Ngày 10.9, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế họp bàn công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Phải có sự phối hợp giữa hai địa phương để có cách quản lý khai thác di tích Hải Vân Quan một cách tốt nhất, trên quan điểm làm ngay, làm sớm, làm nhanh.
Sự phối hợp hai bên dựa trên nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc chủ trì, phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, tránh hình thức, chồng chéo.
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì cuộc họp tại di tích Hải Vân Quan
Theo nội dung dự thảo quy chế phối hợp, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp trong các lĩnh vực: Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; quản lý mặt bằng và không gian di tích Hải Vân Quan; thành lập tổ chức quản lý, bảo vệ di tích.
Quản lý hiện vật thuộc di tích; bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tuyên truyền, quảng bá; phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan gắn với phát triển du lịch; bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy tại di tích; quản lý trật tự an toàn giao thông; đảm bảo vệ sinh, môi trường; xây dựng các quy định quản lý nhà nước, đề án, kế hoạch…
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị hai địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã nêu ra những vấn đề còn vướng mắc để tìm phương án đảm bảo di tích Hải Vân Quan đi vào hoạt động hiệu quả, như giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, công tác phòng cháy chữa cháy, quy hoạch bãi đỗ xe, thống nhất giá vé tham quan di tích…
Du khách quốc tế thích thú tham quan di tích Hải Vân Quan
Sau khi tiếp thu ý kiến của đại diện các ban ngành liên quan hai địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi đã kết luận một số nội dung về phương án quản lý, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.
Theo đó, giao Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) và UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) là hai đơn vị quản lý trực tiếp, hình thức luân phiên 3 năm/ lần. Trong giai đoạn đầu, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức quản lý khai thác.
Giai đoạn luân phiên sẽ thành lập tổ kiểm tra giám sát các hoạt động quản lý và phát huy giá trị di sản Hải Vân Quan.
Trên cơ sở ý kiến của lãnh đạo hai địa phương, giao cho Sở VHTT Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế hoàn thiện Dự thảo kế hoạch phối hợp quản lý và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Tham mưu, xin ý kiến của Thường trực Thành ủy hai địa phương để trình Bộ VHTTDL.
Việc tổ chức bán vé cần thực hiện sớm theo đúng quy định hiện hành pháp luật để tạo cơ sở cho việc quản lý, tạo nguồn thu phục vụ di tích. Mức vé đề xuất được hai bên thống nhất từ 50.000 - 70.000đ.
Thời gian khánh thành dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 năm 2024.
Từ ngày 1.8 - 9.9.2024, di tích Hải Vân Quan đã đón 78.306 lượt khách
Về triển khai các hạng mục phụ trợ phục vụ du lịch, giao cho UBND quận Liên Chiểu sớm triển khai các hạng mục như khu vực hậu cần phục vụ khách tham quan du lịch như bãi đỗ xe, khu vực trưng bày, mua bán sản phẩm du lịch.
Tính từ ngày 1.8 - 9.9.2024, di tích Hải Vân Quan đã đón 78.306 lượt khách tham quan. Đây là con số không nhỏ sau khi di tích được tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP Đà Nẵng nỗ lực cùng nhau trùng tu tôn tạo từ cuối năm 2021, với tổng mức kinh phí hơn 42 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của hai địa phương.
Đến nay, việc trùng tu di tích cơ bản bảo đảm phục hồi, tu bổ lại một số hạng mục công trình gốc của di tích như: cổng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, cổng Hải Vân quan, nhà trú sở, hệ thống tường thành…
Bên trong nhà trú sở đã hoàn thành và treo các bảng hình ảnh, thông tin về di tích theo ngôn ngữ Việt - Anh để phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử công trình của du khách. Từ ngày đầu mở cửa, hàng nghìn người dân, du khách trong và ngoài nước đã đến di tích này để chụp ành, ngắm nhìn sự hùng vĩ của Hải Vân Quan.
Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng của hai địa phương. Sự hồi sinh của Hải Vân Quan mang lại niềm vui cho người dân hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Vì từ nhiều năm nay, di tích này luôn là điểm dừng chân lý tưởng nhất trên chặng đường từ Huế vào Đà Nẵng và ngược lại.
Ngọc Hà