Thanh Hóa: Nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Cập nhật: 10/07/2024
Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa) được đánh giá là trung tâm đa dạng sinh học đại diện cho khu vực Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Nhằm quản lý, bảo tồn hiệu quả các giá trị đa dạng sinh học tại khu vực này, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp chú trọng bảo vệ rừng, các kiểu hệ sinh thái.

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên được thành lập theo Quyết định số 1476/QĐ-UB ngày 15/6/2000 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, được giao quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích 24.728,60 ha; trong đó, 23.816,23 ha rừng đặc dụng và 912,37 ha rừng sản xuất. Đây là trung tâm đa dạng sinh học đại diện cho khu vực Tây Bắc, Bắc Trung bộ và phía Đông nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào. 

Theo kết quả điều tra, Khu BTTN Xuân Liên có 1.228 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 659 chi, 181 họ, trong đó có 56 loài thực vật rừng quý hiếm, có 11 loài thuộc danh mục của IUCN, 39 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 22 loài thuộc danh mục của Nghị định 84/2021/NĐ-CP. Giới nghiên cứu chuyên môn đánh giá Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên là khu rừng nguyên sinh có nhiều loại cây quý có tuổi đời hàng ngàn năm, đã có trong hồ sơ cây di sản Việt Nam đang được bảo vệ nghiêm ngặt và được bảo tồn nguồn gien quý hiếm. Trong đó, quần thể sa mu, pơ mu ở khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được coi là lớn nhất Bắc Trung Bộ với nhiều cây trăm tuổi, đặc biệt có cây gần 1.500 tuổi.

Hệ động vật ở Xuân Liên gồm 1.811 loài, thuộc 241 họ, 46 bộ; có 94 loài nguy cấp, quý hiếm, có 34 loài ở mức đe dọa toàn cầu thuộc Danh lục Đỏ IUCN, 56 loài trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong đó, có 3 loài đặc hữu hẹp, gồm: Vượn đen má trắng, Mang pù hoạt, Rùa hộp trán vàng bắc. 

Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, Khu BTTN Xuân Liên còn lưu giữ nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo những thác nước, nhà sàn cổ, những khu làng còn bảo tồn được nguyên vẹn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của các dân tộc Thái - Mường. Khu vực này còn có lòng hồ Cửa Đạt rộng hơn 3.000 ha có giá trị to lớn về hệ sinh thái rừng ngập nước... Đây là tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, giảm áp lực đối với rừng đặc dụng và tăng nguồn thu cho khu bảo tồn.

Khu BTTN Xuân Liên được đánh giá là trung tâm đa dạng sinh học đại diện cho khu vực Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

Những năm qua, Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trong đó nghiên cứu khoa học được xem là nhiệm vụ then chốt để bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học hiện có một cách hiệu quả. Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã thực hiện thành công đề tài khoa học "Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gene lan hài vân bắc, lan hài lông và lan thủy tiên hường vùng Bắc Trung Bộ (giai đoạn 2017-2022)".   

Qua đó, phát hiện 210 cây lan hài vân bắc, 1.175 cây lan hài lông, 1.265 cây lan thủy tiên hường tại khu vực Bắc Trung Bộ. trong thời gian thực hiện đề tài, Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã điều tra 42 tuyến với chiều dài 325,9km tại 14 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên thuộc vùng Bắc Trung Bộ để xác định hiện trạng, vùng phân bố các loài lan này, tìm giải pháp bảo tồn, nhân giống các loài lan quý này. 

Đồng thời, xây dựng được 9 quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc các loài lan và 3 mô hình trồng cây lan thương phẩm, 1 mô hình vườn giống gốc với 5.035 cây để cung cấp vật liệu giống sản xuất cây thương phẩm. Đến thời điểm kết thúc đề tài, Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã nhân giống được 45.320 cây lan của 3 loài bằng phương pháp nuôi cấy mô (30.000 cây/3 loài), phương pháp tách mầm (15.000 cây/3 loài). 

Ngoài việc nhân giống thành công 3 loài lan quý hiếm nêu trên, những năm qua BQL Khu BTTN Xuân Liên còn triển khai có hiệu quả nhiều đề tài khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, như: Đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen dược liệu Na rừng”; Đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen Cầy Vòi hương và Cầy vòi mốc tại Thanh Hóa và một số tỉnh lân cận; Đề tài “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhân giống cây giống giổi ăn hạt, phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi tỉnh Thanh Hóa”; Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây Quế ngọc theo chuỗi giá trị tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa”... 

Cá thể voọc chân xám tại Khu BTTN Xuân Liên.

Các nhiệm vụ khoa học về bảo tồn như: Điều tra, bảo tồn, cứu hộ và nuôi dưỡng các loài rùa; bảo tồn và phát triển các loài trong họ Cầy (Viverridae); bảo tồn một số loài cây họ Dầu; bảo tồn và phát triển các loài Giổi lông, Vàng tâm, Mỡ thuộc họ Ngọc Lan tại Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa; bảo tồn và phát triển 2 loài Vù hương, Re gừng thuộc chi Quế (Cinnamomum); điều tra, bảo tồn các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm,...

