Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Vườn quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định) là Vườn Di sản ASEAN, qua đó nhằm phát huy giá trị của Vườn quốc gia này trong việc giữ gìn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Vườn quốc gia Xuân Thủy được thành lập theo Quyết định số 01/2003 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở điều chuyển từ Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy. Vườn quốc gia Xuân Thủy có tổng diện tích 14.500ha, trong đó hơn 7.100ha là vùng lõi và hơn 7.300ha là vùng đệm, nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Giao Thủy: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải. Năm 1989, Vườn quốc gia Xuân Thủy chính thức được quốc tế công nhận là khu Ramsar thứ 50 của thế giới và là khu Ramsar đầu tiên của khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
Đây là vùng đất ngập nước cửa sông ven biển tiêu biểu với địa hình tự nhiên được kiến tạo theo quy luật bồi tụ và xói lở của vùng cửa sông châu thổ Bắc Bộ. Các bãi bồi lớn xen kẽ với các dòng sông được tạo thành. Trong quá trình phát triển tự nhiên vùng cửa Ba Lạt tạo nên những cảnh quan đặc sắc của khu vực. Các bãi triều lầy vùng cửa sông là nơi sinh trưởng của rừng ngập mặn, nó cũng là bãi đậu, kiếm ăn của các loài chim di trú, các giồng cát cao ở mép ngoài Cồn Lu là dải rừng phi lao chắn sóng, đồng thời là nơi cư trú của nhiều loài chim bản địa.
Vườn quốc gia Xuân Thủy có nhiều kiểu hệ sinh thái với các đặc trưng khác nhau về điều kiện tự nhiên, nơi cư trú và quần xã sinh vật.
Do nằm trong vùng cửa Ba Lạt - cửa sông châu thổ rộng lớn nhất Bắc Bộ, Vườn quốc gia Xuân Thủy có nhiều kiểu hệ sinh thái với các đặc trưng khác nhau về điều kiện tự nhiên, nơi cư trú và quần xã sinh vật: Bãi triều lầy có rừng ngập mặn; bãi triều không có rừng ngập mặn; các cồn cát chắn ngoài cửa sông; đầm nuôi tôm; sông nhánh; lạch triều; dải cát mép ngoài Cồn Lu; vùng nước ven bờ Cồn Lu; vùng nước cửa sông Ba Lạt; hệ sinh thái nông nghiệp. Trong các kiểu hệ sinh thái này, bãi triều có rừng ngập mặn, bãi triều không có rừng ngập mặn, đầm nuôi tôm và cồn cát vùng cửa sông là những sinh cảnh thường có những biến động lớn bởi các quá trình phát triển tự nhiên và do hoạt động của con người.
Vườn là nơi sinh sống của 202 loài thực vật bậc cao; thảm thực vật có 7 quần xã; thực vật nổi đã thống kê được 112 loài; động vật nổi ghi nhận được 110 loài; có 385 loài động vật không xương sống; 155 loài cá; 427 loài côn trùng... Tại đây cũng có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: móng tay, cáy mật, cua bùn, cá Song, cá Hói... Đây cũng là một trong 6 vùng chim quan trọng của các vùng đất ngập nước trọng yếu ở Đồng bằng Bắc Bộ và nằm trên đường bay chim nước di cư tuyến Úc – Đông Á (EAAFP).
Vườn quốc gia Xuân Thủy được thành lập nhằm mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn mẫu chuẩn điển hình hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển, bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thủy sản, loài chim nguy cấp, quý, hiếm tại khu vực. Những năm qua, Vườn đã thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và hỗ trợ tạo lập sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử tại khu vực nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch sinh thái, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư với các tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên.
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ bảo tồn nguồn gen động vật, khảo nghiệm lựa chọn và trồng thử nghiệm một số loài cây ngập mặn có triển vọng nhằm cải thiện tổ thành loài, nâng cao khả năng chống chịu của hệ sinh thái rừng ngập mặn bằng các loài cây ngập mặn có ưu thế về sinh khối, sinh thái và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng nhiều mục đích của dải rừng ngập mặn ven biển của tỉnh. Điển hình như các đề tài, dự án: “Đầu tư phát triển vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy”; “Nghiên cứu, xác định một số cây trồng thích hợp và kỹ thuật ươm giống cây con chất lượng tốt tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”, “Nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân suy thoái rừng ngập mặn và xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn bền vững tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”…
VQG Xuân Thủy hướng tới mục tiêu trở thành Vườn Di sản ASEAN.
