Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nền văn hóa bản địa đặc sắc, được hình thành bởi những con người hào sảng, thân thiện.
Nhờ được thiên nhiên ưu đãi, nơi đây còn là vựa lúa, là vùng đất của các miệt vườn tốt tươi. Những lợi thế này là điều kiện lý tưởng để ĐBSCL phát triển du lịch cộng đồng từ nền tảng văn hóa bản địa.
Những điểm sáng
Ấn tượng của nhiều du khách về ĐBSCL là mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; những miệt vườn tươi tốt hay kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc. Tận dụng lợi thế từ tiềm năng sẵn có, các địa phương vùng ĐBSCL đã phát triển nhiều loại hình du lịch như: Văn hóa - lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, nông nghiệp - nông thôn, du lịch cộng đồng... Đến nay, tại ĐBSCL đã hình thành nhiều điểm sáng về du lịch cộng đồng với cách làm độc đáo, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.
Người dân khu du lịch cồn Hô (Trà Vinh) chào đón khách du lịch.
Đến với Cần Thơ, du khách đừng bỏ qua cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy). Dù chỉ có khoảng 80 hộ dân sinh sống trên cồn nhưng tại đây có tới hơn 40 hộ tham gia phát triển du lịch với các hình thức: Kinh doanh lưu trú homestay, nhà hàng, vận chuyển, hướng dẫn viên. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm làm bánh dân gian, thăm vườn cây ăn trái, cho cá bú bình sữa, xem cá lóc bay và thưởng thức các đặc sản như: Lẩu mắm, cá tai tượng gỏi mít, bánh xèo, bánh khọt...
Một mô hình du lịch độc đáo đã trở thành thương hiệu của Trà Vinh là cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành). Nằm giữa dòng sông Cổ Chiên, cồn Chim được biết tới nhờ mô hình du lịch thuận thiên. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Tổ trưởng Tổ hợp tác Điểm du lịch cộng đồng cồn Chim cho biết: “Du lịch thuận thiên là người dân đón tiếp khách du lịch bằng những đặc sản do chính mình nuôi trồng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng hóa chất. Ngoài ra, việc lưu trú tại cồn Chim cũng khuyến khích du khách tận hưởng không khí thiên nhiên, hạn chế sử dụng điều hòa”.
Chính thức ra mắt và đi vào hoạt động từ tháng 9/2019, Tổ hợp tác Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim nay đã có 19 thành viên. Ông Lâm Hữu Phúc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2023, nơi đây đón tiếp 22.450 lượt khách, tổng doanh thu đạt 6,75 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cồn Chim đón hơn 12.000 lượt khách trong và ngoài nước.
Một mô hình du lịch cộng đồng độc đáo khác ở ĐBSCL phải kể đến là Homestay Út Trinh (ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Du khách sẽ phải lòng điểm đến này bởi không gian mộc mạc đậm chất miền Tây của thiên nhiên chan hòa và không khí mát rượi từ những làn gió ngoài sông Long Hồ thổi vào. Buổi tối, du khách có dịp được trở về với tuổi thơ khi toàn bộ ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi tắt hết các thiết bị chiếu sáng và chỉ dùng đèn dầu. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức những giai điệu, lời ca da diết của nghệ thuật đờn ca tài tử, sau đó đi dạo, khám phá cù lao về đêm hay chơi các trò chơi dân gian.
Nhờ gìn giữ nếp sống, phong tục và bản sắc văn hóa địa phương, Homestay Út Trinh được Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) tặng giải thưởng ASEAN Homestay standard 2017-2019. Đây là giải thưởng danh giá cho những homestay đạt chất lượng dịch vụ tốt và có tính kết nối cao với cộng đồng. Điều này được thể hiện qua việc 100% người làm việc tại chuỗi Homestay Út Trinh đều là dân địa phương.
Khai thác bền vững những mỏ vàng
Với tiềm năng dồi dào, phong phú về thiên nhiên và văn hóa, người dân các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã biết tận dụng, khai thác mỏ vàng này để biến thành động lực phát triển kinh tế. Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Lê Thanh Phong cho rằng: “Các mô hình du lịch cộng đồng có sự kết hợp giữa sản xuất, canh tác nông nghiệp với phát triển du lịch đã mang lại hiệu quả cao, qua đó không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn mang lại nguồn sinh kế ổn định, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Các mô hình này đã trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng của từng địa phương, góp phần đa dạng hóa và tránh tình trạng trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương của ĐBSCL”.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, ĐBSCL đón gần 30 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng 11,2% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 34,8 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp lữ hành, mặc dù du lịch ĐBSCL có sức hấp dẫn rất lớn nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều du khách từ miền Bắc. Nguyên nhân là do công tác quảng bá xúc tiến điểm đến của các địa phương chưa tốt. Hơn nữa, những tháng đầu năm 2024, giá vé máy bay (vốn chiếm khoảng 40-50% giá tour) tăng vọt đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành lẫn khách du lịch. Vì vậy, Tổng giám đốc Công ty Tràng An Travel Nguyễn Hữu Cường cho rằng, các bên liên quan như ngành du lịch, chính quyền địa phương, các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành cần ngồi lại với nhau để có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đưa ra được giá vé tốt nhất, từ đó giảm giá tour, đồng thời kích cầu du lịch, hướng đối tượng khách ở khu vực phía Bắc và Hà Nội đến với ĐBSCL.
Bà Nguyễn Thị Vân, Phó giám đốc Công ty TNHH AiTravel cho biết: “Thời gian gần đây, có sự dịch chuyển khách du lịch từ các điểm đến truyền thống như Hà Nội, Sa Pa, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh... đến với ĐBSCL. Thị trường khách tăng trưởng mạnh nhất là Nhật Bản, bởi họ yêu thích những nơi giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Vì thế, các địa phương và cộng đồng cần bảo tồn, gìn giữ văn hóa, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên để có thể khai thác dòng khách có mức chi tiêu cao này”.
Bài và ảnh: Mộc Lam