Mặc dù còn hoang sơ, nhưng không kém phần thơ mộng, đến với suối Đăk Lôi, du khách có thể thỏa thích ngắm vẻ đẹp kỳ vĩ, độc đáo mà thiên nhiên ban tặng.
Nằm ở địa phận thôn Kon Jong, xã Ngọc Réo của huyện Đăk Hà, nhưng suối Đăk Lôi chỉ cách thành phố Kon Tum chừng 15km. Với vị trí địa lý khá thuận lợi, nên suối Đăk Lôi dần được nhiều người biết đến, đặc biệt là các “tín đồ” yêu thích loại hình du lịch trải nghiệm. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, suối Đăk Lôi đã đón gần 5.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Để tìm hiểu rõ hơn về con suối này, tôi đã quyết định tự mình đến và chứng kiến vẻ đẹp thơ mộng của suối Đăk Lôi.
Xuất phát từ thành phố Kon Tum, sau khoảng 30 phút chạy xe máy, tôi đã có mặt tại thôn Kon Jong để tiến vào suối Đăk Lôi. Đường đi đẹp, nên việc di chuyển vào suối khá thuận tiện. Trên đường đi, tôi gặp được khá nhiều nhóm di chuyển bằng ô tô vào vùng ven suối.
Du khách đến với suối Đăk Lôi. Ảnh: T.T
Từ thôn Kon Jong đi vào, tôi có thể cảm nhận được những thay đổi đáng kể bởi cảnh vật và không khí nơi đây. Dần tiến vào trong, sự oi bức giữa trưa cũng dần biến mất. Thay vào đó là sự mát mẻ, khoan khoái, xen lẫn với chút ẩm ướt trong không khí, có thể cảm nhận được qua làn da mình. Xung quanh khu vực ven suối, là những cây rừng cao, mọc nối tiếp nhau, rợp bóng mát cả một khu vực.
Để hiểu rõ hơn về suối Đăk Lôi, tôi đã liên hệ với già A Lát (thôn Kon Jong) để đồng hành trong chuyến đi này. Vừa đi, già A Lát vừa chia sẻ: “Suối Đăk Lôi, theo tiếng bà con Xơ Đăng có nghĩa là suối có nhiều cây mai vàng. Bởi xung quanh khu vực này không khí mát mẻ, lại có dòng nước mát lạnh chảy quanh năm nên cây mai phát triển rất nhiều. Trước đây, mai mọc san sát, trải dài ven bên bờ suối. Cứ mỗi mùa Xuân về, hoa mai nở rộ, vàng rực cả con suối”.
Tuy nhiên theo thời gian, vì lợi ích kinh tế, một số người từ nơi khác đến đã “đánh” hết cây mai đi để buôn bán. Đến bây giờ, mai mọc bên bờ suối hầu như đã không còn. Đây cũng là một trong những niềm tiếc nuối của bà con, vì đã không giữ được cây mai cho khu vực có dòng suối này.
Bà con Xơ Đăng giữ gìn văn hóa truyền thống, phát triển du lịch. Ảnh: T.T
Cuốc bộ thêm tầm vài trăm mét, chúng tôi đã đến được tới suối Đăk Lôi. Ấn tượng đầu tiên của tôi chính là con suối này thật đẹp! Suối Đăk Lôi tựa như một nàng “công chúa” đang ngủ say. Nơi đây có khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, với những thác nước nhỏ. Vẻ đẹp của suối Đăk Lôi có lẽ chính là sự kết tinh giữa nét đẹp tự nhiên và không khí trong lành. Khu vực xung quanh suối chủ yếu là rừng với những cây lớn tầm hai người ôm. Dọc theo con suối, có rất nhiều tảng đá lớn với đủ mọi hình dạng, kích thước, được thiên nhiên tạo tác. Du khách đi bộ có thể ngồi nghỉ trên những tảng đá lớn hoặc ăn uống, ngắm nhìn dòng suối thơ mộng chảy cũng là một trải nghiệm hết sức thú vị.
Trong không khí trong lành, tôi có thể nghe được đủ loại âm thanh, đó là tiếng nước suối róc rách chảy, tiếng chim hót líu lo, tiếng cành lá lao xao, tiếng gió vi vu. Tất cả dường như hợp thành một bản “nhạc rừng” làm say đắm lòng người.
