Sau 3 năm thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU ngày 01/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch tỉnh đã chuyển dịch cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại phát triển bền vững theo quy luật kinh tế thị trường. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, một số dự án du lịch với quy mô lớn, chất lượng cao được đầu tư, xây dựng đã đi vào hoạt động và đang thu hút được một số tập đoàn lớn đến đầu tư du lịch.
Người dân Mai Châu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái, tham gia biểu diễn phục vụ du khách
Tỉnh thường xuyên tổ chức các sự kiện và một số chương trình xúc tiến quảng bá du lịch trong tỉnh và ngoài tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Trong giai đoạn 2021-2024 đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, đồng thời tham gia nhiều chương trình xúc tiến quảng bá du lịch trong cả nước như: Đăng cai tổ chức môn đua Xe đạp trong chương trình Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, tổ chức chương trình nghệ thuật “Thanh âm xứ Mường“ và Carnival 2022; tổ chức lễ hội Khai hạ dân tộc Mường quy mô cấp tỉnh năm 2023, 2024, tổ chức Giải Siêu Marathon Việt Nam năm 2024 tại Mai Châu... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như tiềm năng du lịch Hòa Bình thu hút đầu tư và liên kết thị trường khách du lịch. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các bến, bãi đỗ xe, các điểm dừng nghỉ cho khách du lịch ngày càng được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với các khu, điểm du lịch của một số tỉnh thành trên cả nước. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của tỉnh bố trí cho các dự án hạ tầng du lịch là 352.600 triệu đồng. Trong đó, nhiều dự án quan trọng, trọng điểm được bố trí bằng nguồn vốn đầu tư công.
Phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch của tỉnh là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, cộng đồng, du lịch thể thao và văn hóa tâm linh. Trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo nâng cao chất lượng loại hình du lịch tâm linh trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình và các huyện: Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn… Tiếp tục đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông mới tại các địa phương có tiềm năng như: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn để thu hút khách du lịch. Ưu tiên, tập trung hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chất lượng cao tại Khu du lịch Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu và các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi…; chú trọng thu hút đầu tư, hiện nay các tập đoàn có thương hiệu như: Sun Group, Vin group, Apec… đến để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao và phát triển loại hình du lịch thể thao như: chơi golf, đua xe đạp địa hình, bay dù lượn... Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế như: Sản phẩm du lịch cộng đồng; Sản phẩm du lịch làng nghề thủ công truyền thống; Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí... Từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Hòa Bình gắn với hình ảnh đặc trưng, độc đáo mang bản sắc văn hóa các dân tộc. Chú trọng khôi phục và xây dựng các làng nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, sản xuất rượu cần, sản xuất hàng lưu niệm… để phục vụ khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp như xây dựng các trang trại trồng các loại cây ăn quả, các trang trại trồng hoa và các loại rau củ quả, nuôi trồng thủy sản, kết nối vùng để xây dựng các chương trình du lịch nông nghiệp nhằm tạo điểm đến cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch. Đã xây dựng Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh Hòa Bình có địa chỉ: http:/hoabinh.tourism.vn để quảng bá du lịch chung của tỉnh. Tại cổng du lịch thông minh đã số hóa 360 độ được 33 điểm, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh và trên 300 tin bài, ảnh, bài dịch tiếng Anh đăng tại Cổng thông tin Du lịch thông minh của tỉnh Hòa Bình để tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Hòa Bình. Bên cạnh đó tỉnh đã giao cho các cơ quan chuyên môn xây dựng nhiều các video clip để quảng bá du lịch. Các địa phương đều xây dựng cổng thông tin điện tử để quảng bá cho du lịch của tỉnh nói chung và các huyện, thành phố nói riêng. Nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch đã chủ động xây dựng các trang web riêng để giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch của đơn vị và kết nối với các trang mạng xã hội để thu hút khách du lịch đến với Hòa Bình.
Tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các bến, bãi đỗ xe, các điểm dừng nghỉ cho khách du lịch trên các tuyến quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình. Xây dựng, nâng cấp các bến cảng thủy nội địa vùng Hồ và các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với các khu, điểm du lịch của một số tỉnh, thành trên cả nước. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Hòa Bình tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, lập dự án phát triển du lịch, tiêu biểu như: Dự án cáp treo và khu phức hợp vui chơi giải trí sân golf tại thành phố Hòa Bình; Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà Resort và Dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương tại huyện Đà Bắc; Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình; Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Dụ và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sun Set tại huyện Lương Sơn; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung; Quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ và Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy….
Khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện tài nguyên và định hướng phát triển của tỉnh như phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, thể thao… Đã đầu tư hỗ trợ về đường đi nội bộ, bãi đỗ xe, sơ đồ tuyến điểm du lịch và cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ đào tạo tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhà dân mới kinh doanh tại một số điểm du lịch cộng đồng trên khu du lịch hồ Hoà Bình để đón tiếp khách du lịch. Nhiều người dân có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống từ tham gia kinh doanh du lịch.
Giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác như: Khách sạn Sakura (tiêu chuẩn 4 sao), khách sạn Sojo, khách sạn Bình Anh, Thung lũng Cúc Thảo (thành phố Hoà Bình); các khu nghỉ dưỡng Satoyama Village, La Saveur Hòa Bình, Lương Sơn Retreat (huyện Lương Sơn); Làng Kayaking, homestay Thung Mây, Nhà Tím (Cao Phong); Avana Retreat, khu cắm trại chất lượng cao Mai Chau Lodge Glamping (Mai Châu), Mandala Retreat (huyện Kim Bôi); Mai Đà Lodge, Xoan Retreat, Mơ Retreat (huyện Đà Bắc). Đặc biệt, thành phố Hòa Bình đã đầu tư, khai trương tuyến phố đi bộ cuối tuần từ tháng 10/2023 đã tạo nên một sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hòa Bình có 490 cơ sở, tạo việc làm cho khoảng 17 nghìn lao động, trong đó gần 6,4 nghìn lao động trực tiếp có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch; Có 09 Điểm du lịch, 01 Khu du lịch cấp tỉnh đã công nhận, toàn tỉnh có hơn 30 điểm du lịch được đưa vào khai thác; Có trên 200 xe điện và trên 300 phương tiện vận chuyển thủy, bộ tham gia phục vụ khách; Có 4 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 16 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được quan tâm, đã tổ chức 05 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch với gần 200 học viên; Tổ chức cho đoàn công tác cán bộ và các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình đi học tập mô hình quản lý, phát triển du lịch cộng đồng tại một số tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Lào Cai, Sơn La...
Lê Thùy