Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất Phước Sơn, đặc biệt là Cồn Chim, một vẻ đẹp nguyên sơ và quyến rũ, hứa hẹn trở thành điểm đến đầy hấp dẫn cho du khách yêu thích du lịch sinh thái. Nắm bắt cơ hội này, anh Trần Trọng Nghĩa (36 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Phước Sơn) cùng vợ là chị Hồ Thị Thân Thương (34 tuổi) đã lập ra Hợp tác xã Thương mại & Dịch vụ Cồn Chim Xanh. Với ý tưởng phát triển du lịch cộng đồng, họ từng bước thu hút du khách đến tham quan và khám phá mảnh đất bình yên này.
Cồn Chim, một xóm nhỏ thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (Bình Định) nằm ẩn mình giữa vùng đầm nước mênh mông và rừng ngập mặn. Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài chim như diệc, cò, le le, sếu… Trước đây, để đến Cồn Chim, du khách phải nhờ người dân địa phương hướng dẫn hoặc tự tổ chức chuyến đi. Giờ đây, khi nghĩ đến việc tham quan vùng đất này, nhiều người đã biết ngay đến Hợp tác xã (HTX) Thương mại & Dịch vụ Cồn Chim Xanh, nơi cung cấp những dịch vụ du lịch chất lượng và chuyên nghiệp.
Du khách ngắm cảnh sông nước dưới những tán rừng ngập mặn. Ảnh: DNCC
Khởi nguồn từ ý tưởng của người thầy giáo trẻ
Chị Hồ Thị Thân Thương, Giám đốc HTX Thương mại & Dịch vụ Cồn Chim Xanh, chia sẻ: “Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Văn hóa Nghệ thuật Bình Định, chồng tôi - anh Nghĩa - đã may mắn được phân công giảng dạy môn âm nhạc tại điểm trường ở Cồn Chim, thuộc Trường Tiểu học số 2 Phước Sơn. Mỗi lần theo đò vượt đầm Thị Nại để ra Cồn Chim, anh luôn trầm trồ khen ngợi cảnh sắc nơi đây, bởi vẻ đẹp tiềm ẩn và tiềm năng phát triển du lịch to lớn”.
Ấp ủ ý tưởng phát triển du lịch sinh thái, đến cuối năm 2021, vợ chồng chị Thương quyết định đầu tư 100 triệu đồng đóng một chiếc thuyền composite để chở khách tham quan. Năm 2022, họ tiếp tục “rót” thêm 300 triệu đồng để mua một chiếc ca nô 20 chỗ và hoàn tất các thủ tục thành lập HTX Thương mại & Dịch vụ Cồn Chim Xanh với 12 thành viên. Dù ban đầu chỉ có một nhóm nhỏ, nhưng họ nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ cộng tác viên là những người dân địa phương, đảm nhận việc chèo thuyền, hướng dẫn du khách khám phá và giới thiệu về vùng đất thân yêu.
Chị Thương chia sẻ thêm: “Các tour do HTX cung cấp rất đa dạng, từ tham quan trong ngày đến nghỉ qua đêm. Du khách có thể ngắm chim bay về cồn, khám phá cuộc sống của ngư dân, hoặc chèo SUP xuyên rừng ngập mặn. Nếu đăng ký qua đêm, chúng tôi tổ chức chương trình cắm trại, nghe bài chòi cổ trên đầm hay chèo SUP đường dài, kèm theo các bữa ăn đặc sản”.
Những ấn tượng khó quên về Cồn Chim
Một trong những du khách từng trải nghiệm dịch vụ của HTX là bà Nguyễn Thị Ba (62 tuổi, TP Hồ Chí Minh). Bà xúc động chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều vùng biển ở Bình Định, nhưng khi nghe giới thiệu về đầm Thị Nại và Cồn Chim, tôi không thể bỏ lỡ. Cồn Chim không chỉ đẹp mà còn mang lại nhiều cảm giác mộc mạc, gần gũi. Mọi thứ từ cảnh sắc đến con người đều rất chân thực, khiến cả gia đình tôi đều muốn quay lại”.
Để đạt được sự yêu mến và tin tưởng của du khách, anh Trần Trọng Nghĩa cho biết bản thân anh cùng các thành viên trong HTX đều nỗ lực không ngừng để học hỏi và hoàn thiện kỹ năng phục vụ. Họ đều là những người “tay ngang” khi bước chân vào lĩnh vực du lịch, nhưng với niềm đam mê và tinh thần sáng tạo, mỗi tháng HTX đã phục vụ từ 18 đến 22 đoàn khách từ khắp nơi trên cả nước. Thu nhập của mỗi thành viên HTX hiện đạt khoảng 250 nghìn - 300 nghìn đồng/ngày, con số này sẽ còn tăng khi lượng khách đến Cồn Chim ngày càng nhiều.
Ông Huỳnh Văn Biên, Trưởng thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, chia sẻ: “HTX Thương mại & Dịch vụ Cồn Chim Xanh đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho địa phương. Không chỉ giúp quảng bá hình ảnh của xã Phước Sơn mà còn tạo thêm việc làm, hỗ trợ người dân có thêm thu nhập”.
Khám phá đời sống ngư dân. Ảnh: DNCC
Góp phần phát triển du lịch Tuy Phước
Phát triển du lịch bền vững luôn là mục tiêu hàng đầu của huyện Tuy Phước. Theo ông Huỳnh Thanh Trang, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Phước, huyện đã xây dựng chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII về phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương.
Để đạt được mục tiêu này, huyện Tuy Phước đã đề ra nhiều giải pháp, bao gồm đổi mới nhận thức và tư duy về du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như cộng đồng phát triển. Đồng thời, huyện còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá và xúc tiến du lịch, xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp phục vụ cho ngành.
Ông Trang đánh giá cao mô hình HTX Thương mại & Dịch vụ Cồn Chim Xanh: “HTX này không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn mà còn giúp người dân địa phương hiểu rõ hơn về việc bảo vệ môi trường. Giữ gìn môi trường sinh thái chính là bảo vệ nguồn thu nhập bền vững cho chính họ. Những cá nhân dám nghĩ, dám làm như anh Nghĩa, chị Thương rất cần được khuyến khích và nhân rộng. Để phát triển du lịch, chúng tôi mong muốn có thêm nhiều đơn vị năng động sáng tạo như HTX Cồn Chim Xanh”.
Mô hình HTX Thương mại & Dịch vụ Cồn Chim Xanh là minh chứng sống động cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của người trẻ, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của du lịch Tuy Phước.
Xuân Vinh