Trong định hướng phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhằm tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước vào năm 2025. Tuy nhiên, với những yếu tố “kìm chân”, du lịch của tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn và níu chân được du khách.
Tiềm năng dồi dào nhưng chưa đủ sức hấp dẫn
Không chỉ là điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Vĩnh Phúc còn được biết đến là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh khi thị trấn Tam Đảo được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới”; khu danh thắng Tây Thiên - quần thể văn hóa du lịch tổng hợp đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt; hồ Đại Lải có phong cảnh nên thơ, hữu tình, được nhiều nhà đầu tư hướng tới và các khu di tích lịch sử như khu Di tích khảo cổ học Đồng Đậu, Tháp Bình Sơn… được khai quật, bảo tồn.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đầu tháng 11/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011 - 2020; tiến hành lập quy hoạch chi tiết 3 khu du lịch, dịch vụ trọng điểm của tỉnh, gồm: Khu du lịch Tam Đảo I; Khu phía Tây - khu du lịch Đại Lải; Khu danh thắng Tây Thiên. Tập trung hoàn thiện quy hoạch Khu dịch vụ, du lịch và đô thị phía Bắc hồ Đại Lải; khu vực núi Sáng, hồ Bò Lạc, hồ Vân Trục làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đồng thời, ban hành các nghị quyết, quyết định, đề án như: Chính sách đặc thù hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch xây dựng các khu đô thị, du lịch, dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; Đề án về kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, dịch vụ; Đề án tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc. Yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển thương mại, dịch vụ, lựa chọn những dự án đầu tư phù hợp cho lĩnh vực này.
Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng được hình thành, bày bán tại các điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến tham qua, mua sắm
Đặc biệt, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, tháng 2/2013, UBND tỉnh ban hành Đề án số 769 về kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, dịch vụ tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, tập trung vào các giải pháp: Hướng nghiệp du lịch tại các trường THCS, THPT; mở các cơ sở, các khóa đào tạo nghiệp vụ du lịch và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên tham gia các khóa đào tạo về du lịch tại các cơ sở tạo đào ở Hà Nội và các địa phương. Cử hàng nghìn lượt cán bộ quản lý kinh doanh, nhân viên phục vụ ngành du lịch đi đào tạo nghiệp vụ trong và ngoài nước; đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm; hình thành các sản phẩm du lịch, trong đó có 2 sản phẩm mũi nhọn đang thu hút khách là du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch lễ hội.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu du lịch có tầm cỡ quốc gia như Tam Đảo I, Flamingo Đại Lải, Khu di tích danh thắng - lễ hội Tây Thiên, Sông Hồng Resort, Paradise Đại Lải Resort… với trên 560 cơ sở lưu trú du lịch, gần 10.000 phòng nghỉ. Cùng với đó, dịch vụ thương mại đã phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng với nhiều siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn có mặt ở khắp các địa phương. Đặc biệt, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sắp hoàn thành đi vào hoạt động sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và quá cảng trên hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tạo động lực cho kinh tế tăng trưởng, từng bước đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm du lịch, khi lượng khách và doanh thu từ du lịch liên tục tăng. Cụ thể, nếu năm 2011, Vĩnh Phúc chỉ đón được 1.790.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 740 tỷ đồng thì đến năm 2016 đón được 3.821.000 lượt khách, doanh thu đạt 1.287 tỷ đồng; năm 2022 đón 8,2 triệu lượt khách, doanh thu 3.282 tỷ đồng; năm 2023, đón 9,3 triệu lượt khách, doanh thu 3.610 tỷ đồng. Riêng 7 tháng năm 2024, đón trên 6,6 triệu lượt khách, tổng doanh thu 2.602 tỷ đồng; công suất sử dụng phòng đạt từ 50 - 55%.
Lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng nhưng doanh thu từ khu vực này còn rất thấp so các địa phương có ngành du lịch phát triển. Chẳng hạn như tỉnh Lào Cai, năm 2023, đón 7,2 triệu lượt khách, thấp hơn Vĩnh Phúc 2,1 triệu lượt khách nhưng doanh thu du lịch của Lào Cai lại đạt tới 22.244 tỷ đồng, cao gấp 6,2 lần so với tỉnh Vĩnh Phúc. Hay tương tự như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bình Thuận, tỉnh Bình Định, lượng khách đến du lịch năm 2023 đều thấp hơn Vĩnh Phúc và lần lượt đạt 7,3; 8,5; 5 triệu lượt khách nhưng khách du lịch đã mạnh tay chi tiêu, mua sắm mang về doanh thu 28.000 tỷ đồng cho thành phố Đà Nẵng, 23.000 tỷ đồng cho tỉnh Bình Thuận và 16.400 tỷ đồng cho tỉnh Bình Định; còn tỉnh Vĩnh Phúc, hơn 9,3 triệu lượt khách chưa mang lại doanh thu cho tỉnh đạt ngưỡng 3.700 tỷ đồng.
Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thực tế, mỗi lượt du khách đến tỉnh chỉ tiêu gần 400.000 đồng/ngày; thời gian lưu trú ngắn, chỉ từ 1 - 2 ngày. Trong khi đó, tại một số địa phương như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Lào Cai… mức chi tiêu bình quân của du khách từ 2 triệu đồng/người/ngày; tại thành phố Đà Nẵng là 3,8 triệu đồng/người/ngày.
