Với hơn 333 km đường biên giới, có các cặp cửa khẩu, lối mở song phương, sở hữu nhiều cảnh quan, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, Cao Bằng chứa đựng nhiều tài nguyên du lịch đa dạng và hấp dẫn. Đặc biệt là phát triển loại hình du lịch biên giới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất cho cộng đồng dân cư vùng biên giới và góp phần củng cố quốc phòng - an ninh quốc gia.
Thác Bản Dốc
9 giờ sáng theo giờ Việt Nam mới đến giờ làm các thủ tục thông quan xuất nhập cảnh tham quan Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), ngay từ sáng sớm, tại khu vực sân trước và các khu vực phụ cận Trạm kiểm soát thác Bản Giốc (lối qua lại khu vực mốc 834/1) xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), hàng trăm du khách đã xếp hàng chờ làm thủ tục. Các lực lượng chức năng tăng cường lực lượng đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại khu vực. Cầm trên tay cuốn sổ thông hành, vừa thực hiện xong thủ tục nhập cảnh, anh Lý Chấn Trung, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến tham quan thác Bản Giốc, thủ tục nhập cảnh nhanh gọn, thái độ của đội ngũ cán bộ, người dân rất ôn hòa, lịch sự. Trước đây, để sang phía Việt Nam tôi phải chuẩn bị tài chính và thu xếp thời gian để có được chuyến đi tốt nhất, nhưng thay đổi này hy vọng sẽ mang đến những trải nghiệm mới cho du khách.
Từ tháng 9/2023, Ủy ban Điều phối tỉnh Cao Bằng và Ủy ban Điều phối Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức vận hành thí điểm cho du khách hai bên qua lại tham quan Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên. Khi tham gia tour du lịch tại khu cảnh quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp kỳ vĩ của khu danh thắng thác Bản Giốc - Đức Thiên. Sau khi vận hành thí điểm, việc đi lại giữa hai nước để tham quan khu cảnh quan trở nên dễ dàng khi du khách chỉ cần sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành mà không cần xin visa. Với du khách chưa có các loại giấy tờ trên, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân cho đơn vị lữ hành trước 1 ngày là có thể hoàn thành các thủ tục để tham quan kiệt tác của thiên nhiên từ hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Đặc biệt từ tháng 4/2024, thời gian tham quan của du khách từ Việt Nam tăng từ 5 lên 6 giờ và được tham quan khu vực cầu kính của thác Đức Thiên, đây mà một điểm đến hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua.
Trở về Việt Nam sau 6 giờ tham quan, chị Nguyễn Lệ Thủy, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi tìm hiểu kỹ về tour du lịch tham quan Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên từ Cao Bằng sang Trung Quốc, tôi thấy thủ tục xuất cảnh nhanh chóng, thuận lợi nên đã book tour du lịch cho gia đình đi chơi. Bên Trung Quốc có nhiều chương trình biểu diễn, ngoài ra còn có nhiều quầy bán đồ lưu niệm phù hợp với du khách. Đồ ăn cũng rất phong phú, trong bữa tiệc đó du khách và những người Trung Quốc tổ chức hoạt động hát đối rất vui vẻ và náo nhiệt.
Du khách Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tham quan Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).
Sau hơn 8 tháng triển khai vận hành thí điểm, Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên thu hút trên 8.500 lượt du khách, trong đó, du khách Việt Nam sang Trung Quốc hơn 4.300 người, du khách từ Trung Quốc sang Việt Nam 4.100 người. Hoạt động đưa đón khách du lịch qua lại khu cảnh quan được đơn vị lữ hành hai nước phối hợp khá nhịp nhàng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hai bên và các thỏa thuận đã thống nhất. Tuy nhiên, để thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với khu cảnh quan, 2 bên bổ sung nhiều điểm tham quan, tăng thời gian lưu trú, trải nghiệm của du khách; nhiều chương trình nghệ thuật thường xuyên được tổ chức tại khu cảnh quan để giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa của người dân vùng biên giới hai nước.
Nhờ những thuận lợi về vị trí địa lý biên giới, với 1 cặp cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh - Long Bang và các cặp cửa khẩu, lối mở song phương: Tà Lùng - Thủy Khẩu, Lý Vạn - Thạc Long, Sóc Giang - Bình Mãng, Nà Đoỏng - Nà Ráy, Pò Peo - Nhạc Vu, Đình Phong - Tân Hưng… là điều kiện tốt để khai thác thị trường khách du lịch Việt Nam và Trung Quốc.
Những năm qua, tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch tại các khu vực cửa khẩu ngày một hiện đại và đồng bộ hơn. Tỉnh đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu tại khu vực biên giới, cửa khẩu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành xây dựng và khai thác các tuyến du lịch qua biên giới, nhờ đó, lượng khách du lịch làm thủ tục xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của tỉnh, đặc biệt là Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh tăng đáng kể. Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, tỉnh phối hợp với tỉnh Quảng Tây xây dựng các sản phẩm du lịch mới, xây dựng tour du lịch Cao Bằng - Tĩnh Tây, có thể đi về trong ngày và tour du lịch 2 ngày 1 đêm…
Để có những bước phát triển về du lịch biên giới, công tác phối hợp quản lý lữ hành giữa Cao Bằng và Quảng Tây được lãnh đạo hai bên quan tâm. Hằng năm, chính quyền hai bên tổ chức hội đàm trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch. Theo đó, công tác phối hợp, tham gia xúc tiến du lịch giữa hai bên được tăng cường, nổi bật là tích cực thúc đẩy triển khai Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên; xây dựng mô hình kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch với những nội dung như: tăng cường hợp tác quảng bá thị trường du lịch, triển khai hợp tác bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, tập trung xây dựng thêm các sản phẩm, tour, tuyến du lịch qua biên giới…
Để phát triển du lịch biên giới cần có sự quan tâm phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành cũng như toàn xã hội, trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về phát triển du lịch các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội; đầu tư hạ tầng cơ sở; tăng cường xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường hợp tác quốc tế về du lịch, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư… để du lịch biên giới thực sự trở thành thế mạnh của du lịch Cao Bằng.
Lương Thanh