Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định 2274/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Ảnh internet
Mục tiêu nhằm Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang nhằm bảo tồn, tôn tạo khu di tích, khơi dậy và làm tăng giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và lịch sử trong vùng; tạo khung pháp lý triển khai các dự án thành phần, tiến hành phát triển kinh tế di sản, du lịch, mang lại lợi ích thiết thực cho huyện Kiên Lương nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.
Theo đó, quy mô lập quy hoạch khoảng 136,11ha thuộc dãy núi Bãi Voi, ấp Ba Núi, nơi tiếp giáp của thị trấn Kiên Lương, xã Bình Trị và xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Ranh giới lập quy hoạch di tích được xác định như sau: Phía Bắc giáp thị trấn Kiên Lương. Phía Nam, Tây Nam giáp Nhà máy xi măng thuộc Công ty Siam City Cement (Việt Nam), chi nhánh Kiên Giang. Phía Đông giáp xã Bình Trị. Phía Tây giáp khu vực dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1.
Toàn khu quy hoạch gồm 7 phân khu chức năng. Trong đó, phân vùng bảo vệ bảo tồn di tích, gồm: Khu bảo tồn di tích cách mạng núi Mo So với 36,36ha; bảo tồn sinh thái cảnh quan với diện tích 20,61ha; khu trưng bày và thông tin di sản, diện tích 17,2ha; khu phục hồi cảnh quan, sinh thái, môi trường, diện tích 13,48ha.
Khu phân vùng phát huy giá trị di tích, gồm: khu dịch vụ hỗn hợp, diện tích 28,68ha; khu dân cư và tái định cư, du lịch cộng đồng có diện tích 8ha và khu đón tiếp, quản lý giao thông, hạ tầng và các công trình sử dụng chung với diện tích 11,08ha. Khu di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So được xác định khu vực bảo vệ I với diện tích 24,9ha (núi Mo So 14,3ha và khu vực đầm ngập mặn 10,6ha). Thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2024 đến năm 2030.
Di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So là một khu vực di sản hỗn hợp, bao gồm: Di tích lịch sử cách mạng, với giá trị to lớn về lịch sử chống ngoại xâm, từng là căn cứ của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng thời còn là nơi thành lập Đảng cộng sản Campuchia; Danh thắng nổi tiếng (cảnh quan sơn thủy với bối cảnh cận biển); Di sản sinh thái (rừng ngập mặn và sinh thái núi đá vôi); Di sản địa chất, địa mạo và hang động đặc biệt (vũng áng); Di sản quần cư, nơi cư ngụ lâu đời của dân địa phương.
Thuộc địa bàn huyện Kiên Lương, Di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So có liên kết trực tiếp và gián tiếp với các di tích, danh thắng khác của tỉnh Kiên Giang như: Nhà tù Phú Quốc, Căn cứ U Minh Thượng, Căn cứ Tỉnh ủy Rạch Giá, Đồn Biên phòng Phú Mỹ, Nhà tù Hà Tiên, Tháp Cù Là; khu vực danh thắng cảnh quan sinh thái ngập mặn, ngập nước, hệ sinh thái núi đá vôi Kiên Lương - Hà Tiên; các di tích, danh thắng thuộc tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là các di tích, danh thắng thuộc huyện Kiên Lương, huyện Hòn Đất và thành phố Hà Tiên như Quần đảo Bà Lụa (thắng cảnh Hòn Chông, chùa Hải Sơn (Chùa Hang), Bãi Ớt xã Dương Hòa, Bãi Dương, Hòn Trẹm; Hang Tiền, Núi nước, Cụm đảo Hòn Lô Cốc, Đá Lửa, hòn Rể lớn, hòn Rể Nhỏ, di tích Ba Hòn, Hà Tiên thập cảnh, Quần đảo Hải Tặc... Khi được đầu tư đồng bộ, Di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So có thể trở thành một trong những điểm đến, trung tâm gửi và đón khách du lịch với sự tiếp cận đa phương tiện bằng đường bộ, đường thủy, có tiềm năng trở thành một hạt nhân tăng trưởng kinh tế cho địa phương
PV