Theo ông Dương, lượng khách đến Vĩnh Phúc đông nhưng doanh thu từ hoạt động du lịch còn khiêm tốn là do các dịch vụ phục vụ du khách chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn để có thể níu chân du khách lưu trú dài ngày. Bên cạnh đó, tỉnh còn thiếu các sản phẩm du lịch chất lượng cao, các sự kiện văn hóa - nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động du lịch về đêm; số lượng khách sạn từ 4 sao trở lên vẫn khiêm tốn. Đặc biệt, tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào du lịch dẫn đến năng lực cạnh tranh trong hoạt động này chưa cao; số lượng các tour tuyến mới được đưa vào khai thác và mở thêm còn ít. Các sản phẩm lưu niệm, quà tặng vẫn đơn điệu, chưa tạo được dấu ấn đặc trưng vùng miền. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp nhưng chưa được trùng tu, tôn tạo.
Chuyển mình để phát triển
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, Vĩnh Phúc đã định hình phát triển ngành du lịch theo 3 loại hình chính, gồm: Du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng nghề; du lịch hội nghị, hội thảo nhằm khai thác tối đa và tận dụng hiệu quả lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương. Đồng thời, ban hành, tạo đột phá trong cơ chế chính sách; trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách trong phát triển du lịch còn doanh nghiệp và người dân là chủ thể chính, trực tiếp triển khai tổ chức thực hiện hoạt động dịch vụ, du lịch.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức các cuộc xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh tại các địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch nhằm mở ra nhiều cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch của Vĩnh Phúc và các địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác kích cầu, phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch và xây dựng các tour, tuyến du lịch. Tiêu biểu như, sau Hội nghị xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch Vĩnh Phúc với chủ đề “Vĩnh Phúc - Điểm đến ấn tượng, an toàn” tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào năm 2022, 2023, nhiều sản phẩm OCOP - sản phẩm du lịch đặc trưng của Vĩnh Phúc như: Đông trùng hạ thảo, Trà hoa vàng, mật ong Tam Đảo đã có mặt tại một số tỉnh, thành phía Nam. Bên cạnh đó, nhiều đoàn du khách từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận đã đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của Vĩnh Phúc là Tam Đảo, Tây Thiên, Flamingo Đại Lải.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng, kể từ khi ký kết các biên bản hợp tác kết nối tour du lịch với các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, lượng khách đến sử dụng các dịch vụ của công ty tăng khoảng 20% so với trước đây. Điều này không chỉ góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp mà còn giúp hoạt động dịch vụ du lịch của tỉnh nhộn nhịp hơn ngay cả khi không phải những tháng cao điểm du lịch của địa phương.
Tiếp nối đà thành công này, ngày 16/8/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch. Tại đây, nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến du lịch, mở rộng liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch; hợp tác, kết nối về tour, tuyến và việc xây dựng sản phẩm, tạo thương hiệu cho du lịch Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Phú Thọ được hình thành, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, thúc đẩy các hoạt động liên kết, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ. Tiếp đó, ngày 10/8, Tập đoàn Flamingo là Flamingo Holdings và Flamingo Hotels & Resorts đã miễn phí vé vào cổng cho tất cả người dân, du khách đến vui chơi tại Lễ hội đường phố LALA TOWN, Khu du lịch sinh thái Đại Lải - Flamingo Đại Lải Resort đã tạo ra tiếng vang lớn, thu hút hàng vạn người dân, du khách đến vui chơi, tạo làn gió mới cho du lịch và mở ra cơ hội kinh doanh, thúc đẩy sức mua, khả năng cho thuê căn hộ của các nhà đầu tư.
Sự đầu tư bài bản, đồng bộ về cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ tại các địa điểm du lịch được nâng lên đã góp phần nâng tầm vị thế du lịch Vĩnh Phúc trên bản đồ du lịch quốc gia và trên thế giới, với minh chứng rõ ràng nhất là Khu du lịch Tam Đảo trở thành Khu du lịch Quốc gia thứ 7 của Việt Nam và được tổ chức du lịch hàng đầu thế giới World Travel Awards vinh danh là Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới, vượt qua nhiều điểm đến nổi tiếng như Hana Hawaii, Mỹ hay Shirakawa-go Gifu, Nhật Bản. Đặc biệt, nhờ việc đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng linh hoạt và thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô khu vực, quốc tế được tổ chức tại Vĩnh Phúc như: Seagames 31, Giải bóng chuyền cúp các câu lạc bộ nữ châu Á; cuộc thi Hoa hậu du lịch thế giới; Giải bóng chuyền nữ Đông Nam Á năm 2024… hình ảnh về đất và người Vĩnh Phúc đã được quảng bá rộng rãi đến khắp thế giới.
Nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hiện thực hóa các mục tiêu được chỉ ra trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ khai thác có hiệu quả những dư địa còn trống trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhất là khi các khu thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu giai đoạn 1 của tỉnh đã hoàn thành đưa vào hoạt động, Vĩnh Phúc sẽ hình thành, phát triển rộng khắp các hoạt động như: Du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, làng nghề ở các vùng nông thôn gắn với bản sắc văn hóa của từng địa phương. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân và nâng cao vị thế, hình ảnh của Vĩnh Phúc trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
Thanh Nga