(TITC) - Ngày 06/9, Hội thảo Quốc tế về Thúc đẩy Du lịch trách nhiệm gắn với Bảo vệ Thiên nhiên và Động vật Hoang dã đã diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh ITE HCMC 2024.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC
Hội thảo với mục tiêu chính là nâng cao nhận thức về du lịch trách nhiệm, đặc biệt là nói không với các sản phẩm từ ngà voi, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và động vật hoang dã.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn về biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học và sự gia tăng của nạn săn bắt động vật hoang dã. Theo WWF, quần thể động vật có xương sống trên toàn cầu đã giảm 69% từ năm 1970 đến nay, đồng thời hơn 1 triệu loài động vật và thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc tại hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng du lịch phải gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hệ sinh thái và động vật hoang dã. Ông cho rằng du lịch bền vững không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá, giữ gìn di sản cho các thế hệ tương lai. Việc không sử dụng ngà voi và các sản phẩm từ động vật hoang dã chính là một bước đi cần thiết để hướng đến mục tiêu này.
Bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Giám đốc Truyền thông WWF-Việt Nam chia sẻ, thiên nhiên là nguồn tài nguyên vô giá không chỉ đối với ngành du lịch mà còn với sự sống của loài người. Bà cảnh báo về sự suy giảm nhanh chóng của các hệ sinh thái, đặc biệt là rừng nhiệt đới - nơi trú ngụ của hơn 2/3 đa dạng sinh học trên cạn. Việc săn bắt và sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, không chỉ đẩy các loài vào nguy cơ tuyệt chủng mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến các chuỗi sinh thái.
Bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Giám đốc Truyền thông WWF-Việt Nam. Ảnh: TITC
Du lịch có trách nhiệm và bảo tồn thiên nhiên
Một trong những phần quan trọng của hội thảo là phiên thảo luận về Du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên và động vật hoang dã. Bà Phạm Lê Thảo, Phó trưởng phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đã trình bày về những nỗ lực mà Việt Nam đang thực hiện để phát triển du lịch bền vững. Bà nhấn mạnh rằng du lịch có trách nhiệm không chỉ là tránh gây hại đến môi trường mà còn là tạo ra các giá trị tích cực cho xã hội và kinh tế địa phương thông qua việc bảo tồn thiên nhiên.
Bà Phạm Lê Thảo - Phó trưởng phòng Quản lý lữ hành trình bày tại hội thảo. Ảnh: TITC
Bà Thảo cũng điểm lại những giải pháp mà Việt Nam đã triển khai trong thời gian qua. Cụ thể, việc phối hợp với các tổ chức quốc tế như WWF và GIZ trong Dự án Giảm cầu ngà voi đã giúp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của du khách. Các chương trình tập huấn cho các hướng dẫn viên du lịch và chiến dịch truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã đã góp phần quan trọng vào việc giảm nhu cầu sử dụng ngà voi tại Việt Nam.
Cẩm nang Hướng dẫn thực hành du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên và động vật hoang dã được công bố tại hội thảo đã trở thành một tài liệu quan trọng dành cho các hướng dẫn viên du lịch và doanh nghiệp lữ hành. Cuốn cẩm nang này không chỉ cung cấp những hướng dẫn chi tiết về cách thức tổ chức các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường mà còn tuyên truyền nâng cao nhận thức hướng dẫn viên về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã. Những hành vi như không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tại các điểm du lịch, đã được nhấn mạnh rõ trong cẩm nang.
Vai trò của doanh nghiệp và hướng dẫn viên trong bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã
Tại hội thảo, ông Vương Quốc Chiến, Quản lý Dự án Giảm cầu ngà voi tại WWF-Việt Nam đã chia sẻ về trách nhiệm của các doanh nghiệp du lịch đối với việc bảo vệ thiên nhiên. Doanh nghiệp du lịch cần đóng vai trò chủ động trong việc thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững, từ việc sử dụng các nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường đến việc xây dựng các chương trình du lịch tập trung vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ông Vương Quốc Chiến, Quản lý Dự án giảm cầu ngà voi, Tổ chức WWF-Việt Nam
Ông Chiến nhấn mạnh rằng doanh nghiệp cần làm việc chặt chẽ với các tổ chức bảo tồn và chính quyền địa phương để đảm bảo các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp cần thực hiện các sáng kiến như giảm sử dụng nhựa, khuyến khích khách hàng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, và đặc biệt là nói không với ngà voi.
