Để phát triển du lịch bền vững, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, từng bước đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Lễ hội đền Thính, thị trấn Tam Hồng được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo người dân và du khách tới tham quan, chiêm bái. Ảnh: Kim Ly
Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, Yên Lạc còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị. Trên địa bàn huyện có 226 di tích, trong đó, có 11 di tích quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh, 115 di tích chưa được xếp hạng nằm trong danh mục kiểm kê. Tháp gốm men chùa Trò (xã Yên Phương) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) công nhận là bảo vật quốc gia.
Gắn liền với di tích là các lễ hội truyền thống. Hiện nay, huyện Yên Lạc có 52 lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên, trong đó, có 4 lễ hội được nhân dân địa phương tổ chức quy mô, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự gồm Lễ hội đền Thính (thị trấn Tam Hồng), Lễ hội đền Gia Loan - chùa Biện Sơn (thị trấn Yên Lạc), Lễ hội đền Tranh (xã Trung Nguyên), Lễ hội đình Trung Hà (xã Trung Hà).
Các lễ hội được tổ chức góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết cho nhân dân, là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ.
Huyện Yên Lạc có 8 làng nghề thủ công truyền thống, gồm làng chế biến tơ nhựa Tảo Phú (thị trấn Tam Hồng); làng mộc truyền thống Lũng Hạ (xã Yên Phương); làng tái chế nhựa Đông Mẫu, làng chế biến bông vải sợi truyền thống thôn Gia (xã Yên Đồng) và các làng nghề mộc truyền thống Vĩnh Đoài, Vĩnh Trung, Vĩnh Đông, Vĩnh Tiến (thị trấn Yên Lạc).
Hiện nay, huyện duy trì và phát triển các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như chầu văn, hát chèo, dân ca... Với tài nguyên di sản phong phú, đa dạng, huyện Yên Lạc có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng…
Để phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, những năm qua, huyện Yên Lạc đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa được quan tâm triển khai. Nhiều di tích bị hư hỏng, xuống cấp được tu bổ, tôn tạo như đình Chi Chỉ, chùa Khánh Hưng (xã Đồng Cương), đình Thụ Ích (xã Liên Châu), chùa Nghinh Tiên (xã Nguyệt Đức)…
Hằng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng các di tích đủ điều kiện theo quy định. Các xã, thị trấn trên địa bàn thành lập Ban Quản lý di tích; các thôn, tổ dân phố thành lập Tiểu ban quản lý di tích làm nhiệm vụ trông coi, bảo vệ di tích, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại di tích, trộm cắp cổ vật, không để xảy ra hỏa hoạn tại di tích.
Ngành Văn hóa huyện phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội, đảm bảo các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, tiết kiệm. Các lễ hội được tổ chức với quy mô ngày càng lớn, có nét mới, song vẫn đảm bảo nội dung, ý nghĩa truyền thống, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng tâm linh của người dân.
Ngoài việc thực hành nghi lễ truyền thống, các địa phương còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như vật dân tộc, đẩy gậy, kéo co, bịt mắt đập niêu… tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút người dân và du khách tham gia lễ hội.
Huyện Yên Lạc khuyến khích các địa phương phát triển du lịch làng nghề, đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa, mua sắm sản phẩm của làng nghề.
Phối hợp với Sở VHTTDL, các đơn vị liên quan thực hiện đầu tư các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, của huyện như Dự án xây dựng Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện; Dự án tu bổ, tôn tạo đền Thính; thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, giai đoạn 2023 - 2030”.
Đặc biệt, việc triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu được kỳ vọng sẽ đưa Đồng Đậu trở thành một trung tâm văn hóa, lịch sử, quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng bậc nhất trong lịch sử buổi đầu dựng nước của dân tộc.
Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Lạc Nguyễn Thị Hải cho biết: "Với việc triển khai nhiều giải pháp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của huyện được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống hiện đại. Di sản văn hóa dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách. Đặc biệt, vào dịp đầu năm, du khách từ khắp mọi nơi đổ về tham dự các lễ hội lớn như Lễ hội đền Thính, Lễ hội đền Gia Loan - chùa Biện Sơn...
Mỗi năm, huyện Yên Lạc đón khoảng 50 nghìn lượt du khách đến thăm quan. Du lịch phát triển góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên, huyện chưa khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch. Lượng du khách đến Yên Lạc vẫn còn ở mức khiêm tốn. Huyện chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; các sản phẩm, quà tặng du lịch đơn điệu, thiếu hấp dẫn; các loại hình dịch vụ du lịch thiếu đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách".
Để thúc đẩy du lịch của huyện phát triển, cần tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị di sản, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, phát huy giá trị của di sản.
Phối hợp với các đơn vị mở lớp tập huấn về quản lý di tích cho cán bộ văn hóa cấp huyện, xã và người trực tiếp trông coi di tích; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu các điểm đến, dịch vụ du lịch của huyện trên các nền tảng số để thu hút du khách. Qua đó, góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy du lịch phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Bạch Nga