Du lịch Quảng Trị khai thác thế mạnh từ “rừng vàng, biển bạc”

Cập nhật: 09/07/2024
Với nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, riêng có, cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, ngành du lịch Quảng Trị có điều kiện thuận lợi để tạo sự khác biệt, cất cánh bay xa.

Rừng nguyên sinh Rú Lịnh - thắng cảnh nổi bật của Quảng Trị, là một sản phẩm du lịch sinh thái đặc biệt - Ảnh: N.T

Quảng Trị là địa phương hội tụ nhiều tài nguyên du lịch hết sức phong phú, đa dạng. Đây được xem là một “bảo tàng chiến tranh” lớn của Việt Nam và thế giới. Những di tích gắn liền với các cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là chiến tranh chống Mỹ, được phân bố dày đặc trên mảnh đất Quảng Trị.

Trong đó, các điểm di tích nổi bật như Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và Đường 9, căn cứ Dốc Miếu, nhà tù Lao Bảo, sân bay Tà Cơn, thành cổ Quảng Trị… đã tạo nên sản phẩm du lịch DMZ - một sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Trị mà không nơi nào có được, thu hút lượng lớn khách quốc tế.

Bên cạnh đó, Quảng Trị có tài nguyên du lịch biển với những bãi biển đẹp, hoang sơ, trữ tình như Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Hải Khê, Triệu Lăng, Kim Thạch, Vĩnh Thái… Trong đó, bãi biển Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) được mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi tắm”; bãi biển Cửa Việt (huyện Gio Linh) có diện tích rộng, mang vẻ đẹp rất riêng với bãi cát trắng mịn, bằng phẳng; đảo Cồn Cỏ với thảm thực vật, hệ sinh thái biển đa dạng, những rạn san hô tuyệt đẹp, phù hợp với việc phát triển các tour du lịch lặn biển.

Về du lịch sinh thái, Quảng Trị có cảnh quan sông suối, hồ nước, núi rừng đẹp; hệ động, thực vật đa dạng, phong phú và quý hiếm. Nổi bật là rừng nguyên sinh Rú Lịnh (huyện Vĩnh Linh); Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có Động Brai, núi Voi Mẹp được mệnh danh là “nóc nhà Quảng Trị”; Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có hang Dơi, thác Đỗ Quyên, suối A Chò, động Ba Lê; rừng trằm Trà Lộc (huyện Hải Lăng); đèo Sa Mù, thác Chênh Vênh, thác Tà Puồng (huyện Hướng Hóa)…

Về du lịch văn hóa - tâm linh, Quảng Trị có di tích hệ thống giếng cổ Gio An hơn 1.000 năm tuổi tại huyện Gio Linh, nơi lưu giữ các giá trị khảo cổ, văn hóa nghệ thuật độc đáo do người Chăm Pa sáng tạo. Bên cạnh đó là các di tích quốc gia khác như Nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Lê Duẩn, dinh chúa Nguyễn, đền thờ vua Hàm Nghi…

Đáng chú ý, Quảng Trị còn có hệ thống công trình văn hóa tâm linh tín ngưỡng đặc sắc như Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, Trung tâm hành hương Đức mẹ La Vang…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Nam cho biết, so với các ngành kinh tế khác như công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, thì đóng góp của du lịch vào GRDP còn khiêm tốn. Tuy vậy, với những tiềm năng nổi trội và thương hiệu có sẵn, tỉnh xác định du lịch là một trong ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quy hoạch cũng xác định phương hướng, đó là xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc trưng riêng về lịch sử - văn hóa ở khu vực miền Trung, là hạt nhân quan trọng trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây.

Hình thành thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ đổ nát do chiến tranh tàn phá; phát huy lợi thế về biển đảo, sinh thái, văn hóa, tín ngưỡng và kết nối liên vùng trong hệ thống du lịch di sản miền Trung, cùng các hành lang kinh tế quốc gia, quốc tế. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, trọng tâm là phát triển tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ và dải đô thị du lịch ven biển.

Kết nối du lịch tìm hiểu lịch sử - chiến tranh cách mạng của Quảng Trị với du lịch các địa phương trong khu vực, đặc biệt phát triển du lịch DMZ trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, gắn với bài học về chiến tranh và giá trị của hòa bình. Phát triển du lịch gắn với Trung tâm hành hương Đức mẹ La Vang trở thành sản phẩm du lịch tâm linh thế mạnh của tỉnh…

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, với chuỗi địa danh lịch sử gắn với cuộc chiến tranh khốc liệt bậc nhất lịch sử nhân loại. Bên cạnh đó là Trung tâm hành hương Đức mẹ La Vang, nơi được Giáo hội Công giáo công nhận là một trong 4 địa chỉ trên toàn thế giới có Đức mẹ hiển linh, nơi có sức thu hút giáo dân và khách du lịch rất lớn. Nối hai “tọa độ du lịch hạt nhân” này với hàng loạt địa chỉ du lịch văn hóa, lịch sử, tự nhiên khác của Quảng Trị, sẽ không quá khó khăn để hình dung ra chân dung phát triển mới của Quảng Trị tầm cỡ, hoành tráng, hấp dẫn và đầy triển vọng.

Được biết, Quảng Trị đang đầu tư sản phẩm du lịch sinh thái Rú Lịnh. Theo đó, rừng nguyên sinh Rú Lịnh được xem là “lá phổi xanh” của vùng phía Đông huyện Vĩnh Linh. Nơi đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Hiện tỉnh Quảng Trị đã cấp phép cho Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Sông Hiền thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh, với mục tiêu xây dựng Rú Lịnh thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với bảo vệ, phát huy tài nguyên rừng.

Bà Lê Thị Hà Giang, Phó Giám đốc Công ty Sông Hiền cho biết, Công ty đã lập kế hoạch xây dựng Rú Lịnh thành một khu phức hợp gần gũi thiên nhiên như nhà nghỉ trên cây, nhà nghỉ trong lòng đất, nhà hàng, spa, khu trò chơi, nông trại...; các hoạt động trải nghiệm trong rừng như tắm suối, cắm trại, trồng hoa và nấm, yoga và thiền, bảo tồn và phát triển các nguồn gen thực vật quý hiếm. Công ty đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ đón du khách nước ngoài đến với Rú Lịnh.

Uông Tân

Nguồn: Báo Đầu tư - baodautu.vn - Đăng ngày 07/7/2024