Nghĩa là mỗi địa phương đang mặc định “sở hữu” riêng một sản phẩm tour và nó gói gọn trong phạm vi hành chính của mỗi địa phương. Chính “khái niệm” này đã làm cho các sản phẩm tour du lịch (DL) của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở nên “cục bộ”, tủn mủn và đương nhiên là sẽ có sự lặp đi, lặp lại trong suốt hành trình du khách khám phá toàn vùng.
Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: internet
Do đó, tính liên kết sẽ khó thành công trên thực tế. Cần thoát khỏi tư duy “liên kết hành chính” trong DL; cần thực hiện việc liên kết từ trong quá trình khảo sát và xây dựng một sản phẩm DL, một tuyến DL hoàn chỉnh.
Cụ thể là, khi du khách muốn tham quan khu vực ĐBSCL, thì đến mỗi địa phương họ sẽ được thụ hưởng một chương trình tour, một sản phẩm tour hoàn chỉnh trong một địa giới hành chính, khi sang địa phương khác sẽ là một chương trình tour khác. Điều này đi ngược lại lẽ thông thường xây dựng tour của các hãng lữ hành lớn trong nước, cũng như trên thế giới.
Trên thực tế mà ai cũng biết, là các hãng lữ hành đã thiết kế những chương trình tour trọn gói theo thời gian và chi phí cụ thể và du khách sẽ chọn đặt những gói tour đó hoặc có thể yêu cầu thiết kế những chương trình riêng cho mình. Như vậy, lẽ đương nhiên trong gói tour về ĐBSCL sẽ được thiết kế đi qua các địa phương mà mỗi địa phương phải là những trải nghiệm khác nhau. Tức là tính “liên kết” nó nằm trong bản chất của một sản phẩm DL; chớ không phải là địa phương này ký kết liên kết với địa phương kia mà giải quyết được “bài toán DL” cho đồng bằng.
Bằng chứng là rất nhiều hội thảo và rất nhiều chương trình ký kết liên kết ở ĐBSCL, thì cho đến nay nó vẫn nặng chất “hành chính” hơn là tính chuyên môn, chuyên nghiệp. Người ta hay phàn nàn về đồng bằng chẳng có gì ngoài sự lặp đi, lặp lại, đó là do tính “cục bộ” địa phương tạo nên. Nguyên nhân chính cũng do không có những đơn vị tổ chức, những doanh nghiệp đủ tầm xây dựng và trực tiếp chào bán những gói tour “liên kết qua các địa bàn”. Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, DL Vĩnh Long đã từng tổ chức tour đồng bằng 14 ngày đêm cho đoàn khách đến từ Nhật Bản, nhưng vẫn có nhiều du khách quay trở lại vùng đất này nhiều lần nữa. Mà đó mới chỉ là chương trình trải nghiệm đường sông.
Điểm sáng nhất trong chương trình liên kết này chính là xây dựng được “bộ sản phẩm” theo tinh thần đã nói trên đây, xuất phát từ mối liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL khi công bố 3 trục tuyến DL đặc trưng, gồm: Tuyến “Những nẻo đường phù sa” kết nối TP Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; Tuyến “Non nước hữu tình” kết nối TP Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh; Tuyến “Sắc màu vùng biên” kết nối TP Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang. Từ 3 trục tuyến này, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng nhiều chương trình DL từ TP Hồ Chí Minh đến vùng ĐBSCL. Đây được xem là bộ sản phẩm đặc trưng, định hướng ĐBSCL khai thác DL đa dạng, phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể phát huy hết thế mạnh, tính hấp dẫn, đa dạng của định hướng này. Đó là sự khiếm khuyết về nguồn lực và nhân lực; cũng giống như một số địa phương khác trong nước, là khi không có những doanh nghiệp lớn, những dự án đầu tư lớn thì doanh nghiệp địa phương không đủ sức “vươn tầm” để có thể khai thác tới nơi, tới chốn những tiềm năng, thế mạnh của mình. Sự đầu tư nhàng nhàng kiểu “liệu cơm gắp mắm” làm cho mọi thứ ở các địa phương cùng sàn sàn như nhau và na ná như nhau.
Khó đòi hỏi cao hơn khi thực tế, việc nâng cao liên kết hợp tác và phát triển các tour DL trong vùng còn nhiều khó khăn, thách thức như: nguồn lực phân bổ cho hoạt động xây dựng sản phẩm, xúc tiến, quảng bá DL còn hạn chế; việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành DL được quan tâm triển khai nhưng còn chậm, chưa đẩy nhanh tiến độ nhất là lĩnh vực giao thông, cầu đường phần nào gây ảnh hưởng đến lượng khách tham quan…
Bên cạnh những yêu cầu mới về áp dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành DL khu vực ĐBSCL còn đang ở mức độ chưa đồng đều và chưa hiệu quả; hoạt động DL còn bị tác động rất lớn bởi yếu tố môi trường: sạt lở đất, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn,... Tất cả càng tăng thêm áp lực cho mối liên kết trong DL ĐBSCL càng trở nên lớn hơn.
Trong điều kiện đó, thì mỗi địa phương, doanh nghiệp đang tự nỗ lực nâng cấp, tạo điểm nhấn cho những bộ sản phẩm riêng mình, càng đậm đà bản sắc, càng đặc trưng thì càng có cơ hội “vượt trước”, trên hành trình chinh phục du khách trong, ngoài nước.
Ngọc Trảng