Thời gian qua, công tác bảo tồn loài rùa biển quý hiếm đang được Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và các nhà khoa học, tình nguyện viên, cộng đồng địa phương triển khai một cách hiệu quả.
Thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận), Vườn quốc gia Núi Chúa là một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam, không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ mà còn bởi sự đa dạng sinh học, đặc biệt là quần thể rùa biển quý hiếm. Vườn quốc gia Núi Chúa hiện là khu vực hiếm hoi trên đất liền ở Việt Nam ghi nhận có quần thể rùa biển gồm rùa xanh, đồi mồi, đồi mồi dứa, trong đó loài rùa xanh đến sinh sản hằng năm. Đây đều là những loài nguy cấp có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ thế giới (IUCN).
Thông tin từ Phòng Bảo tồn tài nguyên rừng và biển Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết, mùa rùa biển lên đẻ trứng thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó tháng 8 là đợt cao điểm sinh sản của rùa biển. Rùa mẹ thường lên bãi cát vào ban đêm, rồi dùng hai chân trước bới cát thành một ổ rộng, dùng hai chân sau đào một hố nhỏ, sâu 30 - 40cm để đẻ trứng vào hố. Sau khi đẻ xong, rùa mẹ lấp cát vào ổ đẻ tránh kẻ thù ăn mất trứng. Trong điều kiện thuận lợi, rùa mẹ đẻ trứng từ 1 - 2 giờ rồi quay trở về biển. Trường hợp điều kiện tự nhiên bất lợi, bãi cát khô, rùa mẹ phải dành nhiều thời gian hơn để đào tổ đẻ, có con quay trở lại biển đến hôm sau mới lên đào lại.
VQG Núi Chúa là khu vực hiếm hoi trên đất liền ở Việt Nam ghi nhận có quần thể rùa biển gồm rùa xanh, đồi mồi, đồi mồi dứa, trong đó loài rùa xanh đến sinh sản hằng năm.
Mỗi lần rùa mẹ đẻ từ 80 đến trên 120 quả trứng, thời gian trứng nở thành rùa con từ 47 đến trên 50 ngày, phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Nếu nhiệt độ cao, thời gian trứng nở nhanh hơn, số lượng rùa cái sẽ nhiều hơn và ngược lại. Rùa con chui ra khỏi vỏ trứng và dùng hai chân trước bới cát bò lên khỏi mặt đất, lấy hết sức lao nhanh ra biển.
Từ năm 2014 đến đầu tháng 8/2024, Vườn quốc gia Núi Chúa ghi nhận có 530 lượt rùa mẹ lên bãi bói tổ, có 173 ổ đẻ thành công, số rùa con thả về biển là 11.349 con. Để bảo tồn rùa biển, từ năm 2000 đến nay, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức trong, ngoài nước như Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, Quỹ Môi trường toàn cầu, Viện Hải dương học, Vườn quốc gia Núi Chúa phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức, cộng đồng triển khai dự án bảo tồn, bảo vệ bãi đẻ, cứu hộ rùa biển.
Vườn quốc gia Núi Chúa thành lập các tổ bảo vệ rùa biển là người địa phương, phối hợp với thành viên nhóm tình nguyện viên bảo tồn rùa biển đến từ khắp các tỉnh, thành phố trong nước tham gia, phân công trực hằng đêm, cứu hộ rùa mẹ lên bãi làm tổ, bảo vệ tổ rùa đẻ thành công và cứu hộ, thả rùa con về biển. Đồng thời thành viên các tổ tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, khách du lịch, gia đình và cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo tồn rùa biển...
Hiện có 22 tình nguyện viên địa phương đang hoạt động ở 3 tổ: tổ rùa biển, tổ rừng ngập mặn, tổ san hô. Mục tiêu là để người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, từ đó giúp nâng cao nhận thức của chính bản thân họ và cũng góp phần lan tỏa thông điệp đến những người xung quanh. Nếu trước đây nạn săn bắt rùa, ăn thịt rùa còn nhiều, thì bây giờ người dân đã có ý thức hơn về động vật quý hiếm.