Thông qua hoạt động điều tra để thực hiện các đề tài khoa học, BQL Khu BTTN Xuân Liên cùng với các nhà khoa học đã phát hiện được 6 loài cây mới, trong đó 3 loài đặc hữu chỉ có tại Xuân Liên; 1 loài đặc hữu của khu vực Trung bộ và 2 loài đặc hữu của Việt Nam, gồm Mộc hương Xuân Liên, Sồi Xuân Liên, Thiên lý Xuân Liên, Chè hoa vàng trái mỏng, Chè hoa vàng Trung bộ, Giác đế bân. Phát hiện 3 loài mới chưa từng được ghi nhận ở Việt Nam đó là: Lữ đằng đứng, Thủy thảo trắng, Song quả lá bắc tím và loài rắn hổ mây Xuân Liên... qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên đang triển khai “Điều tra đặc điểm sinh vật học và bảo tồn một số loài cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2022-2024)” nhằm bảo tồn các loài cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao.

Đến nay, Ban Quản lý đã điều tra được 45 tuyến, xây dựng được 2 mô hình rừng trồng tập trung và trồng rừng bổ sung, làm giàu rừng có các loài cây họ Dầu (15 ha/2 mô hình) ở xã Vạn Xuân, Yên Nhân, huyện Thường Xuân. Kiểm lâm viên đã trồng và nhân giống được 10.000 cây họ Dầu như chò chỉ, táu mặt quỷ, táu nước, táu muối…trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học, kiểm lâm viên sẽ điều tra, xác định thành phần, đặc điểm phân bố tự nhiên, mối đe dọa của các loài cây họ Dầu.

Đồng thời thu thập thông tin về loài qua phỏng vấn 120 người dân tại 12 thôn/bản vùng đệm Khu Bảo tồn; điều tra định vị, mô tả chi tiết 100 cây họ Dầu cổ thụ; xây dựng cơ sở dữ liệu về đặc điểm sinh vật học làm cơ sở cho hoạt động bảo tồn, phát triển, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, kiểm lâm viên cũng sẽ xây dựng báo cáo chuyên đề về phân tích hiện trạng phân bố, tình trạng khai thác, buôn bán và sử dụng của các loài cây tại những thôn vùng đệm Khu Bảo tồn; in ấn và cấp phát 1.210 bản poster tuyên truyền về bảo tồn phát triển các loài cây cấp cho người dân tại 12 thôn/bản, 5 xã và 6 trường học.

Loài lan hài vân bắc quý hiếm được phát hiện ở Khu BTTN Xuân Liên. Ảnh: NN.

Thời gian tới, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên sẽ xây dựng bộ tiêu bản đầy đủ gồm 300 tiêu bản ảnh cây cổ thụ, 600 tiêu bản khô và các loài thực vật ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; đồng thời trồng và chăm sóc 100 cây họ Dầu mẹ để làm giống; gieo ươm thực nghiệm 10.000 cây giống để bảo tồn và phát triển. 

Ngoài ra, Ban Quản lý còn tham gia cùng các nhà khoa học điều tra, bảo tồn các loài động vật tại Khu BTTN Xuân Liên: Điều tra sự phân bố và thực hiện công tác bảo tồn nội vi (insitu) và bảo tồn ngoại vi (Ex situ) đối với 5 loài rùa gồm: Rùa đầu to, Rùa hộp trán vàng miền bắc, Rùa đất Tam Đảo, Rùa bốn mắt, Rùa sa nhân; và 5 loài cầy (Cầy mực, Cầy giông, Cầy vòi hương, Cầy vằn bắc, Cầy vòi mốc). Điều tra nghiên cứu ghi nhận 252 loài chim thuộc 55 họ, 17 bộ. Xác định có 10 loài chim quý, hiếm có giá trị bảo tồn như loài gà tiền mặt vàng, vẹt ngực đỏ, hồng hoàng.

Nhằm bảo tồn phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa triển khai Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.  

Qua đó, tạo điều kiện để nhân dân địa phương tham gia các loại hình du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học, hệ sinh thái cũng như bảo tồn các loài động thực vật quy hiếm trong khu vực. Xác định được hiện trạng tài nguyên thiên nhiên; danh lam thắng cảnh và các loại sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã lập được danh mục các loài thực vật, động vật, cây dược liệu, nghiên cứu các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen quý cùng các tài nguyên động, thực vật phổ biến; ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý tài nguyên và quan sát đa dạng sinh học bằng công nghệ GPS trong tuần tra, kiểm tra an ninh rừng.

Nhằm thúc đẩy và phát huy tốt hơn công tác nghiên cứu khoa học, thời gian tới Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, dự trữ thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; tổ chức các hoạt động dịch vụ môi trường sinh thái, du lịch và giáo dục môi trường theo quy định của pháp luật. Đa dạng các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và hoàn thiện công tác điều tra nghiên cứu cơ bản ở Khu BTTN Xuân Liên.

Hồng Hạnh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 10/7/2024