Festival “Cù Lao Chàm - Mùa ngô đồng đỏ” 2024 sẽ diễn ra từ ngày 19-25/7 tại xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam với rất nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí đặc sắc.
Tháng 7, mùa ngô đồng nở rộ trên đảo Cù Lao Chàm
Lễ hội diễn ra cũng với thời điểm mùa ngô đồng - loài cây biểu tượng của xứ đảo Cù Lao Chàm, gắn với không gian sống, sinh hoạt của người dân nơi đây, hoa nở đỏ rộ, khoe sắc thắm trên đảo.
Chương trình khai mạc sẽ diễn ra vào tối ngày 21/7 cùng với nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn.
Giải đua ghe ngang sẽ diễn ra tại Bãi Làng
Cùng với đó là nhiều hoạt động diễn ra từ ngày 19-25/7 như: Giải đua ghe ngang xã Tân Hiệp lần thứ 4 tại cầu cảng Bãi Làng; Trại hè san hô tại bãi biển Bãi Ông.
Tháng 11/2014, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã công nhận 3 loài cây ở Cù Lao Chàm là cây Di sản Việt Nam, trong đó có một cây ngô đồng đỏ ở Hòn Lao, trên 100 năm tuổi. Tháng 4/2015, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công bố quyết định công nhận cây Di sản Việt Nam cho quần thể 3 cây ngô đồng đỏ cổ thụ tại dốc suối Tình, thôn Bãi Làng, có tuổi đời 155-250 năm. |
Ngoài ra còn có các sự kiện như: Triển lãm ảnh ngô đồng đỏ; Trưng bày sản phẩm và trình diễn đan võng ngô đồng; Chương trình “Đêm Cù Lao”; “Chợ đêm Cù Lao”; Phiên chợ giới thiệu kết nối sản phẩm địa phương tại cảng du lịch Cù Lao Chàm.
Hoạt động biểu diễn lắc thúng chai
Dự kiến, dịp này, thành phố Hội An sẽ tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia nghề đan võng ngô đồng tại xã Tân Hiệp.
Sự kiện kết hợp với hoạt động kỉ niệm 46 năm ngày thành lập xã đảo Tân Hiệp và lễ hội “Cù Lao Chàm - Mùa ngô đồng đỏ”. Nhân dịp này đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về giá trị của DSVH phi vật thể quốc gia nghề đan võng ngô đồng; nâng cao nhận thức và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng.
Nghề đan võng ngô đồng
Tháng 02/2024, Bộ VHTTDL quyết định đưa nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng ở xã Tân Hiệp, TP Hội An vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sản phẩm nghề đan võng ngô đồng truyền thống của cư dân Cù Lao Chàm là một dạng thức văn hóa dân gian, góp phần minh chứng cho sự tiếp cận, khai thác khá sớm nguồn tài nguyên rừng, nhằm thích ứng với địa hình biển đảo của cộng đồng cư dân nơi đây.
Những tri thức dân gian trong việc khai thác nguyên liệu và đan võng ngô đồng là cơ sở quan trọng để đảm bảo sự tồn tại của nghề truyền thống này ở Cù Lao Chàm, duy trì bền vững di sản văn hóa của tiền nhân để lại.
Khánh Chi