Mùa hè xanh mát bên thác Tà Gụ - Khánh Hòa

Cập nhật: 11/07/2024
Thác Tà Gụ nằm ở xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa; cách sân bay Cam Ranh khoảng 60km.

Khánh Sơn có đường độc đạo xanh mướt ngoằn ngoèo gấp khúc dẫn lên núi, có thị trấn lặng lờ êm đềm trong sương buốt lạnh khi tắt nắng, có thác Tà Gụ âm vang núi rừng, và vài năm trở lại đây thì thơm lừng sầu riêng...

Khánh Sơn, vùng đất núi non trùng điệp của tỉnh Khánh Hòa trước đây ít người đặt chân tới. Phần vì đã đến Khánh Hòa, mọi người sẽ nghĩ ngay đến du lịch biển và đến với các bãi biển xinh đẹp của thành phố Nha Trang, phần vì đường xá nghe có vẻ xa xôi. Nên Khánh Sơn, dù nằm trong tỉnh Khánh Hòa, nhưng nhiều người vẫn nghĩ nơi này thuộc về phía Tây Nguyên. Khi du lịch Cam Ranh ngày càng phát triển, Khánh Sơn với sầu riêng và thác Tà Gụ bắt đầu được biết đến nhiều hơn.

Thác Tà Gụ nằm ở xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa; cách sân bay Cam Ranh khoảng 60km. Du khách sẽ đi ngang qua trung tâm thành phố Cam Ranh, rồi rẽ vào đường DT656 và đường đèo Khánh Sơn ngoằn ngoèo với nhiều khúc cua liên tục, uốn lượn giữa rừng thông.

Chỉ cách thị trấn khoảng 10km, nhưng con đường quanh co quanh núi vắng vẻ ít người qua lại. Chỉ có nắng, có gió và những tán lá lao xao trên bầu trời. Xe chạy bon bon, lặng lẽ len lỏi qua những khúc cua.

Hơn 8h sáng và chẳng thấy bóng ai trong khu vực này. Vẫn còn khá sớm ở một nơi vắng vẻ như thế này. Chúng tôi tấp xe vào rặng cây mát bên đường. Không bán vé, không có ai trèo kéo. Một lối mòn dẫn lối đi vào thác, hai bên là cây cối xanh tốt. Tiếng ve rừng râm ran, tiếng lũ côn trùng nhỏ nhảy lách chách theo mỗi bước chân và thi thoảng vang vọng tiếng chim hót trên cao. Dưới cái nắng hè xiên xiên, khung cảnh yên tĩnh khiến cả nhóm cũng không muốn làm phá vỡ bầu không khi yên bình này.

Rồi có tiếng suối chảy róc rách. Con đường men theo suối, qua cầu treo, xuyên con đường mòn ven vách núi có cây rừng làm vòm. Tuy chỉ cách 200m đi bộ để đến thác nước nhưng đây là một hành trình khá thử thách bởi địa điểm này vẫn giữ nguyên vẻ nguyên sơ, con đường băng rừng với những đoạn dốc, đá trơn... Cho đến khi thung lũng được bao bọc bởi rừng già và thác đổ dựng đứng trắng xóa phía xa xa ngoài kia nước tuôn theo dòng chảy xiết mải miết nhập về dòng Tô Hạp. Giữa đại ngàn hoang sơ, từ khối đá chông chênh, nước đổ ra ầm ầm ở độ cao hơn 40m, dải lụa trắng được dệt bởi thiên nhiên ấy mang đến cảm giác mát lành sảng khoái.

Thác Tà Gụ bắt nguồn từ đỉnh Hòn Bà, nơi có độ cao 1300m so với mực nước biển. Hòn Bà nằm ở vị trí khá cao ở Khánh Hòa nên nơi đây thường xảy ra mưa. Cũng nhờ thế mà nước ở thác Tà Gụ hầu như chưa bao giờ cạn và chảy quanh năm. Do dáng thác nhìn từ xa giống như một chiếc ngà voi trắng xoá nổi bật trên màu nâu của đá, màu xanh của núi rừng nên thác Tà Gụ lúc trước được gọi là thác Ngà Voi. Sự tích đầu tiên được truyền miệng rằng, ở xung quanh khu vực thác nước là nơi thường xuất hiện những con trăn khổng lồ đến kiếm mồi. Một ngày nọ trăn thấy chú voi lạc mẹ đi lang thang, nó vội vàng lao đến tấn công voi nhưng bị chống trả quyết liệt, đến cuối cả hai rơi xuống đáy vực.

