Australia: Nghiên cứu lập bản đồ môi trường sống dưới đáy biển

Cập nhật: 12/08/2024
Các nhà nghiên cứu Australia đã có sáng kiến gắn camera cho sư tử biển để lập bản đồ môi trường sống dưới đáy biển.

Nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Adelaide và Viện Nghiên cứu và Phát triển Nam Australia (SARDI) đã gắn những chiếc camera nhỏ, nhẹ vào 8 con sư tử biển Australia cái trưởng thành và để chúng đi lang thang ngoài khơi bờ biển Nam Australia. Nhờ đó, họ đã thu thập được các đoạn phim với tổng thời lượng 89 giờ đồng hồ.

Bằng cách này, họ đã phát hiện ra một thế giới vô cùng đa dạng với ít nhất 6 loại môi trường sống khác nhau, từ những rạn san hô rực rỡ đến những đồng cỏ biển xanh mướt. Sau đó, họ sử dụng các mô hình máy học kết hợp với 21 năm quan sát và đo lường để dự đoán và xây dựng một bản đồ chi tiết về các môi trường sống trên diện tích 5.000 km2 ở vùng thềm lục địa phía Nam Australia.

Các nhà nghiên cứu Australia đã có sáng kiến gắn camera cho sư tử biển để lập bản đồ môi trường sống dưới đáy biển. 

Việc tận dụng sư tử biển để nghiên cứu biển sâu mang lại nhiều lợi thế so với các phương pháp truyền thống vì loài này có thể lặn sâu và tiếp cận những khu vực mà tàu nghiên cứu khó có thể đến được. Nhờ đó, các nhà khoa học đã có được những dữ liệu quý báu về các môi trường sống trên khắp khu vực rộng lớn dưới đáy đại dương. 

Theo các nhà nghiên cứu, dữ liệu thu thập được có thể cung cấp thông tin quan trọng cho việc bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng và theo dõi các loài sinh vật biển. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu hy vọng dữ liệu sẽ cung cấp thông tin cho các nỗ lực bảo tồn sư tử biển, loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, và làm sáng tỏ một số bí ẩn dưới đáy đại dương.

Đáy biển là hệ sinh thái đa dạng và nhạy cảm, thông thường, việc khám phá chúng được thực hiện bằng các phương tiện dưới nước điều khiển từ xa, nhưng việc triển khai và vận hành các thiết bị đó rất tốn kém và chỉ có thể thực hiện được trong một số điều kiện thời tiết và địa hình nhất định.

Các nhà khoa học khác đã sử dụng động vật để nghiên cứu môi trường biển, bao gồm cả ở Nam Phi, nơi cá mập trắng được gắn camera để ghi lại môi trường sống của rừng tảo bẹ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Australia cho biết, họ có thể là những người đầu tiên sử dụng sư tử biển để lập bản đồ các môi trường sống, vốn chưa được lập trước đây của thềm lục địa ở miền Nam Australia.

Thu Thảo 

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 08/8/2024