Với mong muốn bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, thời gian qua, anh Hồ Chỏ, người Bru-Vân Kiều, công chức văn hóa xã hội ở Ủy ban nhân dân xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và sưu tầm xây dựng nên một không gian "bảo tàng thu nhỏ" ngay tại nhà, trở thành địa điểm để những người cùng sở thích đến tham quan tìm hiểu, trải nghiệm và giao lưu văn hóa thú vị tại địa phương.
Anh Hồ Chỏ sưu tầm nhiều vật dụng truyền thống của người Bru-Vân Kiều.
Sinh ra và lớn lên trong môi trường văn hóa đặc trưng của người Bru-Vân Kiều, Hồ Chỏ học tập tốt, được đào tạo bài bản và trở thành cán bộ văn hóa xã hội phục vụ quê hương. Nhiệm vụ được giao không chỉ giúp anh có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực mình phụ trách, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều với cơ sở, mà còn được tiếp xúc với những người cao niên là "báu vật" sống còn giữ "hồn" văn hóa của bản làng.
Hồ Chỏ chủ động tìm hiểu sâu các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số. Từ việc gặp các già làng, trưởng bản, nghệ nhân của hai tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, anh nghiên cứu thực tế về văn hóa của người Bru-Vân Kiều như lễ hội, phong tục tập quán, ẩm thực, kiến trúc nhà sàn, các loại nhạc cụ và các làn điệu dân ca…; tham gia hầu hết hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương, như các phiên chợ vùng cao quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc, ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội đại đoàn kết…
Với ý tưởng giữ gìn và phát huy những đặc trưng văn hóa của người Bru-Vân Kiều ngay trong khuôn viên nhà mình, năm 2022, Hồ Chỏ tự tay chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, vật liệu để xây dựng nhà sàn làm nơi trưng bày các loại nhạc cụ, vật dụng, dụng cụ lao động sản xuất truyền thống của người Bru-Vân Kiều và cũng là nơi để tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ tại địa phương.
"Gia đình không có nhiều kinh phí cho nên tôi chọn những vật liệu đơn giản như gỗ, mây, tre để dựng nhà sàn. Khi bước vào đây ai cũng sẽ cảm nhận được sự ấm cúng, thân thiện bởi các loại nhạc cụ, dụng cụ sinh hoạt, nông cụ sản xuất gần gũi của người Vân Kiều. Tôi sẵn sàng cùng khách sử dụng các nhạc cụ truyền thống, hát dân ca; trao đổi kinh nghiệm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu với mọi người về văn hóa dân tộc mình cũng như tiếp thu những góp ý của khách đến thăm để hoàn thiện căn nhà truyền thống này", anh Hồ Chỏ chia sẻ.
Bằng vốn hiểu biết về văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều, Hồ Chỏ thiết kế lại các vật dụng, dụng cụ lao động sản xuất truyền thống như gùi, giỏ, mâm cơm, dụng cụ bắt cá… rồi tìm đến các nghệ nhân đặt họ làm. Ngoài ra, anh còn sưu tầm rất nhiều nhạc cụ của người Bru-Vân Kiều như đàn ta-lư, sáo, khèn,… để trưng bày. Các loại nhạc cụ và vật dụng này chủ yếu anh đặt làm mới hoặc mua lại từ các địa phương khác.
Không chỉ sưu tầm nhạc cụ để trưng bày, Hồ Chỏ còn rất tích cực học cách chơi các loại nhạc cụ và hát các làn điệu dân ca của người Bru-Vân Kiều. Hiện tại anh có thể hát và sử dụng thành thạo một số loại nhạc cụ như đàn ta-lư, các loại sáo, khèn môi… Mỗi ngày sau giờ làm việc, anh dành thời gian chăm chút, sửa sang không gian trưng bày văn hóa truyền thống cá nhân và thư giãn bằng cách chơi các loại nhạc cụ.
Vào mỗi dịp cuối tuần, hoặc thôn bản có dịp vui, anh Hồ Chỏ mời các nghệ nhân, già làng, các thành viên câu lạc bộ văn nghệ đến nhà truyền thống của gia đình để cùng giao lưu đàn hát, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong việc sưu tầm và gìn giữ văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều.
Có không gian thoáng đãng, nằm cạnh vườn tre rất đẹp, ngay sau khi hoàn thiện căn bản, ngôi nhà sàn của anh Hồ Chỏ đã tiếp đón rất nhiều lượt khách du lịch, học sinh, các nhà nghiên cứu về văn hóa, các đoàn làm phim quảng bá truyền thống văn hóa đến tham quan trải nghiệm và tìm hiểu.
Bài và ảnh: Minh Long