Khám phá nghề làm nhà bằng tre, dừa tại Cẩm Thanh (Quảng Nam)

Cập nhật: 30/08/2024
Những năm gần đây, du lịch phát triển mạnh, lượng khách tham quan đến Hội An (Quảng Nam) ngày càng đông nên nhu cầu khôi phục, xây dựng mới các ngôi nhà truyền thống, hàng quán, hàng thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu tre dừa ngày càng nhiều, nhờ đó nghề làm nhà bằng tre, dừa nước ở Cẩm Thanh có cơ hội phục hồi và phát triển.

Về Hội An (Quảng Nam) hỏi làng làm nhà bằng tre dừa, du khách sẽ được chỉ đến phía rừng dừa Bảy Mẫu ngát xanh ở xã Cẩm Thanh. Rừng dừa nay đã phát triển ra cả trăm mẫu bạt ngàn. Hiện nay ở xã Cẩm Thanh nghề dựng nhà tre, dừa vẫn được một số hộ dân duy trì và tạo ra sinh kế ổn định. Cây dừa, tre cũng tiếp tục được trồng và bảo tồn để làm du lịch.

 Vùng dừa nước Cẩm Thanh trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Đường vào xã Cẩm Thanh đi qua rừng dừa nước nhộn nhịp du khách. Với những tàu dừa to dài, chắc nịch vút lên trên mặt nước cùng với tre là nguyên liệu chính để bà con gây dựng nên làng nghề thương hiệu. Các sản phẩm truyền thống từ nguyên liệu tre và lá dừa nước mang đậm nét hồn quê Việt.

Những ngôi nhà được dựng từ tre, dừa.

Các bậc cao niên ở xã Cẩm Thanh (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, từ xa xưa, nơi đây có nghề buôn bán bằng ghe bầu, cũng chính các thương lái ghe bầu đã đưa cây dừa nước ở tận Nam Bộ về đây. Từ những rừng dừa nước dày đặc ven sông, người dân địa phương đã phát triển được nghề làm nhà bằng tre, dừa nước.

Ban đầu, người dân tự làm nên ngôi nhà cho chính gia đình mình, rồi tranh thủ thời gian nông nhàn nhận làm những ngôi nhà tre dừa cho những hộ trong làng. Dần dần, phương thức làm nhà bằng tre, dừa đã hình thành và cũng từ đó, nghề làm nhà bằng tre, dừa nước đã gắn liền với Cẩm Thanh.

Nghề làm nhà từ tre dừa Cẩm Thanh là nghề truyền thống cha ông, nhưng để sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, người đi sau phải tự mày mò, sáng tạo từ những kỹ thuật truyền thống cơ bản để sản phẩm chất lượng, thẩm mỹ hơn. Điều này đòi hỏi người thợ phải bỏ thời gian, tiền bạc để học nghề, học những mẫu mã mới, phù hợp thị hiếu khách hàng.

Khi du lịch Hội An phát triển, nhất là du lịch sinh thái, nhà lá Cẩm Thanh dần được khôi phục. Những khu resort, nhà hàng… được làm kiểu nhà lá trở thành “kiểu mẫu” trong xu hướng đầu tư các công trình phát triển du lịch. Bởi thế người dân địa phương cho rằng, nghề tre dừa Cẩm Thanh đang dần khôi phục và phát triển như hiện nay chủ yếu nhờ du lịch. 

Những quán xá, homestay được làm từ tre dừa trở thành điểm nhấn du lịch nơi đây. 

Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, để làm được ngôi nhà dừa hoàn chỉnh, người thợ phải tiến hành nhiều công đoạn phức tạp từ khai thác các nguyên liệu cần thiết đến chế biến, chế tác các nguyên, vật liệu đó thành những sản phẩm hoàn chỉnh. Nguyên liệu đầu tiên của nghề làm nhà tranh tre dừa chính là dừa nước. Mỗi năm, vào hai vụ vào tháng Giêng và tháng Sáu âm lịch, thợ làm nhà dừa thường đến vùng dừa nước Cẩm Thanh để khai thác.

Sau khi đốn dừa, những người thợ tiến hành sơ chế dừa thành những vật liệu thô để sử dụng sau này. Ngoài dừa nước, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam còn có nhiều lũy tre, do đó, tre cũng trở thành vật liệu thiết yếu khi xây dựng nên những ngôi nhà bởi tre được dùng làm cột, kèo. Các thợ thường chọn cây tre không quá non, không quá già để đảm bảo chịu lực tốt.

Các tán dừa được sắp xếp, xử lý cẩn thận để lợp mái nhà.

Trước đây, bên cạnh hai nguyên liệu chính là dừa và tre thì mây được sử dụng để buộc. Mây được những người đi núi ở phía Tây Quảng Nam và Cù Lao Chàm mang về bán tại chợ Hội An. Người thợ mua mây về vót để làm những công việc cần thiết. Nhưng ngày nay, nguyên liệu này hầu như không còn được sử dụng nữa, mà thay vào đó là cước hoặc dây nylon. 

Được biết, ngôi nhà bằng tre, dừa có ưu thế hơn các loại nhà được làm bằng các vật liệu đơn giản khác. Độ bền của loại nhà này có thể từ 15 đến 20 năm, giá thành sản xuất lại rẻ. Với ưu thế mùa Hè mát mẻ, mùa Đông ấm áp nên hiện nay, nhà bằng tre, dừa được người dân tiếp tục lựa chọn làm các hàng quán. 

Tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên, bằng sự sáng tạo, người dân nơi đây tự khai thác sử dụng lá dừa và tre làm vật liệu để làm nhà ở và các công trình kiến trúc phục vụ sinh hoạt cộng đồng, du lịch dịch vụ. Ngoài ra một số thợ nghệ nhân có tay nghề cao còn có thể làm các đồ dùng mỹ nghệ có giá trị thương mại. Từ đó, hình thành nên nghề truyền thống đặc trưng của địa phương, sự thích ứng với môi trường tự nhiên, biết tận dụng nguồn tài nguyên tại chỗ, sáng tạo sản phẩm phục vụ lại chính nhu cầu đời sống của mình, hình thành nên nghề truyền thống làm sinh kế cho nhiều gia đình tại địa phương. 

Trong những năm gần đây, khi du lịch phát triển, người dân đã tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có để làm du lịch, trong đó có du lịch sinh thái, tham quan rừng dừa, nghề làm tre, dừa với những sản phẩm du lịch rất hấp dẫn tạo điểm thu hút du khách khi đến Hội An. Từ giá trị rừng dừa mang lại, trong nhiều năm qua người dân đã có ý thức trong việc trồng dừa, bảo vệ môi trường, góp phần rất lớn trong việc duy trì nguồn nguyên liệu cho nghề tre dừa, cũng như tạo cảnh quan sinh thái đẹp mắt thu hút nhiều lượt khách đến tham quan trải nghiệm. 

Trước đó, vào tháng 2/2024 tại Quyết định số 390-QĐ/BVHTTDL Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nghề làm nhà tre, dừa ở xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc công nhận này vừa là sự tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của cộng đồng cư dân về quá trình gìn giữ, phát triển nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố bảo vệ và phát huy tốt hơn nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh nói riêng, nghề truyền thống ở Hội An nói chung.

Phương Thanh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 29/8/2024