Bà Rịa-Vũng Tàu: Ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát rác thải vùng biển

Cập nhật: 09/08/2024
Nhằm tăng cường năng lực quản lý giám sát rác thải tại vùng biển huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám để bảo vệ hệ sinh thái biển đa dạng, hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên thiên nhiên từ biển.

Sự phát triển của khoa học, công nghệ viễn thám đã và đang trở thành công nghệ ứng dụng phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực và trở thành một trong các hướng đi chủ đạo nhằm phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Với việc các địa phương đã và đang làm tốt việc đầu tư trang thiết bị, xử lý tốt cơ sở dữ liệu; chuyển giao công nghệ và sử dụng dữ liệu viễn thám có tính hệ thống; xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia thống nhất với cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường, đây cũng là một nhân tố quyết định ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ viễn thám nói chung và viễn thám trong quản lý giám sát các vùng biển như tại Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nói riêng.

Thông tin từ Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở đang phối hợp cùng đội ngũ các nhà khoa học của Trường Đại học công nghệ Miền Đông (tỉnh Đồng Nai) thực hiện đề tài nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát rác thải đại dương và xây dựng hệ thống thu gom xa bờ cho vùng biển huyện Côn Đảo.”

Theo báo cáo của Ban Quản lý công trình công cộng huyện Côn Đảo, trung bình mỗi ngày Côn Đảo phát sinh khoảng 15 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện bãi rác Bãi Nhát tồn đọng hơn 70.000 tấn rác chưa được xử lý triệt để. Ngoài lượng rác thải sinh hoạt từ đảo trung tâm, hàng năm huyện Côn Đảo còn phải hứng chịu lượng lớn rác từ đại dương dạt vào bờ biển và các đảo nhỏ.

Vì vậy, khi đề tài được thực hiện thành công sẽ mang đến một công nghệ mới giúp khắc phục được tình trạng ô nhiễm rác thải hiện nay trong khu vực Côn Đảo. Ngoài ra các kết quả nghiên cứu cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom, phân loại, tái chế rác, góp phần giải bài toán “Kinh tế tuần hoàn” của huyện Côn Đảo, mang lại môi trường sạch đẹp và bền vững hơn cho địa phương. Đề tài được chủ trì và thực hiện bởi PGS.TS Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học công nghệ Miền Đông.

Chủ nhiệm đề tài cho biết đội ngũ các nhà khoa học của trường sẽ ứng dụng các công nghệ hiện đại như UAV, phân tích ảnh vệ tinh, trí tuệ nhân tạo để theo dõi, phân loại và dự báo sự di chuyển của rác thải trên biển. Từ đó, xây dựng mô hình toán học mô phỏng điều kiện thủy văn, động lực học của khu vực nghiên cứu sẽ giúp các nhà khoa học đưa ra những dự báo chính xác và các giải pháp phù hợp.

(Ảnh minh họa). 

Theo chủ nhiệm đề tài, bên cạnh việc cung cấp dữ liệu khoa học, đề tài sẽ thí điểm xây dựng một hệ thống thu gom rác thải xa bờ, có thể nhân rộng ra các khu vực khác. Hệ thống này được thiết kế với chi phí thấp, dễ vận hành và thân thiện với môi trường.

Trong thời gian từ ngày 19/7 đến ngày 2/8, các sinh viên Trường Đại học công nghệ Miền Đông đã thu gom và phân loại hơn 20 tấn rác thải tại các bãi biển như Bãi Đầm Trầu, bãi Vông, Hòn Bà, Hòn Bảy Cạnh, vịnh Đầm Tre và bến Đầm. Các số liệu thu thập được từ công tác thu gom, phân loại rác thải của sinh viên kết hợp với công nghệ viễn thám hiện đại để xây dựng bức tranh toàn cảnh về tình hình ô nhiễm rác thải biển tại Côn Đảo, làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp của đề tài.

Rác thải đại dương đang là vấn đề lớn của Côn Đảo và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đề án nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển tại Côn Đảo, bảo vệ hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú của hòn đảo, đồng thời tham gia tích cực vào đề án kinh tế tuần hoàn của huyện Côn Đảo. Công nghệ viễn thám có tính đa thời gian, độ phủ rộng, độ phân giải không gian tốt sẽ là công cụ hữu hiệu để giám sát rác thải đại dương trên toàn quốc. Với đặc thù của công nghệ viễn thám là có các dữ liệu lịch sử do đó thông tin các bãi rác, lượng rác có ở đại dương sẽ được cung cấp từ khi hình thành, quá trình hoạt động trong quá khứ cũng như hiện tại.

Việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát môi trường nói chung và giám sát đại dương nói riêng là yêu cầu thực tiễn hiện nay không chỉ ở quy mô vùng biển Côn Đảo của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn là nhiệm vụ đặt ra với các địa phương có điều kiện địa hình, địa lý giáp biển. Chỉ khi có hệ thống thông tin đầy đủ, việc quản lý mới có thể đề ra những biện pháp mang tính thực tế và bền vững, đây cũng là đích đến của công nghệ viễn thám Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo.

Thùy Trang

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 09/8/2024