Huyện Bác Ái (Ninh Thuận) có 10 dân tộc anh em, trong đó, người dân tộc RaGlai chiếm 87%. Hơn 10 năm qua, từ chỗ xác định giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, địa phương đã có nhiều giải pháp để bảo tồn các loại nhạc cụ truyền thống, nhất là mã la.
Nhạc cụ mã la của dân tộc RaGlai ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Các loại nhạc cụ truyền thống của người dân tộc RaGlai được coi là vật thiêng không thể thiếu trong đời sống tinh thần, sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, nhạc cụ mã la được coi là nhạc cụ tiêu biểu nhất, vì luôn xuất hiện trong tất cả những lễ hội quan trọng của cộng đồng người RaGlai. Mã la được ví như bảo vật minh chứng cho ý nghĩa lịch sử, sự đoàn kết, nghĩa tình và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc RaGlai nơi đây.
Tuy nhiên, trước những tác động của nhịp sống hiện đại, giới trẻ có xu hướng ưa chuộng âm nhạc mới lạ, sôi động dẫn đến việc không còn mặn mà với mã la. Bên cạnh đó, lớp thế hệ nghệ nhân tâm huyết, sử dụng thành thạo nhạc cụ mã la nay đã lớn tuổi hoặc qua đời, khiến cho việc bảo tồn loại nhạc cụ này rất khó khăn, đứng trước nguy cơ bị mai một.
Bí thư Huyện ủy Bác Ái Mẫu Thái Phương cho biết: Trước thực trạng nêu trên, huyện đã chủ động, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Cụ thể là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua nhạc cụ; tổ chức thành lập các câu lạc bộ, đội đánh mã la; tập huấn, truyền dạy trong trường học, khu dân cư... góp phần lan tỏa niềm yêu thích, sự tự hào về nét đẹp, giá trị nhạc cụ mã la của đồng bào RaGlai, qua đó được người dân hưởng ứng và tích cực tham gia, cho nên công tác bảo tồn nhạc cụ mã la ngày càng lan tỏa trên địa bàn huyện.
Ban đầu, huyện Bác Ái tuyên truyền, vận động các nghệ nhân tham gia và làm hạt nhân, đầu tàu, tích cực cống hiến thời gian, công sức để sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy cho thế hệ kế cận cách sử dụng các loại nhạc cụ để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của mã la trong đời sống đồng bào RaGlai.
Nghệ nhân Ưu tú Chamaléa Liếp, ở xã Phước Thành được coi là người đặt nền móng của phong trào khi xây dựng đội mã la của xã với 40 thành viên đủ mọi lứa tuổi tham gia. Đến năm 2024, nhiều thành viên đã sử dụng thành thạo các bộ gõ nhạc của mã la và những nhạc cụ khác, tự tin tham gia các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ tại địa phương, đồng thời tiếp nối ông, tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Với nhiệt huyết của mình, năm 2022, ông Chamaléa Liếp còn đầu tư xây dựng khu trưng bày nhạc cụ tại nhà với 2 bộ mã la, đàn chapi, đàn bầu, trống... để bà con địa phương tham quan, sử dụng miễn phí các nhạc cụ. Những đóng góp trách nhiệm và đầy tâm huyết của ông đã góp phần thúc đẩy, lan tỏa các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng như bảo tồn, giữ gìn các truyền thống tốt đẹp của đồng bào RaGlai nơi đây.
Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa, toàn huyện có 22/38 thôn được đầu tư một bộ mã la, gồm 5 chiếc (tượng trưng cho 3 người mẹ (mẹ một giữ nhà, mẹ hai chính giữa, mẹ ba là út mẹ và 2 con), được cộng đồng sử dụng hiệu quả trong việc trưng bày, giới thiệu; tổ chức biểu diễn phục vụ lễ hội và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Huyện còn xây dựng chương trình duy trì hoạt động của đội mã la, văn nghệ dân gian trong cộng đồng tại 37/38 thôn. Theo đó, các đội thường xuyên kết nối, giao lưu văn hóa, văn nghệ, tổ chức các hoạt động cộng đồng hàng tuần, hàng tháng. Nhờ đó, nhạc cụ mã la có thêm nhiều cơ hội đến gần hơn với người dân tộc RaGlai, nhất là thế hệ trẻ.
Cùng với đó, huyện Bác Ái đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận và các nghệ nhân ưu tú tại địa phương tổ chức các lớp dạy sử dụng nhạc cụ mã la cho học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc, thanh, thiếu nhi các trường học trên địa bàn huyện, qua đó, phát hiện nhiều học sinh có tố chất, đam mê với nhạc cụ này để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo trở thành các nghệ nhân cho tương lai. Hiện nay, tại 26 xã, 78 thôn vùng dân tộc RaGlai tỉnh Ninh Thuận có khoảng 220 bộ mã la với 1.772 chiếc; trong đó, nhiều nhất là huyện Bác Ái với 146 bộ/1.012 chiếc.
Với nỗ lực hiện nay, tin rằng nhạc cụ mã la của dân tộc RaGlai tỉnh Ninh Thuận sẽ vang mãi những âm thanh trầm, bổng vào dịp tổ chức các lễ hội quan trọng của cộng đồng, góp phần tạo động lực cho các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh nâng cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng Ninh Thuận ngày càng tươi đẹp hơn.
Bài và ảnh: Nguyễn Trung