Mạnh dạn sáng tạo để phát triển du lịch đêm

Cập nhật: 18/09/2024
Du lịch đêm, kinh tế đêm thời gian gần đây đã trở thành mục tiêu phát triển của một số địa phương, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, ở ĐBSCL, ngoại trừ TP. Phú Quốc có mô hình du lịch đêm phát triển sầm uất thì hầu như các tỉnh/thành khác đều rất nhạt và thiếu sức sống...

Thiên đường nghỉ dưỡng hàng đầu Tây Nam Bộ là TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ban ngày, Phú Quốc mê hoặc bởi những bãi biển xinh đẹp dọc hệ thống khách sạn. Ban đêm, phố sá rực sáng với chuỗi dịch vụ đẳng cấp quốc tế như: nhạc nước, casino, trang sức thời thượng, ẩm thực, lễ hội… Tất cả đều hoạt động liên tục 24/24 giờ, tạo nên vòng quay không nghỉ và tràn đầy năng lượng như các thành phố không ngủ nổi tiếng trên thế giới...

Khác với Phú Quốc, du lịch đêm của các tỉnh/thành khác đều “ngủ sớm” khi chỉ hơn 21h. Chị Đỗ Nguyễn Minh Ngọc, ngụ quận Ninh Kiều, công tác trong lĩnh vực ngoại vụ nên thường xuyên đón tiếp bạn bè, người thân đến tham quan TP. Cần Thơ.

Nếu ban ngày, chị Ngọc có nhiều sự lựa chọn tham quan vườn trái cây, trải nghiệm du lịch cộng đồng, nghe đờn ca tài tử, chơi trò chơi dân gian và thưởng thức đặc sản miệt vườn… thì về đêm chỉ có thể lòng vòng quán xá, uống cà phê rồi… về ngủ: “Tối ở đây thì cũng đi chợ đêm, ăn món ăn đường phố rồi cà phê, đi hóng gió ở cầu đi bộ vậy thôi. Bạn bè ở xa lâu lâu tới du lịch, ở lại đêm thì mình cũng không biết dắt đi đâu. Vài năm nay thấy buổi tối ở bến Ninh Kiều cũng có đờn ca tài tử rồi văn nghệ này kia nhưng mình thấy chưa đặc sắc”.

Thành phố Cần Thơ về đêm được nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp lại trong các sự kiện lễ hội

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc công ty Tân Đại Phong (nhà đấu thầu thành công khu chợ đêm ẩm thực tại đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), hiện tại đang có 200 gian hàng đang bày bán được các tiểu thương thuê lại và trả tiền hằng tháng cho công ty của ông. Cách đây 2 năm, TP. Cần Thơ triển khai thực hiện “Đề án Phát triển kinh tế ban đêm”, thí điểm tại quận Ninh Kiều, đã tạo nhiều thuận lợi cho việc vui chơi, giải trí của người dân địa phương lẫn du khách.

Tuy nhiên, khu ẩm thực Trần Phú (điểm nhấn chính của du lịch đêm Cần Thơ) vẫn chưa tạo nên làn gió mới so với những khu vực khác bởi hoạt động rất cầm chừng, ban đêm dọn ra, ban ngày thì cuốn sạp. Ông Phong cho biết thêm: “Đòi hỏi các gian hàng phải cố định trên vỉa hè, không dì dời vô ra, bởi các mặt hàng đó bán rất chậm, muốn phát triển có thương hiệu thì phải có tính chất bền vững. Nên đổi mô hình chợ đêm thành tuyến phố du lịch thì mới phát triển kinh tế. Tuyến phố này nó đa dạng các sản phẩm như là: Hàng lưu niệm, đặc sản, ăn uống giải khát để cho khách người ta có cái điểm mà mua”.

Tại TP. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), TP. Bến Tre (tỉnh Bến Tre), TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đều có mô hình kinh tế ban đêm nhưng chủ yếu cũng chỉ là chợ đêm, mua bán các mặt hàng quần áo thời trang, giày dép, thức ăn vặt… nhưng nhiều nơi cũng đã ghi nhận tình trạng ế ẩm kéo dài, tiểu thương trả mặt bằng, nghỉ bán.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL, việc giữ chân du khách chi tiêu loại hình du lịch đêm là mục tiêu chiến lược với ngành du lịch Việt Nam. Trên thực tế, nhiều địa phương đã bắt đầu khai thác sản phẩm du lịch đêm nhưng chỉ dừng lại ở hoạt động văn hóa, vui chơi tại khu vui chơi quy mô lớn, hoạt động ẩm thực tại chợ đêm, quán bar. Các địa phương còn thiếu quy hoạch rõ ràng về không gian và thời gian của các dịch vụ đêm. Cạnh đó, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng phát triển du lịch đêm.

Tại TP.HCM, hoạt động ban đêm mạnh mẽ nhất ở quận 1, chủ yếu ở chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện. Hay các tour du lịch khám phá trung tâm thành phố, trải nghiệm xe buýt hai tầng, tour “Vọng Nguyệt” trên dòng kênh Nhiêu Lộc, du lịch kết hợp với ẩm thực trên các tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn.

