Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản luôn được chính quyền các cấp quan tâm như một động lực góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây là làm thế nào để di sản, đặc biệt là di sản phi vật thể sống lại và phát huy đúng nghĩa trong đời sống hiện đại ngày nay.
Đến nay, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh. Ở cấp độ quốc gia cũng có hơn 300 loại hình di sản này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào danh sách bảo tồn khẩn cấp. Trong đó, ngoài di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ra, Đắk Lắk có ba di sản văn hóa phi vật thể gồm: Hát kể sử thi, Lời nói vần của người Êđê ở huyện Cư M’gar, Tập quán tín ngưỡng qua Lễ mừng thọ của người M’nông ở huyện Lắk.
Những di sản trên đang được các cơ quan chức năng nỗ lực bảo tồn và phát huy qua những chương trình/dự án hằng năm hay từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, với di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, từ năm 2007 đến nay, Đắk Lắk đã liên tục xây dựng và triển khai đề án bảo tồn, phát huy giá trị của di sản tiêu biểu này. Qua đó, giúp cộng đồng sở hữu di sản nhận thức đúng giá trị của nó, hiểu rõ hơn các thành tố cấu thành di sản để có thái độ ứng xử đúng đắn và phù hợp.
Cồng chiêng của người Bana trong Lễ hội mừng mùa - Ảnh minh họa: Ngọc Mẫn
GS.TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia đã không ít lần tham luận về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trên cho rằng: Mỗi di sản văn hóa phi vật thể cần có phương thức quảng bá khác nhau để lan tỏa và thấm sâu đến công chúng.
Với di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng, thời gian qua chính quyền các tỉnh trong khu vực đã bảo tồn, phát huy khá hiệu quả khi phục dựng lại đầy đủ và toàn vẹn “môi trường thiêng” cho di sản thông qua các lễ hội, nghi thức thực hành tín ngưỡng và tâm linh của cộng đồng sở hữu. Giá trị văn hóa cồng chiêng trong không gian ấy trở nên có ý nghĩa - và mặc nhiên nó đem lại cảm xúc chân thật cho chủ thể lẫn khách thể tham dự.
Tuy vậy, theo một số nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên nói chung thì di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác được ghi danh cấp quốc gia vẫn có lúc, có nơi rơi vào tình trạng “trình diễn di sản” hơn là “thực hành di sản” khiến các giá trị nguyên hợp, cốt lõi hàm chứa trong đó bị người xem/nghe hiểu sai lệch, thậm chí méo mó về di sản. Hiện tại, một số cơ quan truyền thông đưa ra khái niệm “trình diễn di sản” - và coi đó như biện pháp để cộng đồng, nhất là người nước ngoài hiểu rõ về di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Chí Bền cho rằng không có một thuật ngữ như thế, bởi các hình thức di sản văn hóa phi vật thể mà Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa đã đề cập thì không phải hình thức nào cũng có thể trình diễn. Vì thế, trong việc quảng bá di sản hay tìm cách định tính, xác thực cho di sản, rất cần quan tâm đến nguyên tắc đạo đức dành cho bảo vệ, phát huy di sản nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.
Việc đưa hình ảnh của di sản giới thiệu ra ngoài cộng đồng sở hữu để góp phần quảng bá phải đặc biệt chú ý tới không gian văn hóa mà di sản tồn tại. Cần phân biệt rõ khái niệm “trình diễn” và “thực hành” di sản văn hóa phi vật thể, nhất là đối với loại hình di sản tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh. Bởi một khi tách loại hình di sản này ra khỏi không gian văn hóa mà nó tồn tại thì di sản không còn là di sản nữa.
Đình Đối