Những năm gần đây, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được quan tâm đầu tư, bước đầu thu hút khách. Tuy nhiên việc đầu tư, khai thác dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí ở những nơi này còn hạn chế cần khắc phục.
Những hạn chế
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đến nay, toàn tỉnh có 16 khu, điểm du lịch được công nhận, tăng gần gấp hai lần so với năm 2022. Các khu, điểm du lịch đã và đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng, cảnh quan. Vậy nhưng, các dịch vụ đi kèm lại chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, ngay cả đối với những cơ sở có sự đầu tư lớn.
Du khách trải nghiệm tại Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Vạn Hoa Hồ Va.
Đơn cử như Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) tuy phong cảnh thiên nhiên đẹp nhưng những hạng mục phục vụ hoạt động vui chơi giải trí hầu như chưa có. Tại đây, mới có một số hộ dân bán hàng ăn uống và trông xe. Đến đây, khách chỉ tham quan trong ngày rồi về mà không có nơi lưu trú qua đêm để khám phá, trải nghiệm. Tương tự, Điểm du lịch sinh thái bản Ven (Yên Thế) nhiều thời điểm du khách đông khoảng 1 nghìn người/ngày là bị quá tải về lều, bạt, bàn, ghế, nhà sàn cho thuê phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi.
Tại các điểm du lịch: Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên), Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang (đền Xương Giang - TP Bắc Giang) thường chỉ sôi động dịp lễ hội mùa xuân; còn lại là các đoàn khách rải rác trong năm. Khách đến những nơi này thắp hương, vãn cảnh, chụp ảnh trong chốc lát rồi rời đi. Chị Phạm Thị Tâm, quận Cầu Giấy (Hà Nội) nói: “Vừa rồi tôi cùng nhóm bạn học cấp ba đi tham quan từ TP Bắc Giang sang Yên Dũng rồi ngược lên Lục Ngạn. Chúng tôi rất thích vì cảnh quan đẹp, cây lá xanh tươi, chụp được nhiều ảnh. Nhưng dịch vụ ăn uống chưa thuận lợi, có nơi giá cao. Chúng tôi muốn ở lại qua đêm đến hôm sau nhưng không có gì để giải trí”.
Theo đại diện một số đơn vị lữ hành và tổ chức tour du lịch, hệ thống giao thông đến các điểm du lịch tại Lục Ngạn, Sơn Động còn nhỏ hẹp, phương tiện lớn đi lại khó khăn. Hệ thống điện chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng điều hòa khi du khách lưu trú, ăn uống. Những điểm du lịch cộng đồng như bản Ven (Yên Thế), Bầu Tiên (Lục Ngạn), Vạn Hoa Hồ Va (Lục Nam) có diện tích rộng vài chục ha còn thiếu nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe.
Các hộ gia đình, HTX làm du lịch trong các điểm du lịch cộng đồng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đón tiếp và tạo ấn tượng tốt đối với du khách. Theo một nhân viên quản lý Điểm du lịch cộng đồng Vạn Hoa Hồ Va, đơn vị mới đi vào khai thác dịch vụ, một số hạng mục chưa hoàn thiện. Khi lượng khách du lịch tăng, nhất là vào cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ thường bị thiếu xe điện đưa khách đi tham quan. Hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ tuyển mới và chưa qua đào tạo nên việc phục vụ còn thiếu chuyên nghiệp.
Đầu tư nâng chất lượng sản phẩm, dịch vụ
Bắc Giang có vị trí địa lý thuận lợi; khí hậu ôn hòa; nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; bản sắc văn hóa các dân tộc đa dạng cùng nhiều sản vật, món ăn ngon là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch. Những năm gần đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành chức năng và sự nỗ lực của các đơn vị, doanh nghiệp, ngành du lịch Bắc Giang từng bước chuyển biến. Thống kê của Sở VHTTDL, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh thu hút 1,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế hơn 14,7 nghìn lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng.
Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 thu hút 3 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 nghìn lao động. Để đạt mục tiêu đề ra đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh cùng cộng đồng doanh nghiệp và người làm du lịch quan tâm khắc phục những hạn chế. Theo một số chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cần đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, tạo sức hấp dẫn, tăng thu từ các dịch vụ.
Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Quốc tế Đình Anh cho rằng, các doanh nghiệp, HTX làm du lịch tại các địa phương tăng cường liên kết, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị lữ hành, tổ chức tour để giới thiệu, quảng bá hiệu quả đến du khách. Phát triển dịch vụ, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia đầu tư vận hành các cơ sở lưu trú, ăn uống, dịch vụ tham quan, tìm hiểu truyền thống văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa.
Bà Trần Thị Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục, Thương mại và Du lịch Việt Hưng Tourist gợi mở: Đối với du lịch cộng đồng, các dịch vụ nên gắn với bản sắc văn hóa độc đáo ở mỗi vùng miền. Chẳng hạn, ở Khu du lịch sinh thái suối Mỡ (Lục Nam), điểm du lịch Khe Rỗ (Sơn Động) có thể thiết kế các mô hình, tiểu cảnh phù hợp với cảnh quan thiên nhiên để khách chụp ảnh, cắm trại, tổ chức dịch vụ xe điện; dịch vụ chăm sóc sức khỏe như ngâm chân, tắm thuốc.
Các nhà vườn tại các huyện Lục Ngạn, Yên Thế làm dịch vụ lưu trú theo mô hình homestay đáp ứng nhu cầu vui chơi thư giãn, ăn nghỉ của khách tham quan. Đặc biệt, ở làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên), nơi có nhiều di tích nổi tiếng như đình, chùa Thổ Hà, cổng làng, nhà cổ, vốn đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách quốc tế, có thể tổ chức hát quan họ, giao lưu hát trên thuyền ở sông Cầu vào buổi tối (có bán vé); nhất là giữ vệ sinh môi trường để tạo ấn tượng tốt với du khách.
Mới đây, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030, toàn tỉnh có 7 điểm du lịch được hỗ trợ kinh phí đầu tư với mức tối đa 2 tỷ đồng/đơn vị. Theo ông Trương Quang Hải, Giám đốc Sở VHTTDL, từ nguồn hỗ trợ, các đơn vị cần tập trung đầu tư cho các hạng mục như nhà đón khách, trưng bày sản phẩm du lịch, phòng lưu trú, thuyền, xe điện vận chuyển. Hoặc chọn lựa xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng; tăng cường truyền thông, quảng bá; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Sở sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Cùng đó, chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp các địa phương kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở hoạt động du lịch tự phát gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của tỉnh; xây dựng Bắc Giang trở thành điểm đến “An toàn, văn minh, thân thiện và mến khách”.
Trên địa bàn tỉnh đang hình thành 4 sản phẩm du lịch chính là: Du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa.
Bài, ảnh: Vi Lệ Thanh