Suối Đăk Lôi bắt nguồn từ những mạch nước ngầm thuộc huyện Kon Rẫy. Dòng nước đoạn tôi đến tham quan chảy êm ả, uốn lượn như một dải lụa trắng. Nước chảy len vào giữa những khe đá tạo nên tiếng róc rách vui tai. Đối với những người thích khám phá, việc di chuyển dọc theo con suối có lẽ sẽ mang đến những trải nghiệm hết sức đặc biệt. Bởi mỗi một khu vực, suối Đăk Lôi có những cảnh sắc riêng. Bên cạnh đó, suối Đăk Lôi cũng có rất nhiều chỗ tắm. Dòng nước sạch, không quá sâu, vậy nên mỗi khi trời nóng bức, suối Đăk Lôi thu hút nhiều người đến đây tắm, đắm mình trong dòng nước, thưởng ngoạn cảnh núi rừng.
Từng thời điểm trong năm, suối Đăk Lôi mang trong mình những nét đặc trưng riêng. Vào mùa nắng, dòng nước êm ả, nhẹ nhàng, mang cho ta cảm giác dịu dàng, đằm thắm, cuốn hút. Con suối như dẫn dắt ta hòa mình với thiên nhiên, đưa ta đến những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, vào mùa mưa, tiếng nước suối chảy ầm ầm có thể vang vọng cả một khu vực. Nước đập vào những tảng đá lớn tạo nên những bọt trắng xóa, tung tóe khắp nơi. Lúc này, dòng suối Đăk Lôi mạnh mẽ, kỳ vĩ, tựa như vùng đất, thiên nhiên và con người nơi đây.
Ra mắt Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ, du lịch Ngọc Réo. Ảnh: T.T
Già A Lát bật mí: “Từ bao đời nay, suối Đăk Lôi đã gắn liền với đời sống, sinh hoạt của bà con Xơ Đăng trên mảnh đất này. Từ con suối Đăk Lôi, bà con có cái để uống, có con cá để ăn, có nước để sinh hoạt hằng ngày. Cũng chính vì thế, bà con luôn trân quý, giữ gìn và bảo vệ suối Đăk Lôi. Bà con luôn có ý thức trong việc bảo vệ cây cối, không chặt cây, đốn rừng, giữ gìn cảnh quan môi trường và nguồn nước nơi đây. Đến hiện tại, suối Đăk Lôi đã và đang trở thành điểm thu hút khách du lịch. Bà con cũng dựa vào con suối để mở thêm các loại hình dịch vụ, phục vụ du khách”.
Theo định hướng của địa phương, UBND xã Ngọc Réo đã và đang quy hoạch suối Đăk Lôi trở thành điểm du lịch. Vừa qua, xã vận động các thôn, làng trên địa bàn xây dựng các chòi dọc theo suối Đăk Lôi để đón khách. Các căn chòi được xây dựng theo hình thức truyền thống của bà con, với các vật liệu như tre, nứa, lồ ô, lá tranh. Hiện dọc suối Đăk Lôi đã có khoảng 20 chòi. Đồng thời, xã cũng kêu gọi bà con thành lập các tổ du lịch (tổ giữ xe, tổ ẩm thực, tổ làng nghề truyền thống, tổ xây dựng cảnh quan…) để phục vụ du khách.
Bà Phạm Thị Mây - Chủ tịch UBND xã Ngọc Réo thông tin: Hiện, huyện Đăk Hà đã có chủ trương, chỉ đạo xã phát triển du lịch tại suối Đăk Lôi nói riêng và thôn Kon Jong nói chung, để trở thành làng du lịch cộng đồng. Tại đây, bà con vẫn còn lưu giữ các giá trị truyền thống qua bao thế hệ (dệt thổ cẩm, rượu ghè, nhà rông…) có thể phục vụ cho phát triển du lịch. Thời gian qua, địa phương cũng tích cực tuyên truyền, định hướng cho bà con dựa vào thế mạnh của mình về phát triển du lịch để tăng thu nhập.
Tất Thành