Cao Bằng: Nỗ lực bảo tồn và phát triển loài vượn cao vít

Cập nhật: 12/07/2024
Những năm qua, với sự nỗ lực, cố gắng của người dân các xã Phong Nặm, Ngọc Khê, Ngọc Côn (Trùng Khánh, Cao Bằng) sự giúp đỡ của Tổ chức Bảo tồn Động thực vật quốc tế Fauna và Flora International (FFI), tỉnh bảo vệ và phát triển thành công đàn vượn cao vít - một loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm tưởng chừng đã tuyệt chủng.

Vượn cao vít được xếp hạng cực kỳ nguy cấp theo Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN, là loài vượn hiếm thứ 2 trên thế giới được liệt vào danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới. Theo tổ chức FFI, từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, loài vượn này bị coi là tuyệt chủng. Đến năm 2002, qua điều tra, khảo sát của Tổ chức FFI, các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể với khoảng 26 cá thể còn tồn tại trong khu rừng thuộc 2 xã Phong Nặm, Ngọc Khê. Nhằm bảo tồn loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này, tỉnh thành lập và đưa vào hoạt động Dự án bảo tồn vượn cao vít từ tháng 3/2004. Năm 2007, Tổ chức FFI hỗ trợ tỉnh thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn cao vít huyện Trùng Khánh với tổng diện tích 1.656,8 ha, thuộc địa phận 3 xã Phong Nặm, Ngọc Khê, Ngọc Côn.

Từ năm 2002 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh phối hợp với Tổ chức FFI, các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tổ chức thực hiện bảo tồn loài vượn cao vít. Năm 2011, thành lập Hội đồng tư vấn bảo tồn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các công tác bảo tồn, quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, triển khai các hoạt động, chương trình dự án của các tổ chức quốc tế. Chú trọng tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Luật Lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn vượn cao vít đến địa bàn các xã thuộc khu bảo tồn; cấp huyện tổ chức 1 lần, cấp xã 3 lần Ngày hội bảo tồn vượn cao vít với các hoạt động như: tìm hiểu pháp luật, thi vẽ tranh, ảnh, trò chơi, viết bài về bảo tồn loài vượn, mở các góc thư viện… Tổ chức trưng bày tranh ảnh, ký cam kết chung tay bảo tồn vượn cao vít tại Lễ hội du lịch thác Bản Giốc hằng năm, qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân trong công tác bảo tồn vượn cao vít.

Vượn Cao vít đực toàn thân màu đen và có chỏm mào trên đỉnh đầu. Ảnh: Nguyễn Đức Thọ/Fauna & Flora.

Quản lý chặt chẽ, bảo vệ an toàn trữ lượng và chất lượng 2.607,8 ha rừng đặc dụng, đặc biệt là 1.656,8 ha khu bảo tồn (trong đó có 975,8 ha bảo vệ nghiêm ngặt) không bị tác động bởi yếu tố con người; quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất; khai thác hợp lý, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rừng đặc dụng. Ban đầu khu bảo tồn chỉ cắm mốc ranh giới, hiện nay, tiến hành rào bằng dây thép gai một số khu vực để bảo vệ tốt hơn. Trong 22 năm qua, các lực lượng chức năng tổ chức 16.100 lượt tuần tra, bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, bảo tồn. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý 76 vụ vi phạm/82 đối tượng, chủ yếu là khai thác củi, bẫy bắt động vật rừng, thu hái hoa phong lan, chăn thả gia súc vào khu rừng đặc dụng.

Để nắm chắc đặc tính, sinh thái rừng; quần thể, tập tính sinh sống, sinh trưởng, phát triển của loài vượn cao vít, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch hành động bảo tồn, huyện phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, Tổ chức FFI, Khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia Bang Lượng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) thực hiện các đợt điều tra, khảo sát, trong đó có 5 cuộc điều tra tổng thể liên biên giới các năm 2007, 2012, 2016, 2018, 2021. Đặc biệt trong đợt khảo sát năm 2021, sử dụng kết hợp phương pháp truyền thống, áp dụng thêm các phương tiện kỹ thuật giám sát tiên tiến như: máy bay không người lái tầm nhiệt, các thiết bị ghi âm tự động, tiến hành phân tích âm thanh để xác định số lượng cá thể đực, thực hiện trên toàn bộ sinh cảnh của vượn cao vít ở Việt Nam và Trung Quốc. Kết quả khảo sát cho thấy, hiện nay ở khu vực này có 11 đàn với khoảng 74 cá thể ở Việt Nam và Trung Quốc, trong đó, chủ yếu các đàn phân bố ở lãnh thổ Việt Nam. 

