Từ khi được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất để phát triển du lịch một cách hiệu quả.
Công viên địa chất được đánh giá là biện pháp thích hợp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất, khai thác có hiệu quả hơn mọi dạng tài nguyên địa chất, nâng cao tri thức cộng đồng về di sản địa chất, đồng thời nâng cao vai trò và giá trị khoa học về giá trị trái đất, tiềm năng di sản địa chất Cao Bằng, giá trị di sản văn hóa - lịch sử công viên địa chất (giá trị di sản địa chất - địa mạo, cổ sinh địa tầng, magma...). Việc xây dựng và phát triển công viên địa chất nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển văn hóa và môi trường bền vững.
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được thành lập theo Quyết định số 2498/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 của UBND tỉnh Cao Bằng. Căn cứ vào các kết quả điều tra về đặc điểm địa chất và giá trị di sản địa chất tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh đã phê duyệt ranh giới công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng, gồm phạm vi 9 huyện: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa, Thạch An, diện tích khoảng 3.072 km2, với trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo và có ý nghĩa giá trị quốc tế.
CVĐC Non nước Cao Bằng trải dài trên phạm vi 9 huyện với trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo và có ý nghĩa giá trị quốc tế.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý CVĐC tỉnh Cao Bằng phối hợp với Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản cùng các đơn vị liên quan nỗ lực triển khai hoàn thành Hồ sơ khoa học CVĐC Non nước Cao Bằng trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu. Tỉnh đã chủ động kết nối và thông qua Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam mời các chuyên gia cao cấp của UNESCO đến tư vấn, xây dựng và phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO.
Để đáp ứng theo tiêu chí của UNESCO về công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng vào năm 2018 và phát triển ngày càng bền vững, tỉnh Cao Bằng đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch và công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá. Trong những năm qua các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục nỗ lực hoàn thiện các nội dung trong việc xây dựng, quản lý và phát triển CVĐC, cụ thể: Đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của du khách, xây dựng các bãi đỗ xe, điểm dừng chân, điểm ngắm cảnh; Hoàn chỉnh nội dung và lắp đặt hệ thống pano, biển báo, biển thuyết minh di sản; Hoàn thiện Phòng trưng bày tại các Trung tâm thông tin và đưa vào khai thác sử dụng. Tăng cường quảng bá qua các ấn phẩm, clip, phim tài liệu...
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành CVĐC toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang. Theo Hội đồng Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là nơi lý tưởng để du khách tìm hiểu quá trình kiến tạo vỏ trái đất trên 500 triệu năm với nhiều di sản hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, cảnh quan đá vôi, hang động, thác nước..., tạo thành cảnh quan đẹp nổi tiếng như thác Cúc đá tay cuộn, Kéo Yên (Hà Quảng), thác Bản Giốc - Động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi, sông Quây Sơn (Trùng Khánh)… Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm sự đa dạng về di sản văn hóa, lịch sử của đồng bào các dân tộc thiểu số.
CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn liền với những di tích lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc như đền vua Lê, đền Dẻ Đoóng, Khu Di tích Lịch sử Kim Đồng, Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1941 - 1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hay huyền thoại đường số 4, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đỉnh núi Báo Đông - nơi ghi dấu sự kiện lần đầu tiên và duy nhất Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu...
Sau 6 năm đi vào vận hành (2018-2024), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO. Tỉnh xây dựng các chương trình, nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị CVĐC, phát triển du lịch bền vững, hợp tác quốc tế… với nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả. Tổ chức tập huấn, hội thảo, khảo sát thực địa nâng cao năng lực, tuyên truyền giáo dục về CVĐC cho cá nhân, cộng đồng dân cư, đối tác CVĐC. Nổi bật là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng tổng thể cho các trường học trên địa bàn tỉnh.
Riêng trong năm 2023, các cơ sở giáo dục tổ chức 192 buổi ngoại khóa cho 15.580 học sinh. 100% các trường trên địa bàn tỉnh lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về CVĐC vào các môn học và thông qua các hoạt động trong trường học. Cùng với đó, công tác phát triển mạng lưới đối tác CVĐC, cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư gắn với quản lý và bảo tồn di sản, văn hóa, đa dạng sinh học, môi trường và phát triển du lịch bền vững vùng CVĐC được các cấp ngành quan tâm đẩy mạnh.
Các tuyến du lịch gắn với từng điểm đến của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được đưa vào khai thác.
Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, kinh tế du lịch phát triển mạnh, các ngành nghề dịch vụ tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2023, tuyến du lịch trải nghiệm số 4 “Một thời hoa lửa” được hoàn thiện và công bố thu hút đông đảo du khách ghé thăm. Theo đó, bốn tuyến du lịch độc đáo đã được đưa vào khai thác: Khám phá “Phja Oắc - Vùng núi của những đổi thay”, tuyến tham quan “Trở về nguồn cội”, trải nghiệm văn hóa bản địa ở “Xứ sở thần tiên”, tuyến du lịch trải nghiệm “Một thời hoa lửa” sẽ đưa du khách đến với từng cung bậc cảm xúc.
Khám phá những cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như: tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ - sông - hang ngầm liên thông... cùng với các kiểu di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, các loại hình khoáng sản, di chỉ đại dương cổ,... tất cả góp phần mở rộng thêm hiểu biết con người về lịch sử sự hình thành của thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng...
Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã từng bước xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như nâng cao nhận thức của người dân nhằm khai thác, phát huy giá trị sự vinh danh của UNESCO. Nguyên Bình là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng, người dân chủ yếu sống bằng nông, lâm nghiệp. Địa phương này lại được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp, trong đó phải kể đến đỉnh Phia Oắc, đỉnh núi được coi như nóc nhà vùng Đông Bắc hay vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén với sự đa dạng về cảnh quan cùng giống loài động thực vật... Vùng Nguyên Bình cũng còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống về nhà ở, trang phục, ẩm thực của đồng bào Tày, Dao cùng nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Rừng Trần Hưng Đạo, đồn Phay Khắt, Nà Ngần…
Ngay sau khi được công nhận là một phần trong Công viên địa chất toàn cầu, Nguyên Bình đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để cộng đồng dân cư hiểu và tuân thủ các quy định về bảo tồn di sản. Địa phương cũng có phương án đầu tư hạ tầng, xây dựng khu cảnh quan rừng trúc Cốc Phường, khu nhà "trình tường" của người Dao, điểm ngắm cảnh trên đỉnh Phia Oắc, phối hợp nâng cấp cải tạo di tích Rừng Trần Hưng Đạo và mở rộng hệ thống giao thông kết nối các điểm di tích đến các khu cảnh quan thành một lịch trình thông suốt cho du khách.
Cùng với đó là tập huấn kỹ năng du lịch cho người dân, xây dựng làng du lịch Cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành với những sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng như tìm hiểu cuộc sống của đồng bào Dao, tham gia các hoạt động dệt vải, lấy sáp ong trên hang núi và ngắm những cánh đồng lúa bậc thang tuyệt đẹp nơi đây...
CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng vinh dự giành quyền đăng cai Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2024. Với chủ đề "Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất", Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 7-15/9 tới đây với khoảng 800 - 1.000 đại biểu quốc tế và trong nước tham dự. Đơn vị chủ trì Hội nghị là UBND tỉnh Cao Bằng và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao). Hội nghị của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức luân phiên 2 năm một lần, tại các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hội nghị sẽ diễn ra các hoạt động như: Các cuộc họp của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu để đánh giá các hồ sơ thẩm định và tái thẩm định; cuộc họp của Ban điều phối và Ban tư vấn của Mạng lưới châu Á-Thái Bình Dương; các phiên hội thảo tổng thể và chuyên đề, các cuộc họp song phương giữa các Công viên địa chất.
Cùng với đó là không gian trưng bày, triển lãm góp phần quảng bá hình ảnh Cao Bằng đến du khách gồm các hoạt động: Triển lãm ảnh đẹp Non nước Cao Bằng, các gian hàng quảng bá giới thiệu các Công viên địa chất toàn cầu và tiềm năng của Mạng lưới, Gian hàng Câu lạc bộ cùng em khám phá công viên địa chất, gian hàng giới thiệu văn hóa, ẩm thực của các dân tộc trong vùng công viên địa chất, trưng bày, triển lãm các sản phẩm OCOP của Cao Bằng và một số tỉnh, thành; các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; khảo sát thực địa các tuyến trải nghiệm trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng...
Cao Bằng rất quan tâm thúc đẩy mô hình Công viên địa chất toàn cầu nhằm tăng cường phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tạo dựng thương hiệu địa phương, thu hút du lịch, đầu tư, tạo sinh kế cho người dân. Hội nghị lần thứ 8 mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại tỉnh là dịp thảo luận và đề xuất chính sách liên quan đến công tác quản lý, phát huy danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu tại châu Á - Thái Bình Dương.
Đây cũng là cơ hội để tỉnh tăng cường kết nối hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu thế giới và quảng bá hình ảnh của Việt Nam nói chung, tỉnh Cao Bằng nói riêng. đây là sự kiện quốc tế quan trọng diễn ra tại địa phương. Qua đó, góp phần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng. Đồng thời, thông qua tổ chức hội nghị cũng góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi các giá trị, cảnh đẹp của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và đất nước Việt Nam nói chung đến bạn bè và du khách quốc tế.
Ngọc Trang