Để Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ bảo đảm đúng quy trình thủ tục và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Tỉnh Nam Định cũng giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở TN&MT, các đơn vị liên quan hướng dẫn Vườn quốc gia Xuân Thủy triển khai việc xây dựng hồ sơ đề cử theo đúng quy định.
Ngày 18/12/2023, Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 3900 về việc thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ đề cử danh hiệu Khu Vườn Di sản ASEAN cho Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Nam Định và các chuyên gia trong lĩnh vực. Ngày 18/1/2024, Hội đồng thẩm định đã tiến hành họp rà soát, đánh giá hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy và thông qua hồ sơ đề cử, đề nghị Vườn tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề cử theo các góp ý của thành viên hội đồng.
Hội đồng thẩm định đã có báo cáo thẩm định hồ sơ và đánh giá hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 08/2022 về trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề cử công nhận di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận và đáp ứng tiêu chí về Vườn Di sản ASEAN của Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN; tiến hành bỏ phiếu thông qua hồ sơ thẩm định đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN với kết quả 9/9 phiếu thành viên biểu quyết nhất trí thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung (tổng điểm 246,6; điểm trung bình 27,4) (báo cáo thẩm định gửi kèm theo).
Theo báo cáo thẩm định, Hội đồng thẩm định đánh giá hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN cơ bản đáp ứng 12 tiêu chí về Vườn Di sản ASEAN của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN. Trong đó, Vườn quốc gia Xuân Thủy đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái điển hình khu vực đất ngập nước cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam; được quản lý, bảo tồn và có ranh giới diện tích rõ ràng trên bản đồ và được cắm mốc trên thực địa. Các hệ sinh thái không bị xâm hại, không bị tác động làm suy giảm về thay đổi cấu trúc tự nhiên, suy giảm đa dạng sinh học, các giá trị bảo tồn; là nơi sinh sống của 1.656 loài động, thực vật, trong đó có 222 loài chim.
Vườn có 7 kiểu hệ sinh thái đặc trưng, trong đó có hệ sinh thái bãi triều lầy có rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn tại khu vực có diện tích lớn và có sự đa dạng về các kiểu quần xã thực vật và số loài cây ngập mặn. Đây cũng là khu vực có sự xuất hiện và duy trì thường xuyên của 7 kiểu quần xã thực vật và là sinh cảnh sống quan trọng của nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Sự đa dạng về các loài động vật, đặc biệt là các loài thủy sản đã giúp Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành vùng đất ngập nước có năng suất sinh học lớn nhất tại khu vực châu thổ sông Hồng
Địa hình tự nhiên tại Vườn quốc gia Xuân Thủy được kiến tạo theo quy luật bồi tụ và xói lở của vùng cửa sông ven biển châu thổ sông Hồng. Kết quả theo dõi diễn biến rừng tại khu vực trong 5 năm trở lại đây cho thấy đã có 113,05ha rừng ngập mặn bị chết và bị suy thoái được phục hồi, 114,16ha diện tích rừng ngập mặn và rừng phi lao được tái sinh tự nhiên...
Chương trình Vườn Di sản ASEAN (ASEAN Heritage Park (viết tắt là AHP)) là một sáng kiến của Bộ trưởng Môi trường các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN), thực hiện dựa trên Tuyên bố về các vườn di sản của Bộ trưởng các nước ASEAN từ năm 2003. Đây là danh hiệu về bảo tồn của khu vực, được triển khai với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái quan trọng, mang tính độc đáo đặc biệt của khu vực ASEAN, có tầm quan trọng trong khu vực và quốc tế.
Các Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng trong bảo tồn nguồn gene, bảo đảm sử dụng bền vững các hệ sinh thái; duy trì các khu vực tự nhiên có giá trị văn hóa, giáo dục, nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN, hướng tới phát triển bền vững.
Việc được công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng giúp VQG Xuân Thủy bảo tồn nguyên vẹn mẫu chuẩn điển hình hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Danh hiệu Vườn Di sản ASEAN sẽ tạo nên thương hiệu để thu hút các nhà đầu tư dịch vụ du lịch đến với Vườn quốc gia; là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Vườn và trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị giữa các Vườn Di sản trong khối ASEAN.../.
Thu Thủy