Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) hiện có 17 sản phẩm du lịch đường thủy, với 7 tuyến thường kỳ và 10 tuyến mới. Nỗ lực xây dựng du lịch đường thủy đã góp phần không nhỏ vào doanh thu hơn 108 nghìn tỷ đồng từ tổng thu du lịch trong 7 tháng qua.
Từ kết quả này cho thấy sự nỗ lực của nhiều quận, huyện trong việc đầu tư phát triển du lịch đường thủy tại các địa phương có lợi thế về sông nước.
Là một trong những địa phương được bao bọc bởi hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc, quận 7, TP.HCM hiện có 11 bến thủy dọc đường sông. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một bến được đầu tư khai thác. Trong thời gian tới, địa phương cũng định hướng thu hút nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để xây dựng thêm các bến thủy mới, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sông nước," bà Dương Thị Cẩm Hồng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận 7, TP.HCM cho biết:
"Đặc thù của quận 7 là không có những nét truyền thống hay các di tích lâu đời. Thay vào đó, quận 7 phát triển các điểm đến dựa trên những dịch vụ cao cấp, nhằm phục vụ cho phân khúc khách trung và cao cấp trở lên. Do đó, quận 7 có một hệ thống khách sạn, nhà hàng cũng như các quán ăn phục vụ du khách. Ngoài ra, quận 7 cũng đã thành lập câu lạc bộ thể thao dưới nước để phục vụ các hoạt động của địa phương."
Tàu khách quốc tế cập cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, TP.HCM
Hiện nay, tại mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng đang tận dụng lợi thế đường sông để triển khai những sản phẩm du lịch đặc trưng, nhằm tập trung khai thác và phát huy thế mạnh du lịch của từng địa phương, bà Thái Bảo Ngân - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, quận 12, TP.HCM chia sẻ.
"Chiều dài các tuyến kênh, rạch trên địa bàn quận 12 giáp với sông Sài Gòn là khoảng 11 km. Trong thời gian tới, sẽ có quy hoạch các bến thủy để phục vụ cho công tác du lịch, đặc biệt vào năm 2025, khi dự án tuyến Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên hoàn chỉnh, đó sẽ là điểm nhấn trong việc phát triển du lịch đường thủy của quận 12".
Dù có tiềm năng và lợi thế sẵn có, song du lịch đường thủy tại TP.HCM vẫn còn nhiều hạn chế. Các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm đến, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số mạnh mẽ, tạo điều kiện cho người dân và du khách tiếp cận và khám phá điểm đến một cách nhanh chóng, hiệu quả, chuyên gia du lịch bà Phan Yến Ly cho biết:
"Quan trọng là chúng ta cần phải có cảnh quan hai bên bờ, cũng như xác định được điểm đến thì mới thực sự có sản phẩm du lịch đường thủy chất lượng. Cần tăng cường thêm các sản phẩm du lịch đường thủy ở các quận, huyện còn lại, và xây dựng những sản phẩm du lịch của thành phố Hồ Chí Minh để liên kết với các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vì sản phẩm du lịch phải nằm trong mối liên kết, thì chúng ta mới có thể phát triển được. Chúng ta cần phải tiếp tục khai thác để trả về đúng giá trị cho sông Sài Gòn và các sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM".
Du khách nước ngoài hào hứng tham quan du lịch sông nước, TP.HCM
Theo ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty Thường Nhật, đơn vị vận hành khai thác buýt sông Saigon WaterBus, cũng như nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đường thủy cho rằng, thành phố muốn phát triển giao thông thủy và du lịch đường thủy, kết nối tất cả các cảnh quan sông nước, các vùng văn hóa, lịch sử của thành phố qua sông nước, và kết nối cả chương trình đất liền và biển đảo như tàu thuyền từ TP.HCM ra Côn Đảo, thì chúng ta phải giải quyết vấn đề hạ tầng. Tức là, bến thủy đặt ở đâu phải cho phép có không gian, vùng nước kỹ thuật để cấp tàu, và có không gian để hành khách dễ dàng tiếp cận bằng đường bộ để sử dụng đường thủy thì mới đạt được hiệu quả:
"Chúng ta chỉ hô hào phát huy, kế thừa di sản 300 năm Sài Gòn - TP.HCM 'trên bến dưới thuyền,' lúc nào cũng thống kê cái này, thống kê cái kia. Nhưng tôi nghĩ, nếu không thực sự phát triển những chìa khóa quan trọng như các cảng, bến một cách đầy đủ, rộng khắp và thuận tiện cho người dân, cũng như thuận lợi cho các con tàu cập vào đón trả khách, thì tất cả những điều mà chúng ta mong đợi, mong chờ sẽ còn rất lâu mới thực hiện được", ông Nguyễn Kim Toản cho biết.
Buýt sông 2 tầng (Saigon WaterGo) đưa người dân và du khách thưởng ngoạn, khám phá toàn cảnh sông Sài Gòn
Với lợi thế mạng lưới sông, kênh dày đặc, gần 1.000 km đường thủy, TP.HCM có tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch đường thủy. Từ đó, tạo điểm nhấn thu hút khách, tăng độ cạnh tranh cho du lịch TP.HCM so với các khu vực khác.
Do đó, ngành du lịch thành phố đặt mục tiêu trong năm 2024 có thêm ít nhất từ 5 đến 10 sản phẩm du lịch đường thủy mới thường kỳ và có hơn 20 phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch. Lượng khách du lịch bằng đường thủy đến TP.HCM dự kiến tăng từ 10 đến 20% so với cùng kỳ. Đồng thời, ngành du lịch sẽ nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có, tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hàng đầu của Việt Nam./.
Nguyễn Sử