Việt Nam phấn đấu có hệ thống khu bảo tồn rộng 6,7 triệu ha

Cập nhật: 12/07/2024
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha.

Theo bảng xếp hạng về mức độ đa dạng sinh học trên thế giới năm 2024, Việt Nam đứng thứ 14 và là một trong 3 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá cao về mức độ đa dạng sinh học. Trong đó, theo thống kê của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2023, Việt Nam có ít nhất 21/25 quần thể sinh vật của thế giới; 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; và 62 khu bảo vệ cảnh quan.

Tính đến nay, Việt Nam có 9 khu Ramsar; 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận; 12 vườn di sản ASEAN - đứng đầu khu vực; 1 vùng chim nước di cư quan trọng quốc tế tuyến đường bay Australia - Đông Á (EAAFP); hơn 101 khu vực đa dạng sinh học quan trọng. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu, 07 vùng chim đặc hữu

Đặc biệt, về hệ động thực vật, đến nay, Việt Nam có khoảng 62.600 loài sinh vật đã được xác định, trong đó khoảng 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, 1.932 loài động vật có xương sống trên cạn và có trên 11.000 loài sinh vật biển. Hàng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện và ghi nhận có tồn tại Việt Nam. Diện tích rừng cũng ngày càng tăng lên, nếu như năm 1995 (ngay sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Đa dạng sinh học), độ che phủ rừng chỉ đạt 28,2% thì đến nay, độ che phủ đã lên tới 42,02%... 

Việt Nam hướng đến mục tiêu đến năm 2030 nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha. Ảnh: KP.

Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng bảo tồn giá trị tự nhiên và  đa dạng sinh học di sản thiên nhiên nhằm phục hồi và duy trì các hệ sinh thái tự nhiên, ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học. Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha. 

Để thực hiện mục tiêu trên, Quy hoạch đặt nhiệm vụ, từ nay đến năm 2030 sẽ thành lập mới, củng cố, mở rộng và quản lý hiệu quả hệ thống di sản thiên nhiên, các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và cơ sở bảo tồn. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong thành lập, quản lý và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực bảo tồn đa dạng sinh học tự nguyện. Điều tra, đánh giá, xác định các khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả tại các khu vực này.  

Xây dựng các quy định, hướng dẫn bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bồi hoàn đa dạng sinh học, chính sách đầu tư cho các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên. Thực hiện đánh giá, lượng giá trị đa dạng sinh học, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, mở rộng chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với rừng ngập mặn, đất ngập nước, núi đá, hang động, công viên địa chất. Xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch phục hồi, sử dụng bền vững giá trị của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái. Phát triển các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học, không gian xanh, các hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên trong các đô thị.

Quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; tiếp tục dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên; tăng cường năng lực phòng, chống cháy rừng, giảm số vụ và diện tích rừng bị cháy. Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp; tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen; ngăn chặn nạn khai thác động vật, thực vật hoang dã và phá rừng trái pháp luật. Lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, mặt nước, mặt biển.  Kiểm kê, xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học, đồng bộ với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường.

Thời gian tới, sẽ thành lập mới, củng cố, mở rộng và quản lý hiệu quả hệ thống di sản thiên nhiên, các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học... Ảnh: XL. 

Trong đó, chuyển tiếp, chuyển hạng và thành lập mới hệ thống vườn quốc gia đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác có liên quan để bảo tồn hiệu quả các giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học trên đất liền, ven biển và vùng biển, duy trì độ che phủ rừng đạt tối thiểu 42 - 43%, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch sinh thái.

Chuyển tiếp và thành lập mới hệ thống khu dự trữ thiên nhiên đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác có liên quan nhằm bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái tự nhiên và các loài hoang dã đặc hữu hoặc đang bị đe dọa, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; các giá trị độc đáo của tự nhiên hoặc văn hóa phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. 

Thành lập mới các khu bảo tồn loài và sinh cảnh đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác để bảo tồn các loài hoang dã, hệ sinh thái tự nhiên là nơi sinh sống, cư trú của các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Chuyển tiếp và thành lập mới các khu bảo vệ cảnh quan đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác để bảo vệ nguyên vẹn các cảnh quan tự nhiên có giá trị thẩm mỹ, khoa học, văn hóa và giáo dục môi trường.

Chuyển tiếp và thành lập mới các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hoạt động theo pháp luật về đa dạng sinh học để lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen hoang dã, giống cây trồng, vật nuôi, loài nguy cấp, quý, hiếm. Nâng cấp, phát triển và cấp giấy chứng nhận là cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học đối với các vườn thực vật, vườn động vật, trung tâm cứu hộ động vật, vườn cây thuốc, ngân hàng gen, bảo tàng thiên nhiên. Chuyển tiếp và thành lập mới các hành lang đa dạng sinh học đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để tăng cường chức năng kết nối các vùng sinh thái tự nhiên, tăng tính kết nối các hệ sinh thái tự nhiên và mở rộng sinh cảnh sống của các loài sinh vật hoang dã.  

Hình thành các khu vực đa dạng sinh học cao đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, bảo vệ nơi cư trú tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã. Thành lập các cảnh quan thiên nhiên quan trọng đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, sinh cảnh sống tự nhiên của các loài sinh vật, đặc biệt là các loài nguy cấp, bị đe dọa được ưu tiên bảo vệ. 

Hình thành các vùng đất ngập nước quan trọng đối với những khu vực đất ngập nước ven biển, ven đảo và đất ngập nước nội địa đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng, tài nguyên động vật, thực vật hoang dã; bảo vệ môi trường và duy trì dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Quản lý hiệu quả và phát triển bền vững hệ thống rừng tại các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và các khu vực khác để nâng cao năng lực hấp thu và lưu trữ các-bon hướng tới trung hòa phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào năm 2050 và tham gia thị trường carbon. 

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, kế hoạch. Trong đó, Việt Nam đã có một hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên được thiết lập, theo quy hoạch và chiến lược là 9% diện tích khu bảo tồn trên cạn, 3 - 5% diện tích vùng ven biển. Ngoài việc thúc đẩy mở rộng diện tích các khu bảo tồn, Việt Nam cũng hướng tới áp dụng các biện pháp bảo tồn hiệu quả ngoài khu vực bảo vệ, bảo tồn (OECM) bằng cách lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong các sinh cảnh sản xuất, những sinh cảnh ngoài khu vực bảo tồn.

Việt Nam cũng đang tích cực thực hiện các kế hoạch để bảo tồn sự đa dạng sinh học và dịch vụ sinh thái hiện có. Nổi bật nhất là đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thực hiện các mục tiêu bao gồm mở rộng hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên và phục hồi các hệ sinh thái; phát huy giá trị của dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Đồng thời, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, xác định các đối tượng cần phải ưu tiên bảo vệ, bảo tồn từ nay tới 2030; Vấn đề về bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ; Kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; Xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc đa dạng sinh học…/.

Hương Giang

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 11/7/2024