Những năm gần đây, du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi ở Nghệ An được chú trọng và phát triển. Bản Hoa Tiến của xã Châu Tiến, huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An là một trong những điểm du lịch cộng đồng đặc sắc.
Phát huy bản sắc truyền thống
Bản Hoa Tiến có di tích danh thắng Hang Bua với vẻ đẹp kỳ vỹ được công nhận là di tích cấp Quốc gia, có Đền thờ Mường Chiêng Ngam được công nhận di tích cấp tỉnh. Bản Hoa Tiến nằm cạnh con sông Hiếu với cánh đồng Tạ Chum bằng phẳng, xanh mướt, mỗi mùa thu hoạch đều cho những bông lúa trĩu hạt. Bản có 360 hộ, là một trong những nơi còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống giá trị cao. Đó là bản Thái cổ thuần nhất, với nhiều nét văn hóa độc đáo như kiến trúc nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, văn hóa rượu cần, tục cầm vía (buộc chì cổ tay), các làn điệu dân ca, dân vũ (nhuôn, xuối, lăm, khắp, khắc luống…). Đồng bào bản Hoa Tiến được thừa hưởng không gian văn hóa Thái từ Hội Thăm Búa từ xa xưa đến Lễ hội Hang Bua ngày nay.
Du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến.
Những năm qua, du khách đến với bản Hoa Tiến để tham quan, du lịch cộng đồng ngày càng đông. Trong bản hiện có Hợp tác xã du lịch cộng đồng gồm 8 hộ làm homestay, các homestay đủ điều kiện phục vụ khách ăn, nghỉ tại nhà, phổ biến nhất là nhà nghỉ cộng đồng. Tại các nhà nghỉ cộng đồng homestay được bố trí các gian hàng bán sản phẩm truyền thống, các sản phẩm OCOP đặc sản của huyện Quỳ Châu như: thổ cẩm, mật ong rừng, rượu cần, hàng mây tre đan, hương trầm… và những dịch vụ kèm theo khác.
Hoa Tiến được xem là cái nôi của nghề dệt thêu thổ cẩm truyền thống ở Quỳ Châu. Có Hợp tác xã Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Hoa Tiến, mỗi năm cung cấp các sản phẩm dệt thổ cẩm cho nhiều du khách trong và ngoài nước. Mỗi hộ dân trong làng đều có khung cửi làm ra những sản phẩm thổ cẩm nhiều mẫu mã, hoa văn tinh tế tạo nên nét đẹp văn hóa riêng so với các dân tộc thiểu số khác. Khác với du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương, ở Hoa Tiến các sản phẩm du lịch chính còn được lưu giữ như guồng nước (cọn nước), đây là sản phẩm sáng tạo độc đáo của cư dân vùng cao, toàn xã hiện có trên 220 chiếc cọn nước, là điểm check-in thú vị của du khách khi đến xã Châu Tiến.
Một nét đặc sắc khi đến bản Hoa Tiến đó là thưởng thức các món ăn vùng núi ngon lành như vịt bầu Quỳ, thịt bò giàng, họ mọc, măng muối, canh ột, cá nướng, thịt chua, cá chua, dưa muối ống, gà đồi, canh môn, cơm lam, các món chẻo… những người làm du lịch ở đây còn xây dựng các tour hướng dẫn chế biến món ăn mang nét văn hóa truyền thống, tạo sự mới lạ cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Chị Trịnh Quỳnh Phương, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi được một người bạn ở Quỳ Châu mời về quê trải nghiệm du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến. Tôi thực sự ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, trong lành ở Hoa Tiến; ấn tượng với những câu chuyện về làng nghề thổ cẩm có bề dày lịch sử và tính nhân văn sâu sắc, tôi rất cảm phục các nghệ nhân lành nghề với đôi bàn tay khéo léo và sự kiên định, gắng sức giữ gìn truyền thống văn hoá của dân tộc mình”.
