Nhằm thu hút du khách, việc tổ chức các đêm nhạc mang đặc trưng vùng miền là cách làm hay. Tuy nhiên, còn khá nhiều khó khăn để các đêm nhạc thực sự trở thành sản phẩm du lịch.
Thêm sản phẩm mới cho du lịch
Từ tháng 10/2024, du khách đến Huế ngoài việc tham quan hệ thống cung điện, lăng tẩm, các làng nghề truyền thống... còn có thể lựa chọn thưởng thức đêm nhạc Huế symphony - Bản giao hưởng Huế. Đây là sản phẩm du lịch mới tại Huế do Bamboo Artists Agency thực hiện, với sự ủng hộ của địa phương. Chương trình được kỳ vọng làm phong phú hơn các điểm du lịch về đêm, góp phần thu hút du khách đến Huế.
Đại diện đơn vị tổ chức cho biết đã nghiên cứu thị trường trước khi quyết định thực hiện chương trình. Ngoài ra, sau thành công của đêm nhạc Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy tổ chức vào tháng 6/2024, họ càng có động lực thực hiện đêm nhạc mang thương hiệu cho TP Huế.
Huế symphony - Bản giao hưởng Huế là sự kết hợp giữa nhã nhạc cung đình Huế, âm nhạc giao hưởng và những nhạc phẩm đã ghi sâu vào ký ức khán giả. Chương trình dự kiến có sự tham gia của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, nghệ sĩ sáo trúc Trần Khánh Tường, ca sĩ Đức Tuấn, Ngọc Khuê, 2 nghệ sĩ quốc tế là Akari Nakatani - nàng thơ từng xuất hiện trong phim điện ảnh Em và Trịnh - và nghệ sĩ violin Jmi KO từ Hàn Quốc...
Đêm nhạc còn có sự xuất hiện của nghệ nhân, nhà chế tác nhạc cụ đặc biệt Nguyễn Xuân Huy. Ông là tổng đạo diễn, sẽ dành tặng chương trình một phiên bản violin bằng sứ có thể biểu diễn được.
Với những gì được giới thiệu, Huế symphony - Bản giao hưởng Huế có nhiều yếu tố để khán giả trông đợi. Tuy nhiên, đây là chương trình dự kiến tổ chức định kỳ hằng tháng, không phải chỉ diễn ra trong một vài đêm nên cũng sẽ đối mặt nhiều khó khăn.
Thực hiện các đêm nhạc nhằm thu hút khách du lịch là hướng đi đã được nhiều đơn vị, địa phương hướng đến. Tại TPHCM, trong năm 2022 và 2023, các dự án âm nhạc cộng đồng như Thành phố tình yêu - Lively Saigon hay Có hẹn với Sài Gòn đã thu hút hàng ngàn khán giả tham dự.
Những đêm nhạc trước Nhà hát TPHCM, Bưu điện TPHCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng... vừa giúp người dân có thêm địa điểm vui chơi cuối tuần ở khu trung tâm, vừa cho du khách thấy được đời sống nghệ thuật nhộn nhịp của TPHCM.
Những chương trình này thuần mục đích phục vụ người dân, du khách nên mức độ hưởng ứng rất lớn. Tuy nhiên, vì nguồn kinh phí có hạn và nhiều yếu tố khách quan nên đến nay, các chương trình đã ngưng hoạt động.
Các nghệ nhân biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế - một phần trong đêm nhạc Huế symphony - Bản giao hưởng Huế - Ảnh do ban tổ chức cung cấp
Áp lực đường dài
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - cho biết rất trăn trở với sự phát triển của các loại hình du lịch tại địa phương. Huế là thành phố di sản với cảnh quan, đền đài, lăng tẩm đa dạng nhưng thiếu mảnh ghép của những show thực cảnh, chương trình nghệ thuật chất lượng cao.
Sự xuất hiện của Huế symphony - Bản giao hưởng Huế, nếu được thực hiện bài bản, ông tin sẽ là chương trình nghệ thuật giá trị, giúp tạo điểm nhấn cho thành phố. Tuy nhiên, những chương trình bán vé như Huế symphony - Bản giao hưởng Huế sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Những người tổ chức đêm nhạc có tầm nhìn, niềm đam mê và sự quyết tâm. Nhưng tổ chức những đêm nhạc này cũng rất rủi ro. Giống như đêm nhạc Trịnh Công Sơn trước đó, chúng tôi tổ chức hết mấy tỉ đồng, lúc đầu định bán vé, nhưng việc bán vé rất khó khăn.
Với những đêm nhạc quy mô, tôi cho rằng phải có sự chung tay của nhiều thành phần, thành tố có liên quan thì mới thành công” - ông Hoàng Việt Trung chia sẻ. Với ông, phải đi thì mới thành đường nên cứ thử, cứ nỗ lực mới biết được hiệu quả đến đâu.
Đơn vị thực hiện Huế symphony - Bản giao hưởng Huế cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện khung chương trình, luyện tập để nâng chất lượng, họ đang tích cực liên hệ với các nhà tổ chức tour du lịch để giới thiệu đêm nhạc, quảng bá về sản phẩm du lịch mới. Đại diện ban tổ chức nói họ có niềm tin nếu được sự ủng hộ từ các công ty du lịch và địa phương, dần dần chương trình sẽ được biết đến.
Hiện tại, ngay cả TPHCM cũng đang tìm cách để làm đa dạng hơn những điểm đến về đêm cho du khách. Từ Đường sách TPHCM, Bảo tàng Áo dài... đều nỗ lực để tìm hướng khai thác, nhằm tiếp tục phục vụ du khách về đêm. Tour du lịch Trăng chiến khu đã được khởi động ở di tích địa đạo Củ Chi, bước đầu trở thành điểm nhấn cho du lịch của thành phố.
Nhưng cũng giống như Huế, TPHCM vẫn thiếu các chương trình âm nhạc chất lượng để thu hút du khách đến thưởng thức. Sự thành công của lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô hay sự bền bỉ của À ố show trong 10 năm qua là kết quả của quá trình cố gắng hoàn thiện không ngừng, nhưng với thành phố thu hút du khách quanh năm như TPHCM, số lượng chương trình như thế này vẫn là chưa đủ.
An Trinh