Những ngày đầu tháng 8, nắng vẫn còn rát bỏng trên những cung đường dẫn chúng tôi khám phá Hòn Lao, đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) và tôi đặc biệt xuyến xao trước một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời. Đó là đoạn dốc đi về phía bãi Xếp, một bên là eo biển cong cong với bờ cát trắng mịn trải dài, một bên là đá núi nhấp nhô cùng rừng cây xanh ngát bạt ngàn. Nổi bật giữa nền biển trời mênh mang xanh thẳm là sắc đỏ rực rỡ của hoa ngô đồng. Quả không ngoa khi nói rằng, hoa ngô đồng chính là biểu tượng cho vẻ đẹp và sức sống vững bền của người dân trên xã đảo.
Nổi bật giữa nền trời xanh thẳm, làn nước biếc xanh là màu đỏ rực rỡ của hoa ngô đồng dọc bên sườn núi. Ảnh: Thủy Lê
Hoa ngô đồng trên đảo
Trên đảo Cù Lao Chàm, cây ngô đồng mọc rải rác ở khắp các sườn núi và thường mọc nhiều ở khu vực quanh triền núi phía Tây của đảo Hòn Lao, cung đường núi uốn lượn từ bãi Làng qua bãi Xếp, đến bãi Hương. Cây ngô đồng mạnh mẽ, bền bỉ, sống và vươn lên từ chính vùng đất khô cằn, một mùa nắng rát, một mùa bão giật, dù cho vỏ thân nứt nẻ, xù xì, xám bạc, nhưng từ đó lại nảy nở ra màu hoa đỏ chói, rực lửa. Và sức sống bền bỉ của cây ngô đồng cũng khiến cho người ta liên tưởng đến sức sống kiên cường, vững chãi của người dân trên đất cù lao!
Đầu hạ, khi cái nắng trở nên gay gắt, lá cây ngô đồng dần ngả vàng và rơi rụng. Chừng cuối tháng 6, khi cành đã trút hết lá, từng chùm hoa nở bung lấp lánh triền núi. Ngô đồng chỉ bắt đầu nở hoa từ giữa tháng 7 hàng năm, phủ một màu đỏ tô điểm rừng Cù Lao Chàm trong khoảng một tháng. Thời gian còn lại trong năm, ngô đồng hòa lẫn vào rừng xanh Cù Lao Chàm và làm bóng mát yêu thích trong sân nhà của nhiều hộ dân trên đảo. Đây là loại cây dễ thích nghi, phát triển nhanh và sức sống dẻo dai, bền bỉ trên miền đất nắng gió, khô cằn.
Du khách đến đảo Cù Lao Chàm đều không khỏi ngỡ ngàng, xao xuyến trước vẻ đẹp rực rỡ của mùa hoa ngô đồng khoe sắc dưới ánh nắng vàng của đảo xanh. Những ngày tháng 8 là những ngày hoa ngô đồng bung nở vẻ đẹp hoàn mỹ nhất, bất kỳ ai cũng phải mê mệt ngay khi bắt gặp sắc hoa đỏ tựa như những đốm lửa rực cháy của loài ngô đồng, hòa cùng với đó là những bãi cát dài trắng tinh ngập tràn ánh nắng, những phiến đá màu xám khói nhấp nhô trên bờ biển, cây cối tươi xanh trải dài tít tắp... Tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên hài hòa, lãng mạn, đầy màu sắc.
Với người dân Cù Lao Chàm, ngô đồng không chỉ là loài cây tô điểm thêm cho nét đẹp hoang sơ của nơi đây, mà còn gắn liền với nghề đan võng vẫn còn duy trì cho đến tận ngày nay. Có rất nhiều sản phẩm ẩm thực, lưu niệm và mỹ phẩm được sản xuất từ nguyên liệu của cây ngô đồng đỏ Cù lao Chàm như: võng, túi xách, giỏ treo, xích đu, các vật trang trí như bọc ốc, lưới ốc, tranh ngô đồng; kem dưỡng da và kem dưỡng môi; các sản phẩm bánh ngọt: bánh cookie ngô đồng, bánh đậu xanh ngô đồng, hạt ngô đồng rang, dầu ăn ngô đồng. Trong đó, đặc trưng và phổ biến nhất là sản phẩm võng ngô đồng. Hiện nay, nghề đan võng ngô đồng trở thành một nghề truyền thống được duy trì bởi những nghệ nhân lớn tuổi của xã đảo.
