khách tại di tích.

Cùng với di tích, các đơn vị, địa phương như: Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú, Thống Nhất… đã phối hợp với các nghệ nhân thành lập các đội nhạc cụ, tổ chức nhiều lớp truyền dạy miễn phí sử dụng bộ nhạc cụ dân tộc Mường, Khmer, Chơro. Đồng thời, kiểm kê lễ hội truyền thống các đồng bào dân tộc thiểu số; sưu tầm, nghiên cứu bài thuốc dân gian của các dân tộc: Hoa, Nùng, Tày, Mạ, Chơro, S’tiêng…

Đánh giá cao công tác huy động các nguồn lực vào trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng dân cư, Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Hồng Ân kỳ vọng hoạt động này sẽ góp phần cùng với Nhà nước giữ gìn và kéo dài tuổi thọ của di tích. Bởi, tuổi thọ di tích càng lâu thì giá trị di sản cha ông để lại sẽ càng vững bền và có cơ hội phát triển du lịch.

Ly Na

Nguồn: Báo Đồng Nai - baodongnai.com.vn - Đăng ngày 06/7/2024