Đối với người Thái Bình, Bách Thuận là cái tên rất đỗi thân thuộc bởi từ lâu đây được xem là làng hoa, làng cây cảnh nức tiếng gần xa. Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác du lịch làng vườn, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng. Những năm gần đây, chính quyền địa phương có nhiều ý tưởng ấp ủ để khai phá, biến mảnh đất tiềm năng này phát triển xứng tầm.
Một góc làng vườn Bách Thuận, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình).
Bỏ phố về làng ngót 20 năm nay, nghệ nhân sinh vật cảnh Nguyễn Như Tuấn, trú tại xóm Mới xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) luôn đau đáu giữ đam mê xây dựng miền quê này sớm trở thành làng vườn thực thụ.
Theo ông, hiếm có nơi nào mà cả xã lại nằm trọn phía ngoài bãi sông Hồng, đất đai phì nhiêu màu mỡ trải dài ngút ngàn, rất thích hợp để trồng hoa, cây cảnh.
Có trong tay hơn 7.000m2 đất, nhà vườn của ông Tuấn được xây dựng khá bài bản, quy củ với đa dạng các chủng loại cây cối, hầu hết là những giống thuần Việt rất gần gũi với đời sống như: vườn cây mộc ta, vườn cây mẫu đơn, vườn hoa hồng…
Cổng vào nhà vườn của gia đình nghệ nhân Nguyễn Như Tuấn.
Phía giữa nhà vườn là hồ lớn tạo không gian êm ả, nhẹ nhõm. Tại đây, ông Tuấn xây dựng lầu bát giác với cầu dẫn mềm mại nối vào đường dạo ven hồ. Du khách đến đây có thể ra ngắm nhìn toàn bộ nhà vườn, cũng có thể hít thở không khí trong lành mỗi sớm mai thức giấc, hay còn là nơi giao lưu, ăn uống sau một thời gian trải nghiệm, thăm thú.
Điểm nhấn khó bỏ qua khi về đây chính là ngôi nhà cổ đã có 98 tuổi đời được ông gìn giữ, bảo tồn qua nắng mưa và thời gian. Đây là 1 trong hơn 20 ngôi nhà cổ còn tồn tại ở Bách Thuận, tạo nét riêng có, hoài cổ và rất đặc sắc.
Ở Bách Thuận còn lưu giữ hơn 20 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới trăm năm.
Về Bách Thuận trong những ngày nắng nóng nhưng du khách đều thích thú bởi không khí trong lành, khá dễ chịu do nằm ngay sát dòng sông Hồng. Nhưng điều dễ thấy chính là những vườn cây trải dài tăm tắp, đi đâu cũng thấy cây cối xanh mướt từ trong nhà ra đến các ngõ.
Bách Thuận như lá phổi xanh làm dịu mát những ngôi nhà, những mảnh sân, những con đường. Đây là điều làm nên sức hấp dẫn, sự khác biệt so với những vùng đất khác trên quê lúa Thái Bình.
Với những tiềm năng sẵn có, địa phương đang chọn 7 gia đình có nhà vườn tiêu biểu để xây dựng thành những điểm sáng trong phát triển du lịch, biến thế mạnh bao lâu nay thành hiện thực.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bách Thuận Nguyễn Kim Sáu chia sẻ: “Địa phương đang hướng tới quy hoạch vùng trồng cây ở mỗi thôn, khuyến khích người dân tu sửa lại các ngôi nhà cổ, đồng thời chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, để sớm tiến tới xã nông thôn mới kiểu mẫu, xứng tầm là một làng vườn du lịch”.
Về Bách Thuận, đâu đâu cũng rợp bóng cây, tạo cảm giác dễ chịu, thư thái.
Ngoài những miệt vườn trù phú, Bách Thuận còn là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc. Đó là 2 Di tích cấp Quốc gia Chùa Từ Vân - Từ đường Nguyễn Kim, chùa Bách Tính; 2 di tích cấp tỉnh là Từ đường họ Phạm Văn Chi và miếu Vua Bà; 1 nhà thờ xứ họ giáo Thuận Nghiệp.