Năm 2011, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn cao vít huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng và Khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia Bang Lượng, tỉnh Quảng Tây ký bản ghi nhớ về hợp tác bảo tồn vượn cao vít và sinh cảnh liên biên giới. Qua các năm, bản ghi nhớ được nâng cấp lên từ việc ký giữa khu bảo tồn, lên cấp sở, đến nay ký giữa thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây và tỉnh Cao Bằng. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Hoàng Văn Hào, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, bảo tồn loài và sinh cảnh vượn cao vít: Để đảm bảo sinh cảnh sống cho vượn cao vít, huyện đang thúc đẩy tiến trình mở rộng diện tích khu bảo tồn thêm 3.369,3 ha thuộc địa phận 2 xã Khâm Thành, Lăng Hiếu, nâng tổng diện tích của khu bảo tồn lên 5.977,1 ha. 22 năm qua, tiến hành trồng mới, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 20,1 ha, kết hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung các cây bản địa làm giàu rừng hơn 10 ha với hơn 15.000 cây của 19 loài cây thức ăn cho vượn cao vít. Phối hợp với Tổ chức FFI hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương; thay thế guồng cọn bằng gỗ sang bằng sắt; thành lập nhóm sở thích, cho vay vốn trồng trọt nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động Công ty cổ phần Bảo tồn vượn cao vít thực hiện du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… Thông qua các hoạt động, giúp người dân địa phương, nhất là các hộ nằm ở vùng đệm khu bảo tồn phát triển kinh tế gia đình, không còn sống phụ thuộc vào rừng, góp phần vào công tác bảo tồn sinh cảnh cho vượn cao vít.

Các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, đảm bảo sinh cảnh sống cho vượn cao vít.

Theo nhận định của các chuyên gia, công tác bảo tồn vượn cao vít đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết do những lo ngại về nguy cơ mất đa dạng di truyền, cận huyết và tổn thương do thảm họa bất ngờ. Do vậy, chính quyền tỉnh, huyện phải có sự phối hợp chặt chẽ với Tổ chức FFI và các tổ chức trong và ngoài nước khác để thực hiện công tác bảo tồn vượn cao vít. Thời gian tới, huyện tăng cường chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn loài và sinh cảnh vượn cao vít theo chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về quy hoạch đất, rừng đặc dụng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường và ứng dụng những công nghệ mới để giám sát, nâng cao chất lượng công tác thực thi pháp luật về bảo tồn vượn cao vít. Duy trì, xúc tiến các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm hiểu sâu sắc thêm các đặc điểm sinh học và sinh thái của loài, từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn dựa trên bằng chứng. Tiếp tục duy trì, phát triển các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người dân; nâng cao nhận thức của cộng đồng; duy trì và phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn vượn cao vít. Mục tiêu đặt ra trong 5 năm tới, xúc tiến nộp hồ sơ ứng viên, xây dựng, quản lý để Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn cao vít huyện Trùng Khánh đạt danh hiệu danh lục xanh của IUCN.

Vượn cao vít có tên khoa học là Nomascus nasutus, là một trong 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới, đồng thời là một trong 5 loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp ở Việt Nam. Hiện nay, chúng chỉ còn được ghi nhận ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn cao vít huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và vùng rừng liền kề thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia Bang Lượng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Loài vượn này được ghi nhận ở Việt Nam từ năm 1884, đến năm 1965 thu được 3 tiêu bản ở huyện Trùng Khánh. Đến năm 2000, loài vượn này được coi là tuyệt chủng do không có bất cứ ghi nhận nào về sự tồn tại của loài.

Lam Giang

Nguồn: Báo Cao Bằng - baocaobang.vn - Đăng ngày 12/7/2024