Những năm gần đây, du khách biết đến đảo Cù Lao Chàm nhiều hơn nhờ danh xưng "hòn đảo hoa ngô đồng", bởi mật độ phân bố dày đặc của loài cây này trên đảo. Ngô đồng còn gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân xã đảo từ xa xưa với nghề làm võng ngô đồng. Để bảo tồn giá trị văn hóa, đa dạng sản phẩm thu hút khách du lịch, xã đảo Cù Lao Chàm cũng đã tổ chức các lớp học truyền nghề đan võng, xe, dệt sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ cây ngô đồng. Trải qua bao đời gìn giữ, bằng tình cảm yêu nghề của các nghệ nhân và sự nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tháng 2/2024).
Chính vì những lý do này, hoa ngô đồng đã dần trở thành một biểu tượng của miền đất cù lao, cũng được chọn làm chủ đề chính cho lễ hội Festival hàng năm, mang theo sứ mệnh quảng bá cảnh quan biển, đảo, đa dạng sinh học từ rừng đến biển gắn với nền văn hóa bản địa đặc sắc, cùng lối sống giản dị, chân chất của người dân địa phương.
Festival vinh danh loài hoa độc đáo
Sau thời gian tạm hoãn so với kế hoạch ban đầu, từ ngày 5 đến 11/8, các hoạt động của Festival “Cù Lao Chàm - Mùa ngô đồng đỏ” 2024 và đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được tổ chức.
Người dân thôn Bãi Làng, đảo Cù Lao Chàm với nghề đan võng ngô đồng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Thủy Lê
Festival “Cù Lao Chàm - Mùa ngô đồng đỏ” 2024 và đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng là một sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động Festival biển “Hội An - Cảm xúc mùa hè 2024” nhằm hưởng ứng Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024, được kỳ vọng sẽ là một sự kiện du lịch điểm nhấn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan Cù Lao Chàm.
UBND thành phố Hội An cho biết, sự kiện tái hiện những nét đẹp văn hóa và các hoạt động thể thao mang đậm chất đặc trưng của người dân xứ đảo. Đặt biệt vào tối ngày 6/8 diễn ra đêm khai mạc Festival “Cù Lao Chàm - Mùa ngô đồng đỏ” 2024, đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng. Các hoạt động chính tại lễ hội như: Triển lãm ảnh và vãn cảnh “Vườn hoa ngô đồng”; trưng bày các sản phẩm và trình diễn nghề đan võng ngô đồng; Chương trình đêm Cù Lao; Phiên chợ kết nối sản vật Cù Lao Chàm “Món ngon xứ đảo”; Giải đua ghe ngang xã Tân Hiệp; Trại hè san hô.
Theo Ban tổ chức, tại sự kiện này, du khách không chỉ thưởng thức hoa ngô đồng, được ngắm mặt trời nhô lên từ mặt biển, ngắm hoàng hôn rơi xuống chân trời, hay ngắm trăng lên từ đỉnh núi, mà còn được đắm mình với biển xanh, lặn ngắm san hô, tham quan cảnh vật và thưởng thức hải sản tươi ngon xứ đảo. Một trải nghiệm không kém phần độc đáo khác là du khách đến Festival này được tham gia trải nghiệm đan võng ngô đồng.
Các sản phẩm có được từ nghề đan võng truyền thống của những cư dân trên đảo Cù Lao Chàm là một biểu tượng của văn hóa dân gian, góp phần minh chứng cho sự khai thác thành công nguồn tài nguyên rừng, nhằm thích ứng với địa hình biển, đảo của cộng đồng cư dân nơi đây. Những tri thức dân gian trong việc khai thác nguyên liệu và đan võng ngô đồng chính là cơ sở quan trọng để bảo tồn nghề truyền thống này ở Cù Lao Chàm, duy trì bền vững di sản văn hóa của tiền nhân để lại.
Và hôm nay, trên mảnh đất Cù Lao Chàm, người dân địa phương nói riêng, người dân tỉnh Quảng Nam nói chung đã và đang không ngừng nâng cao ý thức bảo tồn thiên nhiên trong phát triển du lịch. Cũng chính vì vậy mà ở nơi đây, không gian biển Cù Lao Chàm vẫn trong lành, vẹn nguyên, với phố cổ Hội An đậm đặc nét truyền thống, quần thể đền đài Mỹ Sơn vẫn giữ được nét cổ xưa.
Thủy Lê