Làng nghề trên cung đường di sản ở Quảng Nam

Cập nhật: 04/09/2024
Vùng tam giác di sản Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên với tính chất hội thủy, hội nhân chất chứa nhiều thú vị về giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống.

Đôi tay người làm gốm Thanh Hà. Ảnh: L.Q

Làng nghề bên sông

Đối diện khu phố cổ, bên kia bờ sông Hoài, làng mộc Kim Bồng với sắc thái văn hóa làng nghề khác biệt ở xứ Quảng. Làng mộc Kim Bồng đã có tuổi hơn 600 năm từ những lưu dân Việt vào khai khẩn vùng đất Cẩm Kim, thuộc huyện Hy Giang.

Qua quá trình giao lưu, làng mộc Kim Bồng đã tiếp thu truyền thống điêu khắc chạm trổ của nhiều nền văn hóa. Khi Hội An trở thành thương cảng phồn thịnh ở Đàng Trong vào thế kỷ 17- 18, làng nghề mang tính chất rõ nét phường hội với vùng Trung Châu, Phước Thắng sản xuất đồ mộc mỹ nghệ; Đông Hà, Ngọc Thành chuyên nghề mộc đóng ghe thuyền và Trung Hà, Vĩnh Thành là nơi phát nghiệp nghề mộc gia dụng.

Nằm ven tả ngạn hạ lưu sông Thu Bồn, làng gốm Thanh Hà với nơi sản xuất là xóm Nam Diêu hình thành từ thế kỷ 16 khi lưu dân Thanh Hóa theo vào xứ Quảng chọn nơi đây định cư và sinh sống bằng nghề làm gốm. Mặc dầu nguyên liệu chính vẫn là đất sét nhưng gốm Thanh Hà có khác biệt do tạo hình bằng bàn xoay chân và bí quyết nung gốm.

z5292957364630_7e967908973dd9b7c24a0da7a62b8fdc.jpg

Lửa làng nghề đúc đồng Phước Kiều vẫn rực dù qua rất nhiều thăng trầm. Ảnh: Phạm Toàn

Gốm sành thì nung trong lò bầu, còn nung sành gọi là lò xanh, lò nung gốm gọi là lò đỏ. Xưa kia chất đốt chỉ sử dụng củi rừng là cây dền, dẻ, trường, trám...

Nghệ nhân gốm Thanh Hà có bí quyết cổ truyền, tùy kinh nghiệm về thời gian và nhiệt độ nung mà tạo ra màu sắc đa dạng từ màu hồng, hồng vàng đến đỏ, gạch nâu, đen huyền. Ðiều đặc biệt là khi gõ vào sản phẩm gốm Thanh Hà sẽ cảm nhận những thanh âm trong trẻo và có biên độ âm thanh vang vọng.

Dấu ấn sống động của vùng di sản

Bên cạnh làng gốm Thanh Hà không xa, một thời từng là thủ phủ dinh trấn Quảng Nam, suốt hơn 520 năm, vùng đất Điện Bàn là tâm điểm của những giao thoa, tiếp biến văn hóa. Làng nghề đúc đồng Phước Kiều ở Điện Phương, ra đời từ buổi đầu dựng nghiệp xứ Thuận - Quảng.

Khi các chúa Nguyễn mở mang, ổn định bờ cõi, nghề thủ công đúc đồng, sản xuất đồ gia dụng phát triển. Qua bao đời hưng thịnh, làng đúc đồng Phước Kiều đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về sự tỉ mỉ, khéo léo từ việc nhồi đất, làm bìa, trổ điệu, nung khuôn, nấu đồng...

Từ những thế kỷ trước, Duy Xuyên đã nổi tiếng nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa. Ảnh: Lê Trọng Khang

Làng nghề còn có bí quyết pha hợp kim để tạo ra những sản phẩm cồng chiêng, chuông đồng nổi tiếng. Đặc biệt các nghệ nhân có trình độ thẩm âm rất tinh tế, hiểu được âm sắc từng nhạc cụ bằng đồng của dân tộc Kinh/Việt hay các dân tộc thiểu số ở miền núi.

Nằm ở phía đông Duy Xuyên, vùng đất một thời vang bóng trên bến dưới thuyền, làng Bàn Thạch có đường thủy từ sông Thu Bồn, Trường Giang, Ly Ly thông với Hội An xuôi về Cửa Đại.

Vào đầu thế kỷ 16, các tộc họ ở Duy Vinh bây giờ từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh đến địa hạt phủ Thăng Hoa xây dựng cơ nghiệp, cải tạo bãi bồi ven sông thành những cánh đồng cói, làm nên làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch. Từ đó, nơi này trở thành trung tâm buôn bán sầm uất ở vùng Thăng - Điện, với những ghe bầu trọng tải lớn, cung ứng sản phẩm chiếu cói đi khắp các nơi.

Điểm cuối trên cung đường tam giác di sản, bên cạnh kinh đô Trà Kiệu là hệ thống làng dệt Mã Châu - Đông Yên - Thi Lai, từ những thế kỷ trước đã nổi tiếng nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa, làm ra lãnh, sa nhiễu, đũi, the, đệm - những sản phẩm không thể thiếu vắng trên các thương thuyền ở con đường tơ lụa Biển Đông...

Sự sống động của nhiều làng nghề với bề dày truyền thống hơn 5 thế kỷ làm nên điểm nhấn trên cung đường di sản. Qua những thăng trầm, các làng nghề đang từng bước hồi sinh. Các nghệ nhân thực hành truyền nghề cho thợ trẻ kế thừa, giữ gìn di sản. Nhiều hoạt động trưng bày, trình diễn kỹ thuật sản xuất, làm nên những trải nghiệm độc đáo cho các điểm đến ở vùng di sản.

Những nếp sống, phong tục, tập quán, lễ hội ở các làng nghề tồn tại trong không gian văn hóa làng xã truyền thống, thu hút mạnh mẽ khách du lịch gần xa đến với văn hóa bản địa ở trục tam giác di sản Quảng Nam.

Tôn Thất Hướng

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 03/9/2024