Theo lịch sử để lại, xã Bách Thuận được hình thành nên từ bốn làng: Thuận Nghiệp, Thượng Xuân, Bách Tính và Thuận Vi từ hơn 300 năm trước, với 45 dòng họ lớn nhỏ ở khắp nơi về quần tụ.
Nhờ khí thiêng sông núi, nhờ đất mát, trời trong, hưởng bổng lộc phù sa màu mỡ, bốn mùa cây trái tốt tươi hoa thơm trái ngọt, cùng đoàn kết gắn bó mật thiết nhiều đời với bản chất chịu thương, chịu khó, ham làm ham học hỏi đã tạo nên một bản sắc riêng của con người quê hương đất Thuận.
Do đó đã có nhiều công trình dân sinh phúc lợi, nhiều công trình văn hóa tâm linh được các thế hệ xây dựng, bảo tồn trở thành dấu vàng son để muôn đời lưu danh tưởng nhớ.
Hình thành theo quy luật "Tụ thủy ắt quần nhân", một làng quê có tới 25 dòng họ từ nhiều nơi về sinh cơ lập nghiệp. Hình ảnh cây đa, giếng nước gắn liền với các công trình tâm linh như: Từ Vân tự, Bồ Đà tự, Thượng đại đình, Phượng minh đình, Trí trung đình, Hồng Thái tự, Đền Đông, Phủ thánh mẫu, Miếu quan tây, Miếu Đa hội... là những nơi thờ phật, thánh, thiên thần, nhân thần, thành hoàng có công bảo vệ giang sơn đất nước, khai hóa, xây dựng làng cùng các bệ miếu thần linh chín khu trong làng đã minh chứng về sự trường tồn của một làng quê văn hiến nơi vùng châu thổ sông Hồng.
Chợ Thuận Vi bày bán 24 loại bánh truyền thống do người dân tự làm, tự tiêu thụ.
Sau một thời gian dạo bước quanh các nhà vườn ở Bách Thuận, chúng tôi ghé thăm chợ Thuận Vi còn nguyên vẻ mộc mạc, thuần chất vùng quê lúa nước châu thổ sông Hồng.
Chợ mở các ngày trong tuần, từ tờ mờ sáng đến khoảng 11 giờ trưa thì nghỉ. Điều thú vị trong phiên chợ là bày bán đủ 24 loại bánh do chính những người nông dân tự làm, tự tiêu thụ với giá cả phải chăng như bánh cuốn, bánh đúc, bánh giò, bánh mật, bánh nếp, bánh bột lọc, xôi…
Bà Nguyễn Thị Thanh, một hộ dân buôn bán tại chợ Bách Thuận cho biết: "Tôi đã nhiều năm bán hàng tại đây, thường thức dậy từ 2 giờ sáng làm bánh, đến khoảng 5 giờ thì mang ra chợ bán. Ở phiên chợ này, ai có gì thì mang ra bán, rất tự nhiên và không phải bó buộc bởi điều gì cả".
Du khách thích thú lưu lại những bức ảnh kỷ niệm bên những cây cảnh, cây thế có giá trị thẩm mỹ cao trong làng vườn Bách Thuận.
Vốn là địa phương có tiếng về phát triển cây ăn trái, tơ tằm, ngay từ năm 2002, xã Bách Thuận triển khai quy hoạch thành khu Làng vườn. Các cánh đồng hoa trải dài ở các thôn Liên Hồng, Trung Hòa; cây ăn quả ở Chiến Thắng, Bình Minh.
Còn thôn Bách Tính được quy hoạch tập trung phát triển các dòng cây hàng lá, cây cảnh, cây thế. Hiện nay, những điểm đến như: Cổng làng, chợ Thuận Vi, Nhà vườn sinh vật cảnh và nhà cổ nằm trong tour du lịch khi đến với làng vườn Bách Thuận đang được địa phương khẩn trương quy hoạch và tổ chức để hướng tới thực hiện Đề án phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái làng vườn Bách Thuận, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương và quảng bá làng vườn Bách Thuận ra khắp cả nước.
Mai Tú