Ngày 8-7, tại Đà Nẵng, UBND tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và truyền thông giới thiệu Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV - Bắc Kạn năm 2024.
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, các tỉnh Việt Bắc giới thiệu tổng thể nội dung của sự kiện Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV - Bắc Kạn năm 2024 mà tỉnh Bắc Kạn đăng cai tổ chức từ ngày 24 đến ngày 29/8/2024. Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” là chương trình quảng bá văn hoá du lịch cấp khu vực được tổ chức thường niên, luân phiên giữa 06 tỉnh vùng Việt Bắc, gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.
Chương trình bao gồm các hoạt động xúc tiến điểm đến du lịch 6 tỉnh Việt Bắc gắn với truyền thông, giới thiệu về Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV - Bắc Kạn năm 2024; Giải đua xe đạp địa hình tỉnh Bắc Kạn mở rộng (chinh phục tuyến đường mới Thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể); Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc; Cuộc thi Hướng dẫn viên du lịch; Tổ chức các trò chơi dân gian phục vụ người dân và khách du lịch...
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên chia sẻ về Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc”
Việt Bắc là địa danh lịch sử cách mạng ở phía Đông Bắc, ngày 4/6/1945 theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và vinh dự được lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là an toàn khu bảo vệ Đảng, Bác Hồ với "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù", mỗi địa danh lịch sử thuộc vùng Việt Bắc đều gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Với tổng diện tích tự nhiên trên 37,2 km2, dân số trên 4,5 triệu người, các tỉnh vùng Việt Bắc có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Với hệ thống những điểm di tích quan trọng của quốc gia, Việt Bắc là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc. Với đặc trưng về địa hình, khí hậu của các tỉnh miền núi, các tỉnh Việt bắc có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống sông, hồ, thác nước, hang động hùng vĩ, những địa danh nổi tiếng hiện đang là điểm đến thú vị, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Ký kết hợp tác giữa các đơn vị lữ hành, du lịch
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về du lịch, UBND các tỉnh Việt Bắc đã ký kết Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc. Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Hà Giang vào năm 2009. Qua 14 năm luân phiên tổ chức tại các tỉnh trong khu vực, chương trình đã góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó Việt Bắc được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011. Đến nay, năm 2024 hành trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” bước sang năm thứ 15 đã tạo nên thương hiệu du lịch riêng có, đặc sắc của 6 tỉnh Việt Bắc - điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự phát triển của xã hội, đồng bào các dân tộc 6 tỉnh Việt Bắc còn lưu giữ được nhiều giá trị bản sắc riêng, từ hệ thống các lễ hội, nghi lễ truyền thống đến trang phục và các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc mang đậm bản sắc văn hóa tộc người. Đây là những sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống bản địa của du khách.
Công Tâm