Các hướng dẫn viên không chỉ là người truyền tải thông tin về các địa điểm du lịch mà còn là người trực tiếp hướng dẫn du khách về bảo vệ môi trường. Họ được khuyến khích không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn áp dụng các biện pháp thực tế như không xả rác, sử dụng các sản phẩm tái chế, hạn chế sử dụng nhựa và không tham gia vào các hoạt động ảnh hưởng đến động vật hoang dã.
Ngoài ra, doanh nghiệp du lịch cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững. Họ được khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn xanh, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong các cơ sở lưu trú và khuyến khích du khách tham gia vào các hoạt động bảo vệ thiên nhiên. Việc đảm bảo các tour du lịch không gây hại đến các hệ sinh thái và động vật hoang dã không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo dựng uy tín và hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp.
Câu chuyện bảo vệ môi trường ở Hạ Long
Tại hội thảo, các diễn giả đã giới thiệu một số câu chuyện thành công trong việc thực hành du lịch trách nhiệm tại Việt Nam. Như trường hợp ông LVH, một hướng dẫn viên du lịch tại Vịnh Hạ Long, cũng đã chia sẻ về việc ông khuyến khích khách du lịch tham gia vớt rác thải trong các chuyến tham quan chèo thuyền kayak tại Vịnh Hạ Long. Mỗi du khách đều được trang bị một chiếc vợt nhỏ để thu gom rác thải nổi trên mặt nước. Đây không chỉ là một hành động đơn giản nhưng mang lại hiệu quả lớn trong việc bảo vệ môi trường biển mà còn giúp du khách cảm nhận được giá trị của việc bảo vệ thiên nhiên. Theo ông LVH, việc tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo vệ môi trường khiến du khách cảm thấy hài lòng và kết nối sâu sắc hơn với thiên nhiên, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của mỗi cá nhân.
Các đại biểu cùng thảo luận tại hội thảo. Ảnh: TITC
Không chỉ dừng lại ở đó, ông LVH còn chủ động trong việc tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân địa phương về bảo vệ môi trường, thay đổi cách sử dụng các vật liệu gây hại cho môi trường. Cụ thể, ông đã tham gia vào dự án thay thế phao xốp truyền thống bằng loại phao thân thiện với môi trường, giúp người dân vẫn có thể tiếp tục mưu sinh mà không gây hại đến nguồn nước. Bên cạnh đó, ông cũng tích cực tham gia trồng cây đước ven bờ nhằm ngăn chặn sự xói mòn đất và tạo nơi cư trú cho các loài hải sản, đóng góp vào sự phát triển bền vững của hệ sinh thái ven biển.
Hướng đi trong tương lai của du lịch Việt Nam
Hội thảo đã nhấn mạnh rằng, để đạt được các mục tiêu bền vững, ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên và động vật hoang dã. Điều này không chỉ giúp bảo vệ các loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững. Các sáng kiến như xây dựng các khu bảo tồn, giáo dục cộng đồng địa phương và khách du lịch về giá trị của môi trường và đa dạng sinh học sẽ là những bước đi cần thiết.
Các đại biểu cùng nhau khởi động chương trình du lịch có trách nhiệm, thúc đẩy du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ thiên nhiên, động vật vật hoang dã nói không với ngà voi. Ảnh: TITC
Ngoài ra, việc hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch và tổ chức bảo tồn như WWF là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo thành công của các chương trình du lịch bền vững. Việc không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi mà phải đi vào hành động thực tế, thông qua các biện pháp như không mua bán ngà voi, không săn bắt động vật hoang dã và bảo vệ các khu vực sinh thái nhạy cảm, sẽ tạo ra những thay đổi tích cực và lâu dài.
Hội thảo đã khẳng định rằng ngành du lịch có trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế mà còn phải bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. Các diễn giả nhấn mạnh rằng bảo vệ thiên nhiên không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, bao gồm doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên và du khách.
Đại biểu và khách mời chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TITC
Việc nói không với ngà voi, bảo vệ động vật hoang dã và xây dựng một mô hình du lịch bền vững sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả ngành du lịch và sự tồn tại của các loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hội thảo mang đến cơ hội nâng cao nhận thức, tạo ra động lực mới cho Việt Nam trong việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và thúc đẩy các mô hình du lịch bền vững trong tương lai.
Trung tâm Thông tin du lịch