Ngày 17 và 18/8, tại địa chỉ 85 Nhật Chiêu (quận Tây Hồ, Hà Nội) diễn ra sự kiện “Mở xưởng Gốm Mường”, cũng là dịp kỷ niệm 10 năm ra đời xưởng gốm với các món đồ gốm được sinh ra hoàn toàn từ những chất liệu tự tại - tự chế chung quanh khu vực Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (202 đường Tây Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).
“Đức Phật Hòa Bình”, tác phẩm do Vũ Đức Hiếu, Bùi Văn Đạo sáng tác chung.
10 năm gốm Mường, vừa quen vừa… rất lạ
Thăm Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, nhiều người từng ngỡ ngàng với hàng nghìn tác phẩm gốm được giám đốc, họa sĩ Vũ Đức Hiếu cùng các bạn nghề tạo tác trong 10 năm, trải dài chung quanh không gian nhà, vườn gần 5 ha. Cuối tháng 5/2023, khán giả tập trung khá đông để thưởng thức 85 tác phẩm tạo hình đủ các thể loại, của 5 nghệ sĩ “Xứ Mường” tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài. Nhưng điểm người xem “chen” nhau vẫn là chung quanh 13 đồ gốm không có tên, chỉ đánh số, cùng tên gọi là “gốm Hiếu Mường”. Quen bởi mầu sắc men, chất đất ấm áp như da thịt và các hoa văn Mường trên gốm. Lạ bởi nhìn từng tác phẩm, người ta không thể liên tưởng được rõ ràng đó là hình gì, “phom” (form) gì…
Một tác phẩm tại lễ ra mắt.
Lý giải nguyên nhân của dòng gốm lạ này, thì họa sĩ Hiếu Mường cho biết, từ trại sáng tác quốc tế “Nghệ thuật dưới mái Nhà Sàn” - 2012 tại bảo tàng, trong 68 nghệ sĩ trong nước và quốc tế Á, Âu, có 2 nghệ sĩ làm gốm từ Tây Ban Nha và Mỹ. Một nghệ sĩ trẻ biết làm gốm là Triệu Minh Hải đã mang lên đây một chiếc lò gốm điện nhỏ để nung tác phẩm. Đến năm 2014, trong một workshop tại bảo tàng, có sự tham gia của họa sĩ, nhà điêu khắc gốm Bảo Toàn. Thích thú với không gian nơi đây, nghệ sĩ Bảo Toàn góp ý với anh Hiếu là nên tổ chức một trại sáng tác gốm quốc tế.
Đây chính là lý do “cổ động” Hiếu Mường bước vào tìm hiểu nghề làm gốm từ chế men cho đến tạo cốt. Cuối năm 2014, anh cùng một nghệ sĩ gốm khác là Trịnh Vũ Hiếu đã trưng bày gốm tự sáng tác tại không gian Modul 7 Studio (số 83 đường Xuân Diệu, Hà Nội). Từ 2015 đến 2017, là thời gian để Hiếu Mường lập lò gốm, dấn thân học hỏi trực tiếp từ các làng gốm cổ truyền và đương đại khắp miền bắc và miền trung như: gốm Bát Tràng (Hà Nội); gốm Phù Lãng (Bắc Ninh); gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc); gốm Chu Đậu và Nhà máy gốm sứ Hải Dương (Hải Dương), gốm Đông Triều (Quảng Ninh); gốm Mường Chanh (Sơn La); gốm Phước Tích (Huế); gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi) và gốm Tây Giang (Quảng Nam); gốm Chăm (Bàu Trúc, Ninh Thuận)... Đến 2017, Hiếu Mường tổ chức “Workshop gốm Mường” quy tụ hơn 30 điêu khắc gia, họa sĩ từ nhiều địa phương tập trung sáng tác độc bản. Anh cho biết, thương hiệu chính thức “Gốm Mường” được xác định từ khoảng thời gian này do hơn 90% các nguyên liệu cốt như đất tổ mối, đất sét, chất pha chế men gio (tro), phụ liệu... hầu hết khai thác tại chỗ, chung quanh khu vực của bảo tàng tại Hòa Bình. Các tác phẩm sáng tác hướng đến độc bản, có tên riêng. Còn tác phẩm nào tham gia hai, ba bàn tay (người làm cốt, người vẽ, người phết men…) thì đều có chữ ký chung!
Gốm độc bản, xu hướng tạo sinh lực mới
Điều băn khoăn gây tò mò nhất của nhiều người xem về dòng gốm riêng của Hiếu Mường thì hình thù khá gợi cảm và chất liệu ấm áp. Nhưng thú vị là có thể liên tưởng thoải mái mà không rõ là hình gì, “phom” gì… Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận xét: “Tư duy tạo hình, (của gốm Mường) như một mạch nguồn cảm xúc tự nhiên, vừa có bóng dáng đồ vật, giàu tính biểu hiện phồn thực…, vừa gợi liên tưởng tới các totem nguyên thủy xa xôi”.
Khi được chúng tôi hỏi cụ thể về việc này, họa sĩ Vũ Đức Hiếu giải thích khá tường tận. Anh cho biết, hơn 130 tác phẩm được lựa chọn để trưng bày tại không gian 85 Nhật Chiêu bên hồ Tây lần này của một số tác giả khác, chứ không phải chỉ của mình anh, mặc dù chất cốt, và tông mầu men, là cùng một nguồn gốc. Thí dụ - như tượng Phật là do anh hoàn thành chung cùng nghệ sĩ Bùi Văn Đạo, Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc. Nếu quan sát kỹ, thì mỗi một loại “phom” sẽ ra phong cách riêng của mỗi tác giả. “Còn “phom” của tôi”, Hiếu nói: “Thì tự nhiên có ảnh hưởng từ hình khối đường nét vật dụng sinh hoạt trong đời sống của người Mường như nơm, đó, giỏ, gùi, ớp (đồ đeo bên hông phụ nữ Mường) do trước đây tôi vẽ những đồ này rất nhiều. Ngoài ra, còn có cả tinh thần văn hóa Mường chắt lọc trong hình hoa văn, họa tiết được tôi dùng trong cách họa men…”.
Không gian gốm Mường mới tại Hà Nội. Ảnh: T.Du
Họa sĩ còn nhấn mạnh, dòng “gốm Mường” của anh tại Hòa Bình tuy hướng tới cách thức sáng tác độc bản, nhưng lại rất mong muốn thu hút quy tụ được nhiều nghệ sĩ với những phong cách khác nhau tham gia sáng tạo. Bởi đó mới là tinh thần để các dòng gốm từ cổ truyền tới hiện đại phát huy sinh lực mới, tồn tại và phát triển được lâu dài về sau. Sau 10 năm lò gốm Mường ra đời, tại đây đã tổ chức được một số “workshop” - trại sáng tác quy tụ các nghệ sĩ gốm đủ các lứa tuổi và địa phương khác nhau. Nhưng điểm lại, thành công nhất là xu hướng và mong muốn phát triển các dòng gốm độc bản, cũng đang được các nghệ sĩ gốm từng tham gia trại sáng tác gốm Mường tự thân thúc đẩy phát triển ở mỗi vùng, địa phương riêng của mình.
Hà Châu Sơn