Còn anh Nguyễn Thế Công ở Ninh Bình cho biết: “Hai ngày cùng gia đình trải nghiệm Hoa Tiến, chúng tôi đã trải nghiệm không gian núi rừng yên tĩnh; tắm suối, chèo bè, bắt cá tại sông Nậm Hạt; trải nghiệm lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái; nấu nướng, giã gạo, thưởng thức các món ăn truyền thống của bà con nơi đây; uống rượu cần và giao lưu văn nghệ; đêm đến ngủ nhà sàn ngắm cảnh núi rừng về đêm. Các hộ gia đình tham gia phục vụ du lịch cộng đồng ở đây gần gũi, chân thành, nhiệt tình, chúng tôi rất trân quý và mong muốn giới thiệu về du lịch bản Hoa Tiến cho nhiều du khách”.
Phát triển du lịch cộng đồng trong Khu dự trữ sinh quyển miền Tây
Ngày 6/3, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 500/QĐ-UBND công nhận Điểm du lịch cộng đồng đối với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND huyện Quỳ Châu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc quản lý Điểm du lịch cộng đồng đối với bản Hoa Tiến nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát triển tài nguyên du lịch; tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho du khách đến tham quan; bảo vệ môi trường, sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch. Quảng bá, giới thiệu về điểm du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến. Tổ chức các lớp huấn luyện về kỹ năng và kinh nghiệm kinh doanh du lịch. Xây dựng các phương án liên kết để thu hút du khách, khuyến khích người dân tham gia đầu tư dịch vụ lưu trú, các hoạt động phục vụ khách du lịch.
Chủ tịch UBND xã Châu Tiến Sầm Thanh Hoài cho biết, hoạt động du lịch cộng đồng tại bản Hoa Tiến nói riêng và trên địa bàn xã Châu Tiến nói chung đã được triển khai khoảng 10 năm và ba năm nay có sự tập trung, đầu tư chu đáo để thu hút du khách. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có gần 2.000 lượt du khách về tham quan, trải nghiệm tại bản Hoa Tiến và các địa điểm trên địa bàn xã. Việc người dân tích cực tham gia làm du lịch cộng đồng đã góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống; phát huy thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và giá trị văn hóa của địa phương, nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Du lịch cộng đồng đã bước đầu tạo ra sinh kế mới góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời góp phần đưa kinh tế của địa phương ngày càng đi lên, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí nâng cao.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí để hỗ trợ triển khai du lịch cộng đồng tại khu vực miền Tây, gồm 11 huyện/thị với diện tích gần 1,4 triệu ha, chiếm 84% diện tích toàn tỉnh; gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn giá trị Khu dự trữ sinh quyền Miền Tây Nghệ An.
Khu vực miền Tây là nơi có nhiều di tích danh thắng đẹp như Vườn quốc gia Pù Mát (hơn 91.000 ha), Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Pù Hoạt (43.000 ha), Pù Huống (40.000 ha) được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2007. Nơi đây còn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của 5 dân tộc thiểu số gồm: Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu, Mông, mỗi một dân tộc đều mang những nét văn hóa đặc trưng riêng từ lễ hội đến các phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà, nghề thủ công, những làn điệu dân ca dân vũ.
Với những lợi thế trên, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, sự nỗ lực của người dân, nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã được hình thành và phát triển. Năm 2015, điểm du lịch cộng đồng đầu tiên được xây dựng tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông, nay đã lan toả ra hầu hết các huyện miền Tây - Nghệ An. Ngược theo tuyến Quốc lộ 7 bắt đầu từ huyện Anh Sơn với 2 điểm du lịch cộng đồng tại xã Phúc Sơn, Thành Sơn; huyện Con Cuông với 3 điểm tại xã Môn Sơn, Bồng Khê và Yên Khê; huyện Tương Dương với 2 điểm tại xã Yên Hòa, Tam Đình; huyện Kỳ Sơn với 2 điểm ở xã Mỹ Lý, Mường Lống. Theo Quốc lộ 48, có các điểm du lịch cộng đồng tại xã Tiên Kỳ huyện Tân Kỳ; xã Châu Lý huyện Quỳ Hợp; xã Châu Tiến huyện Quỳ Châu; xã Châu Kim huyện Quế Phong... Tỉnh Nghệ An tin tưởng các điểm du lịch cộng đồng ở khu vực miền Tây sẽ thu hút đông đảo du khách về tham quan, trải nghiệm trong thời gian tới.
Liễu Mai