Voi mẹ quay lại tìm con, thấy con mình chết voi mẹ khóc suốt mấy ngày mấy đêm đến hoá đá nước mắt tạo thành dòng chảy trắng xoá, tạo nên dòng thác ngày nay. Nếu đứng từ chân thác nhìn lên bạn sẽ thấy ngọn thác trông giống chiếc ngà voi hướng thẳng lên trời. Do đó dòng thác còn được gọi với cái tên là thác Ngà Voi, sau đó hoà với thác Tà Gụ đổi tên thành Tà Gụ.

Làn nước mát lạnh xua tan đi cái nóng oi ả của mùa hè. Mấy trăm bước chân băng rừng lội suối để vào đến với Tà Gụ khiến chúng tôi thực sự thỏa mãn. Giữa núi rừng Khánh Sơn, thác Tà Gụ xinh đẹp ầm ào đổ xuống, tung bọt trắng xóa. Không hùng vĩ như những dòng thác đổ của Tây Nguyên, thác Tà Gụ từ trên cao, thả dòng nước mềm mại xuống dòng suối mát lành, tạo thành một hõm nước tuyệt đẹp.

Trải nghiệm sẽ trọn vẹn hơn khi tự mình chinh phục thác Tà Gụ. Vào kỳ nghỉ hè, nơi này được các bạn trẻ tìm đến tránh nóng, vui chơi giải nhiệt. Mọi người thường chuẩn bị cho mình những món ăn ngon để thưởng thức cùng bạn bè, ngắm thác đổ, lắng nghe chim hót… giúp tâm hồn thoải mái, tạm quên những muộn phiền. Long hồ phẳng lặng và trong vắt cũng là nơi thích hợp để chèo SUP. Cạnh suối có bãi đất trống, có thể đặt bàn ghế, cắm trại vào những ngày nước thấp.

Kê những chiếc ghế cắm trại xuống mặt hồ phẳng lặng, chúng tôi hạ trại tại Tà Gụ. Người lao mình xuống làn nước mát lạnh. Người men theo dòng nước, lên phía đầu nguồn. Từ trên cao này, có thể thấy được một phần của rừng Khánh Sơn xanh.

Bữa trưa mát lành ngay bên bờ suối. Mỗi người một chân một tay, lắp bàn, kê ghế, chuẩn bị đồ ăn. Những lon nước mát lạnh và hoa quả đã được thả xuống dòng nước mát, sẵn sàng cho bữa trưa tuyệt vời. Dưới tán rừng nguyên sinh, thưởng thức những món ăn từ núi rừng với cơm lam, gà nướng, dưới chân là dòng suối mát, trên đầu là tán ô rừng xanh, bên thác nước ầm ào, một ngày êm đềm thật sự. Nước ở thác Tà Gụ rất trong xanh và mát lành, chỉ cần ngâm mình trong dòng nước bạn sẽ được giải nhiệt trong ngày hè oi bức. Tựa lưng vào vách đá, lắng nghe tiếng thác chảy, tiếng chim hót véo von, tiếng cây đung đưa trong gió giúp bạn thư giãn, giải tỏa mệt mỏi.

Thảm thực vật nguyên sinh xanh tươi, phong phú cũng là điều du khách muốn khám phá, trải nghiệm khi đến với Tà Gụ. Rừng Khánh Sơn mang sự đặc trưng của hệ sinh thái rừng thuộc vùng núi cao, lạnh ẩm.

Thác Tà Gụ phù hợp cho bé nhỏ từ một tuổi trở lên và cả người lớn tuổi, tuy nhiên bạn phải luôn thận trọng khi đặt chân lên các phiến đá rêu trơn và trẻ em luôn được trông giữ cẩn thận. Các dịch vụ ăn uống, lưu trú khu vực xung quanh thác còn hạn chế, nơi đây cũng chưa có điện, chỉ thích hợp cho các bạn yêu thích trải nghiệm.

Vào mùa mưa nước ở nguồn khá lớn, để có trải nghiệm tốt và đảm bảo an toàn, các bạn nên đến thác chơi sớm, khoảng 7h - 15h để có thể ngắm nắng đẹp, tránh những cơn mưa rừng. Các bạn nên chọn cho mình những trang phục thoải mái, năng động, áo quần để thay, kem chống muỗi, mũ nón, giày dép chống trơn trượt để thuận tiện cho việc di chuyển, vui chơi tại thác.

Hãy dọn sạch rác khi rời đi và bảo vệ rừng, bạn nhé!

Lam Linh

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - diendandoanhnghiep.vn - Đăng ngày 06/7/2024