Với tiềm năng về du lịch sinh thái đặc thù, thời gian qua, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung khai thác, phát triển du lịch theo hướng bền vững: vừa khai thác du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng vừa chú trọng bảo tồn giá trị tài nguyên đặc thù.
Một góc hệ sinh thái VQG Tràm Chim nhìn từ trên cao
Về tiềm năng du lịch sinh thái, Tam Nông có Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim phát triển thành công viên chim với bảo tàng trứng chim và trưng bày cá ngọt cùng các chương trình trải nghiệm mùa nước nổi như: một ngày làm ngư dân, thu hoạch lúa trời, săn bắt chuột đồng, ngắm cảnh quan sinh thái, tham quan cánh đồng hoa Hoàng đầu ấn, Nhĩ cán tím,…
Du khách check in cánh đồng hoa Hoàng đầu ấn tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (Ảnh tư liệu từ cuộc thi Sáng tác ảnh đẹp du lịch)
Phát triển sản phẩm du lịch tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư vùng Đồng Tháp Mười: các hoạt động đi thuyền tham quan, trải nghiệm cuộc sống của người dân trong mùa nước nổi như thu hoạch lúa trời; giăng câu, lưới bắt cá; săn bắt chuột đồng... tìm hiểu sinh thái nông nghiệp theo mùa; thưởng thức ẩm thực khẩn hoang của cư dân vùng Đồng Tháp Mười.
Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái đất ngập nước nội địa vùng trũng Đồng Tháp Mười: Các hoạt động đi thuyền tham quan, nghiên cứu môi trường, môi sinh, tìm hiểu các giá trị đa dạng sinh học vùng sinh cảnh đất ngập nước nội địa.
Tận dung các tiềm năng trên, Khu du lịch Tràm Chim đang khai thác 02 tuyến du lịch kết hợp với cộng đồng nhằm cải thiện sinh kế cho người dân.
Du khách tham quan, trải nghiệm rừng tràm bằng phương tiện như tắc ráng tại Tràm Chim ((Ảnh tư liệu từ cuộc thi Sáng tác ảnh đẹp du lịch)
Tuyến ngắn có thời gian khoảng 90 phút: đây là tuyến du lịch ven rừng, thuộc khu vực từ Bến tàu đến khu vực trạm dừng chân C4, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách tham quan, du lịch trong ngày, có thời gian ít. Tuyến này du khách được tham quan cảnh quan sông nước, tham quan các đồng sen, súng, đồng cỏ và ngắm sân chim, trải nghiệm các dịch vụ đánh bắt cá và ẩm thực tại khu vực Nhà hàng C4. Để khai thác tuyến này có hiệu quả cần bổ sung các tiểu cảnh cho du khách chụp ảnh tại mỗi khu vực có cảnh quan sinh thái đặc trưng.
Tuyến dài có thời gian khoảng 120 phút: Đây là tuyến du lịch trải nghiệm xuyên rừng, nhắm đến các đối tượng khách là các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các du khách có nhu cầu khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu thiên nhiên. Tuyến du lịch này chuyên về khám phá và trải nghiệm, góp phần tạo sinh kế cho người dân cùng tham gia và hưởng lợi từ các dịch vụ.
Để có thể khai thác các chương trình tour đi bộ trong rừng khám phá sinh cảnh về đêm, tour xem chim, cò… tour dã ngoại, cắm trại và từng bước triển khai chương trình xem quy trình sống, sinh sản và ấp trứng của Sếu qua hệ thống camera quan sát, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch và Đầu tư tiến hành khảo sát và xây dựng tour trải nghiệm. Sau thời gian hoạt động thử nghiệm, hiện tại Khu du lịch Tràm Chim đã đưa vào khai thác 02 chương trình tour du lịch mới: Tour bình minh Tràm Chim và hoàng hôn Tràm Chim hoạt động có hiệu quả.
Du khách trải nghiệm Tour bình minh Tràm Chim
Song song với Đề án bảo tồn và phát triển Sếu Đầu đỏ tại VQG Tràm Chim, huyện Tam Nông cũng đang triển khai thực hiện Dự án Phát triển vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu chính là xây dựng được các chương trình, dự án phù hợp với đặc thù về điều kiện môi trường sinh thái - kinh tế - xã hội của vùng đệm nhằm góp phần định hướng phát triển vùng đệm hài hòa với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái của Vườn Quốc Gia Tràm Chim. Đối với mục tiêu phát triển du lịch bền vững Dự án đề ra các nhiệm vụ: (1) phát triển du lịch đất ngập nước tại vùng lõi và vùng đệm phù hợp về mặt sinh thái, hấp dẫn và giảm thiểu tác động đến môi trường và đa dạng sinh học; (2) Xây dựng hạ tầng dịch vụ, thương mại và các ngành nghề hỗ trợ cho phát triển du lịch của khu vực; (3) Phát triển các dịch vụ, hình thức sản xuất tại chỗ nhằm đa dạng hóa thị trường lao động, tạo việc làm và là các vệ tinh phụ cận hỗ trợ cho phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, huyện còn có 02 mô hình du lịch hiện đang hoạt động hiệu quả và được đánh giá cao:
Việt Mekong Farmstay: là nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên được phát triển trên nền tảng nông nghiệp và văn hóa địa phương trên không gian đa sắc màu đậm nét hoang sơ của cánh đồng bông súng trắng, bông sen hồng, cỏ xanh, lúa vàng và lúa ma (lúa trời) giữa đồng với không khí trong lành. Đây cũng là một mô hình nổi bật được Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) khảo sát phục vụ cho nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh”.
Điểm Vườn du lịch sinh thái Hoàng Hảo: Với không gian rộng hơn 10.000 m2 được đầu tư chỉn chu, luôn xanh mướt và không khí trong lành, ẩm thực Nam Bộ đặc trưng, dịch vụ câu cá, thu hoạch ngọc trai nước ngọt, phiên chợ bánh dân gian Nam bộ cuối tuần, Vườn sinh thái Hoàng được thu hút khách du lịch đánh giá cao.
Vườn sinh thái Hoàng Hảo - huyện Tam Nông
Tam Nông còn thuận lợi trong việc liên kết các sản phẩm dịch vụ từ ăn uống, vui chơi giải trí, trải nghiệm nông nghiệp, làng nghề với hệ thống hạ tầng du lịch tương đối khá. Với 6 khách sạn, làng khô và làng kiệu Phú Thọ, các cơ sở chế biến các sản phẩm từ sen, cơ sở nuôi ong, 17 sản phẩm OCOP từ 3 sao… tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú và hấp dẫn, vừa đáp ứng phục vụ khách du lịch vừa góp phần nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân, nhất là các hộ dân vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim. Hoạt động khai thác du lịch có sự tham gia của cộng đồng là yếu tố quan trọng cho việc quản lý vận hành, khai thác và phát triển bền vững các tiềm năng du lịch sinh thái tại Huyện Tam Nông.
Khánh Vân