Đi du lịch đem quà về, đó là quan niệm chung của nhiều người, mà trong những điều mới lạ mang về sau một chuyến đi xa thì đồ lưu niệm là dòng sản phẩm gây ấn tượng nhất. Đây là vấn đề để ngành “công nghiệp không khói” cần xem xét đầu tư, tạo sức cuốn hút, hấp dẫn du khách khi đến với từng vùng đất…
Những món quà lưu niệm cần thể hiện được tính chất văn hóa điểm đến
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk chia sẻ, trong các giải pháp giúp phục hồi ngành du lịch tỉnh sau dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế, hướng tới vận động đầu tư, khai thác tốt mảng quà lưu niệm cho du khách là một lựa chọn cần thiết. Lợi thế của Đắk Lắk là có nhiều địa hình, địa vật, điểm đến hấp dẫn, đi kèm những sản vật tự nhiên, màu sắc văn hóa các dân tộc anh em, đặc biệt về đặc sản nông nghiệp, thì tại sao địa phương không dựa vào đó, hình thành những chuỗi sản phẩm lưu niệm giá trị?
Bài học về quà lưu niệm đầu tiên, theo ông Thái Hồng Hà chia sẻ, nhân một lần du lịch Thái Lan, có bạn trẻ cơ quan mang về tặng ông một tấm khăn lụa dệt hình voi chúc phúc. Tự nhiên, ông liên tưởng đến hiện trạng du lịch voi ở Tây Nguyên, cần thay đổi những hoạt động khai thác voi, tạo sự thân thiện giữa du khách với môi trường và các đàn voi. Du khách đến với du lịch voi, đâu cần phải cưỡi voi hay xem voi diễn xiếc. Họ cần được tìm hiểu, tiếp nạp thông tin về loài voi và những định hướng bảo tồn nuôi dưỡng đàn voi. Vậy nên, những món quà lưu niệm như tượng hình voi, vật dụng khắc hình voi, rồi các loại áo quần dệt truyền thống có hình voi… chắc chắn sẽ phù hợp với du khách. Chính lĩnh vực quà lưu niệm là những “đại sứ du lịch” âm thầm để giới thiệu, níu giữ và mời gọi du khách đến với những vùng đất như Tây Nguyên.
Đặt mình vào vị trí một du khách đến Đắk Lắk, rõ ràng người ta không thuận tiện để mang theo những vật phẩm nặng nề, lại càng không dễ xách theo thùng sầu riêng, bịch cafe. Nếu có thể thay thế các vật phẩm hàng hóa bằng quà lưu niệm, lựa chọn của du khách sẽ dễ hơn nhiều. Người ta có thể mua hàng chục cái móc khóa đơn giản bằng cao su đúc hình quả sầu riêng hay vài khối chặn giấy, hộp danh thiếp… hình nhà rông. Đơn giản vì giá của những món quà lưu niệm này không hề cao và có thể mang theo, tặng bất kỳ ai mà không bị từ chối.
Ông Thái Hồng Hà cho rằng, vùng đất nào, sẽ có món quà đó. Ngoài những danh thắng, những món ăn ẩm thực đặc sắc, du khách sẽ chỉ lưu lại với chính họ những tấm ảnh chụp và những món quà lưu niệm cầm theo. Cho nên, đầu tư vào quà lưu niệm là cách thức khôn khéo để ngành Du lịch hấp dẫn du khách đến với mình.
Cùng quan điểm, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở VHTT Thừa Thiên Huế nhận xét, bất kỳ ai đến với nơi nào, khi rời đi cũng muốn mang theo vật dụng kỷ niệm hay món quà nào đó. Nên địa phương nào càng có được hệ thống quà lưu niệm có tính đặc trưng cao, phong phú, địa phương đó càng có cơ hội tiếp cận và níu kéo du khách. Quan trọng là quà lưu niệm cần phải thể hiện được nét văn hóa, đặc điểm đáng nhớ của vùng đất du lịch, càng đậm màu sắc truyền thống càng giá trị nhưng không nên quá đắt đỏ, cầu kỳ khiến du khách ngần ngại khi muốn mua.
Từ một chiếc nón bài thơ Huế, đến một bộ áo dài ngũ thân truyền thống, người Huế dễ giới thiệu những đặc điểm, bản sắc quê hương mình một cách ý vị thanh tao. Người dân phố cổ Hội An, hay ở thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) cũng sẽ thuận tiện ghi khắc cho du khách hình ảnh vùng đất của mình, nếu được đầu tư nghiêm túc vào quà lưu niệm, những món đồ rất giản đơn, hợp túi tiền song ẩn chứa bên trong là thật nhiều câu chuyện.
Ông Thái Hồng Hà cho biết, hơn 3 năm sau đại dịch Covid-19, ông đã cùng các cộng sự, doanh nghiệp du lịch địa phương nghiên cứu, kết nối những đầu mối làm quà lưu niệm, vật phẩm lưu ký về rừng núi và sản vật Tây Nguyên, để thiết kế một hệ thống quà lưu niệm phong phú độc đáo. Đi kèm những món quà đó, học tập từ các nước bạn, ngành Du lịch Đắk Lắk sẽ xây dựng những kịch bản, cốt truyện, lồng ghép vào đó, để hấp dẫn du khách muốn sở hữu quà lưu niệm và mang về.
“Cần đầu tư xứng đáng vào quà lưu niệm, đó là cách chúng ta khắc một dấu ấn ghi nhớ trong lòng du khách”, ông Phan Thanh Hải chia sẻ và hy vọng sẽ có thể cùng các nhà nghiên cứu Huế, các nghệ nhân Huế, thực sự quan tâm, chế tác nên những biểu tượng, mẫu vật quà lưu niệm liên quan đến văn hóa chốn kinh kỳ triều Nguyễn. Khi những chén cơm hến Huế được biến thành biểu tượng móc khóa, hay một ấm trà thơm đặt trên chiếc khay hình sông Hương núi Ngự, rõ ràng giá trị của những món quà lưu niệm sẽ rất khác và giá trị đem lại cho du khách sẽ rất lớn.
Tạ Dũng - Nguyên Đức