Lệ Thủy (Quảng Bình) là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử; đồng thời là địa phương có nền văn hóa truyền thống lâu đời với những làn điệu hò khoan, lễ hội. Với việc phát triển mới, nâng cấp nhiều sản phẩm, loại hình du lịch và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch Lệ Thủy đang thực sự chuyển mình, là điểm đến hấp dẫn của du khách, địa chỉ đáng tin cậy của các nhà đầu tư…
Tiềm năng, lợi thế
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình cho hay, với 21 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng (trong đó có 11 di tích cấp tỉnh, 10 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt) cùng nhiều công trình có giá trị về văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh, Lệ Thủy có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển loại hình du lịch về nguồn, du lịch tâm linh.
Bởi vậy, nhiều năm qua, các công trình văn hóa tâm linh, di tích lịch sử đã được huyện quan tâm, đầu tư, trùng tu, tôn tạo, như: Miếu Thần hoàng, khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khu di tích lịch sử văn hóa vụ thảm sát Mỹ Trạch, công trình văn hóa tâm linh đền Trôốc Vực-An Sinh (xã Trường Thủy)…
Ngoài ra, huyện xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp bảo tồn, xây dựng các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số là hướng đi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được huyện quan tâm, chú trọng; nhiều lễ hội văn hóa được nghiên cứu, phục dựng, như: Lễ hội mừng cơm mới, tục thờ hồn người sống của đồng bào Bru-Vân Kiều; lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển…
Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng khe Nước Lạnh-điểm du lịch đang thu hút khách đến tham quan
Ngoài chú trọng phát triển du lịch về nguồn, tâm linh, du lịch cộng đồng, huyện Lệ Thủy đã phối hợp với Sở Du lịch, các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh tiến hành khảo sát, lập đề án khai thác thử nghiệm các sản phẩm du lịch khám phá, mạo hiểm: Khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy; khám phá khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời, Bãi Đạn; khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng khe Nước Lạnh; đồng thời triển khai xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu hướng đến loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng và xây dựng các sản phẩm, mặt hàng nông sản đặc trưng, truyền thống đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP gắn với phát triển du lịch…
“Hiện, du lịch trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực với việc đưa vào khai thác, khai thác thử nghiệm các điểm du lịch. Đến nay, trung bình tổng lượng khách du lịch đến địa phương đạt 140.000 lượt khách/năm; tạo việc làm cho 2.900 lao động, trong đó có 10% lao động trực tiếp trong ngành du lịch…”, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lệ Thủy chia sẻ.
Kêu gọi, thu hút đầu tư
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình thông tin, xác định phát triển du lịch là một trong hai chương trình kinh tế-xã hội trọng điểm của huyện giai đoạn 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lệ Thủy đã ban hành Chương trình hành động số 03-CTr/HU về phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025. Để cụ thể hóa, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Với phương châm luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, huyện Lệ Thủy có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn.
Thiếu nguồn nhân lực ngành du lịch có chuyên môn, tay nghề cao; người dân chưa quan tâm đến chuỗi giá trị liên kết giữa các ngành nghề với du lịch để nâng cao chất lượng sản phẩm; cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch chưa đồng bộ; số khách sạn được xếp hạng sao quá ít; các đơn vị kinh doanh lữ hành quan tâm, kết nối chương trình du lịch ở các khu vực lân cận và Lệ Thủy chưa đủ tạo sự đột phá thu hút khách tham quan… đó là những khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong phát triển du lịch. |
Hiện, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có 4 dự án du lịch được kêu gọi đầu tư, gồm: Khu vực Bàu Sen (xã Sen Thủy) đề xuất đầu tư hạng mục khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bất động sản đạt tiêu chuẩn từ 4-5 sao với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng/ha; bãi biển Tân Hòa (xã Ngư Thủy Bắc) đề xuất đầu tư hạng mục khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bất động sản đạt tiêu chuẩn từ 4-5 sao, tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng/ha; tuyến Kiến Giang-An Mã kết nối với Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với chiều dài 26km đề xuất đầu tư hạng mục thuyền du lịch, bến thuyền và các dịch vụ hỗ trợ đường sông, tổng mức đầu tư khoảng 25-100 tỷ đồng; khu vực du lịch sinh thái phá Hạc Hải (xã Hoa Thủy, Hồng Thủy) đề xuất đầu tư hạng mục thuyền du lịch, bến thuyền và các dịch vụ hỗ trợ, mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng/ha…
Mặt khác, địa phương đang kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, sản xuất tập trung vào Khu công nghiệp Bang, Khu công nghiệp Cam Liên; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông gắn với yêu cầu phát triển du lịch; đồng thời đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông khu vực trung tâm 2 thị trấn và vùng biển Ngư Thủy Bắc nhằm phát triển du lịch…”, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lệ Thủy cho hay.
Ngọc Hải