Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng ở Bạc Liêu vừa được chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, đây vừa là niềm tự hào của người dân địa phương, còn là cơ hội để ngành du lịch tỉnh này thăng hoa phát triển.
Tháp Vĩnh Hưng (Ảnh: Hoàng Nam)
Giá trị văn hóa lịch sử nghìn năm của Di tích Quốc gia đặc biệt
Ngày 18/7/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 694/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt (đợt 15) đối với 3 di tích gồm: Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình); Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) và Di tích lịch sử Các địa điểm khởi nghĩa Trương Định (thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang).
Hiện vật khai quật được tại Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (Ảnh: Hoàng Nam)
Đối với người dân Cà Mau, Bạc Liêu, di tích khảo cổ Vĩnh Hưng đã từ lâu quá quen thuộc, bởi sự tồn tại phi thường của di tích đã qua nhiều triều đại lịch sử, quá nhiều cuộc chiến tranh, kể cả các ác liệt của bom đạn trong thời đánh Pháp - Mỹ.
Tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 20km. Theo Quốc lộ 1A, đi từ Bạc Liêu về hướng Cà Mau đến cầu Sập, rẽ phải theo lối đi chợ Vĩnh Hưng, là đến tháp Vĩnh Hưng.
Đây không chỉ là một kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam Bộ, mà trong cuộc khai quật tại tháp Vĩnh Hưng, các nhà khảo cổ học còn thu được nhiều hiện vật hết sức quí giá với nhiều tượng đá, đồng, gốm, đá quý… đánh dấu một giai đoạn tồn tại và phát triển khá dài (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 8 sau công nguyên) của tháp cổ Vĩnh Hưng.
Năm 1990, các nhà khảo cổ thuộc Viện khoa học Xã hội tại TP Hồ Chí Minh (nay là Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Minh Hải đến khảo sát và đào một hố thám sát, phát hiện một số hiện vật như đầu tượng thần, minh văn, bàn nghiền, Linga-Yoni.
Trên cơ sở đó, di tích Tháp bước đầu được xác định niên đại từ thế kỷ 7-8 sau Công nguyên, thuộc giai đoạn phát triển cuối của nền văn hóa Óc Eo. Từ giá trị kiến trúc của tháp Vĩnh Hưng, năm 1992 Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) quyết định xếp hạng là Di tích cấp quốc gia. Vào năm 2002 và năm 2011 để phục vụ cho công tác trùng tu tôn tạo di tích tháp Vĩnh Hưng, Trung tâm nghiên cứu khảo cổ phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu khai quật xung quanh Tháp làm lộ diện chân móng tháp, giải quyết những vết tích chìm trong lòng đất để có những giải pháp trùng tu, tôn tạo ngôi tháp nhằm phát huy giá trị của di tích.
Kết quả khai quật đã thu được nhiều hiện vật có giá trị độc đáo (lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu và Nhà trưng bày di tích Tháp Vĩnh Hưng), đủ cơ sở để các nhà khoa học xác định tháp Vĩnh Hưng có niên đại từ thế kỷ 4 sau Công nguyên và được tu sửa qua nhiều giai đoạn sau đó (từ thế kỷ 4-8) thuộc nền văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo.
Thời cơ phát triển du lịch kinh tế Bạc Liêu
Theo Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu, Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng là di tích trọng điểm của địa phương, vùng Tây Nam Bộ và cả nước, hàm chứa các giá trị nổi bật về khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Vì vậy, để bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt các giá trị của di tích cần phải có sự đầu tư đúng mức và đồng bộ của các cấp, các ngành có liên quan trong định hướng phát triển về kinh tế, văn hóa.
Du khách tham quan tháp Vĩnh Hưng (Ảnh: Hoàng Nam)
Theo đó, Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt đã tạo thời cơ lớn để tỉnh khai thác và phát huy giá trị di tích, phục vụ nhu cầu tham quan, về nguồn, giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, phía sau cơ hội trên, ngành chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo ông Lý Vỹ Triều Dương Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu cho biết, trước mắt sở sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý di tích. Chú trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các thuyết minh, hướng dẫn viên để phục vụ tốt việc tìm hiểu, tham quan, học tập... của nhân dân và du khách.
Ngoài ra, sở đang lập kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các giá trị tiêu biểu, độc đáo của di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản các ấn phẩm, đặc biệt là sách giới thiệu về di tích. Trong kế hoạch tăng trưởng du lịch, xác định đây là di tích trọng điểm để xây dựng thành điểm du lịch hấp dẫn. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho các tầng lớp nhân dân hiểu đúng, nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh của Di tích Quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng. “Qua đó, phát huy tốt vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo các quy định của Nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa, đặc biệt là Luật Di sản văn hóa” - ông Lý Vỹ Triều Dương cho biết thêm.
Hoàng Nam