Công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, khách du lịch, gia đình và cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo tồn rùa biển...được VQG Núi Chúa đẩy mạnh triển khai. Ảnh: NT.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết: Vườn xây dựng và duy trì các vùng bảo vệ nghiêm ngặt rùa biển tại các bãi đẻ trong khu vực; xây dựng trạm bảo tồn rùa, thành lập các tổ tình nguyện viên là người địa phương cùng hàng trăm tình nguyện viên đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tham gia bảo vệ rùa biển. Đơn vị tăng cường phối hợp với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo tồn, cứu hộ và cứu chữa rùa biển cho cán bộ, tình nguyện viên.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa còn tích cực tuyên truyền ngư dân địa phương khi gặp rùa lên bãi đẻ hoặc đi biển thấy rùa bị nạn thì báo ngay cho lực lượng cứu hộ. Xây dựng mạng lưới các vùng biển và trên đất liền tại Việt Nam để tiếp nhận các cá thể rùa còn sống, đưa tới Khu Bảo tồn sinh vật biển của Vườn Quốc gia Núi Chúa cứu hộ, chữa trị, nuôi huấn luyện, đảm bảo đủ điều kiện để rùa tự sinh sống được trước khi tái thả ra môi trường tự nhiên.
Theo Quyết định 1176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Vườn Quốc gia Núi Chúa là một trong những khu vực ưu tiên bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển. UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu, các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp Vườn quốc gia Núi Chúa tăng cường bảo vệ loài rùa biển; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, tiêu thụ rùa biển, trứng và các bộ phận của rùa biển. Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quản lý, bảo vệ, bảo tồn rùa biển.
Vườn quốc gia Núi Chúa nằm trên địa bàn hai huyện Ninh Hải và Thuận Bắc, với diện tích khoảng 106.000ha, đây là một trong những khu vực có động, thực vật phong phú nhất ở Việt Nam, bao gồm 1.514 loài, trong đó có 54 loài thực vật được xếp hạng bị đe dọa trong Danh lục đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật Vườn quốc gia Núi Chúa có 766 loài, 353 loài động vật có xương sống và 413 loài côn trùng. Tại đây, có 60 loài động vật quý hiếm, trong đó có 48 loài động vật đang nằm trong nguy cơ tuyệt chủng theo Sách đỏ Việt Nam và 34 loài có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu.
Bên cạnh hệ động thực vật, nơi đây còn có hệ sinh thái biển đặc trưng với sự hiện diện và phân bố rộng của các rạn san hô rất phong phú và đa dạng về hình thái và cấu trúc trên khoảng 2.300ha gồm 350 loài san hô, có nhiều loài lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam. Do đó, năm 2022, Vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới bởi sự đa dạng sinh học rừng, biển và văn hóa bản địa mang nhiều sắc thái riêng.
Vườn quốc gia Núi Chúa được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như: vịnh Vĩnh Hy, hang Rái, bãi Đá, bãi Rùa Đẻ... Đặc biệt, nơi đây còn sở hữu rạn san hô hàng triệu năm tuổi tại khu vực hang Rái cùng hệ san hô biển tuyệt đẹp. Hệ san hô biển nơi đây được xem là hệ san hô đa dạng nhất Việt Nam, với gần 350 loài phong phú về hình dáng, màu sắc, trong đó có những loài nguyên thủy, chỉ cách mặt nước 2-4m nên từ lâu đã trở thành địa điểm ưu tiên lựa chọn của du khách, các nhà khoa học trong và ngoài nước đến để tham quan, thưởng ngoạn và nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, Vườn quốc gia Núi Chúa có khu vực bãi để rùa biển lên đẻ trứng hằng năm nằm ở bãi Thịt, thuộc xã Vĩnh Hải. Vào đầu tháng 4 đến tháng 11 hằng năm, rùa tìm đến bãi Thịt đẻ trứng, cao điểm nhất là tháng 7 và tháng 8. Thời gian này, khu vực bãi rùa đẻ sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt, các thành viên trong tổ bảo tồn hằng đêm đều tổ chức tuần tra, đi tìm dấu vết của rùa mẹ từ biển bơi lên bãi Thịt tìm nơi đẻ trứng để theo dõi, ghi nhận các thông tin theo dõi thời gian trứng rùa nở để kiểm tra và hỗ trợ rùa con về với biển.
Để đảm bảo việc bảo tồn song hành cùng với phát triển du lịch, Vườn quốc gia Núi Chúa đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư cũng như du khách đến tham quan trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường biển; phổ biến các quy định, giải pháp bảo tồn và phát triển các rạn san hô. Đồng thời, nghiêm cấm việc khai thác san hô sống, nghiêm cấm sử dụng chất nổ trong khai thác cá quanh khu vực có rạn san hô; cử cán bộ thường xuyên tuần tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý các trường hợp cố tình xâm hại rạn san hô biển cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ rạn san hô cổ hang Rái. Qua đó, giúp hệ sinh thái san hô trong khu vực được bảo tồn và phát triển một cách bền vững để phát triển du lịch nhằm tạo nguồn thu phục vụ công tác bảo tồn.../.
Nguyễn Thanh