Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo pháp luật về bảo vệ môi trường.
Không chỉ có giá trị về địa lý và lịch sử, di sản thiên nhiên còn là một nguồn tài nguyên vô giá với các giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục, môi trường, kinh tế, xã hội cùng nhiều giá trị khác có thể được lượng giá và khai thác để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các quốc gia, đồng thời đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản.
Giá trị của di sản thiên nhiên có ý nghĩa vượt khỏi ranh giới quốc gia và có ý nghĩa chung đối với nhân loại, do đó việc bảo vệ di sản thiên nhiên được duy trì hoặc tăng cường theo thời gian, đồng thời giá trị của di sản thiên nhiên được xem là căn cứ cho việc bảo vệ và quản lý hiệu quả tài sản trong tương lai.
Hệ thống các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh… là các di sản thiên nhiên. Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, trong đó, có 5 di sản văn hóa, 3 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp. Ngoài ra, UNESCO đã vinh danh 3 công viên địa chất toàn cầu, đó là Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên Địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng và Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông. Ba công viên địa chất toàn cầu này đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Với vị trí và điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, độc đáo, được biết đến là một trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng; nhiều loài hoang dã, đặc hữu quý hiếm; nhiều nguồn gen có giá trị. Tuy nhiên, những năm gần đây, các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị suy giảm với tốc độ rất nhanh.
Hiện nay, không ít điểm di sản thiên nhiên đã và đang trở thành những điểm đến thu hút một lượng lớn khách du lịch, một mặt tạo ra các tác động tích cực như tăng doanh thu, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, quảng bá giá trị di sản…, mặt khác gây ra các tác động tiêu cực như xói mòn di sản, quá tải hạ tầng, mất cân bằng sinh thái… Vì vậy, việc bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên là một trong những trách nhiệm quan trọng, yêu cầu các bên có liên quan cần có nhận thức đúng đắn và hành động kịp thời.
Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có quy định cụ thể về bảo vệ môi trường đối với di sản thiên nhiên. Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng thực hiện trong vùng lõi của di sản thiên nhiên hoặc có sử dụng đất của vùng lõi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của vùng đệm của di sản thiên nhiên phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, trong đó có đánh giá chuyên đề về tác động tới thiên nhiên, đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, ngày 11/3/2022 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1225/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức triển khai nội dung về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được Công văn trả lời của 44 địa phương, lập danh mục di sản thiên nhiên trên toàn quốc. Qua đánh giá sơ bộ kết quả tổng hợp thông tin từ các địa phương cho thấy, do nội dung quy định về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên còn khá mới nên việc triển khai chưa được rộng rãi, các thông tin cung cấp về di sản thiên nhiên chưa đầy đủ.
Để tiếp tục thúc đẩy công tác quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên tại các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và phối hợp triển khai các nội dung: Tiếp tục rà soát, tổng hợp, đánh giá và báo cáo bổ sung kết quả thực hiện các quy định pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên (được nêu tại Công văn số 1225/BTNMT-TCMT ngày 11/3/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tổ chức triển khai nội dung về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP). Thống nhất danh mục di sản thiên nhiên toàn quốc.
Căn cứ vào dữ liệu các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp và dự thảo danh mục các di sản thiên nhiên toàn quốc (tại Phụ lục kèm theo Công văn). Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo để cung cấp, bổ sung, hiệu chỉnh thông tin các di sản thiên nhiên trên địa bàn tỉnh theo Phụ lục kèm theo (gồm: Tên Di sản thiên nhiên, Tỉnh, Danh hiệu, Văn bản công nhận, Diện tích, Cơ quan chủ quản); bản sao các văn bản công nhận danh hiệu (quyết định công nhận, bằng công nhận). Đề xuất, kiến nghị của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thúc đẩy công tác quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.
Lê Dũng