Sơn La là nơi hội tụ của 12 dân tộc anh em, với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử. Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần bảo tồn, phát huy, nhân lên giá trị của văn hóa truyền thống các dân tộc.
Sự kiện du lịch của tỉnh mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La
Các dân tộc: Thái, Mông, Dao, La Ha, Kháng, Mường, Khơ Mú… gắn bó lâu đời với mảnh đất Sơn La, mỗi dân tộc có một nền văn hóa đặc sắc, tạo nên bức tranh văn hóa các dân tộc Sơn La độc đáo, ấn tượng, mang đậm bản sắc truyền thống và giàu giá trị nhân văn. Với mục tiêu bảo tồn văn hóa các dân tộc, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã không ngừng triển khai những giải pháp mang tính thực tiễn, hướng về cơ sở để cùng với đồng bào gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.
Giai đoạn 2011 - 2016, ngành đã phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm kê 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian. Từ năm 2012 đến nay, đã lập gần 20 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc, trong đó, đã có 17 di sản được Bộ VHTTDL công bố đưa vào danh mục quốc gia. Sơn La cùng với các tỉnh (Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái) và Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia lập hồ sơ di sản văn hóa Nghệ thuật xòe Thái trình Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phục dựng nghi lễ truyền thống của dân tộc Thái
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, cho biết: Ngành VHTTDL thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, sự phát triển của kinh tế số để bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của các dân tộc. Chú trọng công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội dân gian truyền thống, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản đại diện của nhân loại gắn với phát triển kinh tế ở các địa phương.
Ngành VHTTDL đã triển khai một số đề án, kế hoạch về bảo tồn sách chữ Thái cổ; nghiên cứu, sưu tầm 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái ở Sơn La; khảo sát, tư liệu hóa các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, chế tác nhạc cụ, một số nghi lễ, tục lệ và tổ chức các câu lạc bộ, các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc… Toàn tỉnh hiện có 2 Nghệ nhân nhân dân, 27 Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trên 70 Nghệ nhân dân gian, duy trì và phát triển hơn 2.000 đội văn nghệ quần chúng tại cơ sở, đây là những nhân tố tích cực, góp phần truyền dạy, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc.
Điệu nhảy tha kềnh của dân tộc Mông
Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Quỳnh Nhai hiện có 1 Nghệ nhân nhân dân, 8 Nghệ nhân ưu tú cùng các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được công nhận, như: Lễ hội Kin Pang Then, Lễ hội gội đầu, Tết Xíp xí của dân tộc Thái trắng; Lễ hội Xé Pang Á của dân tộc Kháng; Lễ hội Xên Pang Ả của dân tộc La Ha. Việc công nhận các di sản và vinh danh nghệ nhân đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, là động lực để bà con tích cực gìn giữ văn hóa của dân tộc mình.
Văn hóa các dân tộc giàu bản sắc cũng trở thành tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở để phát triển loại hình du lịch văn hóa gắn với cảnh quan thiên nhiên tại nhiều nơi trong tỉnh. Tiêu biểu như Mộc Châu, đã và đang khai thác, phát huy hiệu quả nét độc đáo của văn hóa truyền thống 12 dân tộc vào phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, đưa văn hóa vào các sự kiện du lịch để thu hút du khách.
Nét đẹp văn hóa dân tộc Dao được quảng bá, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh
Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu, chia sẻ: Huyện chú trọng phát triển các đội văn nghệ quần chúng, xây dựng các chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc tại các sự kiện lớn kết hợp với ẩm thực dân tộc, sản phẩm lưu niệm từ trang phục dân tộc, thổ cẩm truyền thống… để thu hút du khách đến với Mộc Châu.
Sở VHTTDL đang triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021-2030 cùng các kế hoạch về bảo tồn văn hóa, các đề án phát triển bản du lịch cộng đồng… Đặc biệt là thực hiện Kết luận số 335-KL/TU 26/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đây là cơ sở tạo động lực để các cấp, ngành, địa phương cùng chung tay triển khai hiệu quả các giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa đúng định hướng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng. Từ năm 2023 đến nay, Sở VHTTDL đã phối hợp tổ chức 5 lớp tập huấn, truyền dạy di sản văn hóa, 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bảo tồn văn hóa, 1 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý Nhà nước về du lịch cho gần 1.000 lượt học viên. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực truyền bá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Cán bộ văn hóa xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai truyền dạy điệu múa cho các cháu nhỏ
Với những giải pháp tích cực, những người làm công tác văn hóa đã và đang đóng góp công sức để giữ gìn giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường và phát huy hiệu quả, giúp văn hóa truyền thống tiếp tục được bảo tồn, phát huy đúng định hướng, góp phần phát triển văn hóa Sơn La tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thanh Đào