Còn tại ĐBSCL, cũng nên “táo bạo” để đưa vào những sản phẩm đột phá cho du lịch đêm, một ví dụ được ông Hiệp “hiến kế” cho du lịch đêm Cần Thơ: Nếu Bến Ninh Kiều, Nhà lồng Cổ, chợ đêm Ninh Kiều được chọn thí điểm thì phải đầu tư cho tốt. Nếu chúng ta để ý thì thấy cảnh quang đẹp dọc theo sông Hậu, sông Cần Thơ hiện nay đang bị cắt khúc. Nếu được đầu tư từ chợ nổi Cái Răng đến Bình Thủy và ở nơi đó có những điểm có không gian cho kinh tế đêm như: Phố đi bộ, hoạt động ngoài trời và thu hút kinh tế tư nhân sẽ tạo động lực cho kinh tế đêm. Việc này không chỉ có ý chí mong muốn thì có được mà phải có nguồn lực đầu tư, hạ tầng chung công cộng thì nhà nước phải dành 1 khoản đầu tư chính đáng, còn lại người dân hoặc tư nhân họ có lợi ích ở đây thì họ sẽ đầu tư.

Đến thời điểm này, cũng chỉ có TP. Cần Thơ là địa phương thứ hai cùng với Phú Quốc có Đề án tiếp tục nhân rộng mô hình kinh tế ban đêm. Trong đó, xem xét nâng mức hoạt động từ 23h khuya lên đến 3h sáng với một số dịch vụ. Đặc biệt, quan điểm của địa phương này là kiểm soát chặt khả năng xảy ra tệ nạn tại các tụ điểm vui chơi.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: “Tiếp tục phát huy kinh tế đêm thì chúng tôi quy hoạch lại khu hoạt động kinh tế ban đêm nhưng không ảnh hưởng lớn đến kinh tế ban ngày, đặc biệt không làm xáo trộn đời sống người dân, một số địa điểm như: Chợ nổi Cái Răng, Bến Ninh Kiều có 2 du thuyền, nhà hàng… sẽ nhân rộng du thuyền ra để tận dụng hệ thống sông ngòi sông nước”.

Thực tế, dù thành phố Cần Thơ đã bàn đến kinh tế đêm từ sớm và nhanh chóng bắt tay vào khai thác, nhưng đến nay, sau nhiều năm, du lịch đêm của thành phố vẫn tù mù. Thành phố vẫn đi ngủ lúc 22h. Khi các địa phương vẫn loay hoay trở mình cho du lịch ban ngày, tìm đặc sắc riêng qua các sản phẩm du lịch vốn bị trùng lắp thì câu chuyện du lịch đêm vẫn còn rất xa vời.

Chợ cổ Cần Thơ được xem là điểm nhấn du lịch. Nhưng nơi này cũng sớm đóng cửa sau 23h đêm.

“Du lịch ban đêm” được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ du lịch diễn ra sau 17h cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm các hoạt động ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch mở cửa vào ban đêm.

Tuy nhiên, các mô hình du lịch đêm ở ĐBSCL đến thời điểm này vẫn chưa rõ nét, điểm chung là “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi”. Muốn giải bài toán “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi” này, không cách nào khác là cần có những sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn, mới mẻ, đủ khả năng chinh phục nhiều đối tượng du khách. Các địa phương, điểm đến cần chú trọng khai thác giá trị văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch đêm.

Cùng với các sản phẩm du lịch được triển khai ở trung tâm thành phố, có thể phát triển thêm các sản phẩm ở khu vực ngoại ô hoặc nông thôn có kết nối thuận tiện. Các sản phẩm du lịch không chỉ tập trung vào giải trí, ẩm thực, mua sắm về đêm mà còn cần được đầu tư vào các trải nghiệm tinh thần, các hoạt động thể chất như team building về đêm, thể thao đêm, ngắm cảnh đêm…

Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế ban đêm cũng tiềm ẩn nguy cơ làm nảy sinh các vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Vì thế, cần có sự chuyển dịch, thay đổi trạng thái vận hành, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các tình huống phát sinh từ trạng thái hoạt động ban ngày sang ban đêm với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính quyền cơ sở và các ngành chức năng như công an, quản lý thị trường, thanh tra lao động, văn hóa, y tế.

Đồng thời, trang bị đồng bộ hệ thống an ninh, camera giám sát cùng công cụ quản lý, báo cáo sự cố để nhanh chóng phát hiện, xử lý vi phạm; Thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, lực lượng phản ứng nhanh kết nối với mạng lưới thông tin chung của khu vực nhằm kiểm soát tổng thể, ứng phó khẩn cấp.

Muốn nguồn thu du lịch tăng lên thì chúng ta phải tạo ra không gian cho du khách tiêu tiền để tạo ra nguồn thu và chính nguồn thu này sẽ đầu tư lại cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế cho ngành du lịch ban đêm. Không ít du khách Việt Nam và quốc tế thích thú trải nghiệm, mua sắm ở chợ đêm Đài Loan, show diễn văn hóa lịch sử ở Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Hong Kong, Úc.

Để “người nhà” bỏ tiền nơi đất khách không là điều tiếc nuối, nhưng để tạo làn gió mới này, ĐBSCL phải quy hoạch du lịch ban đêm thành một phần không thể thiếu, tràn đầy hấp dẫn, năng lượng… của ngành du lịch. Nếu không có sự sáng tạo, đột phá, du lịch đêm của ĐBSCL vẫn mãi là nàng “công chúa ngủ trong rừng”...

Kim Loan

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Đăng ngày 18/09/2024