Những năm gần đây, phát triển du lịch tại Cao Bằng ngày càng gắn liền với việc thúc đẩy sản xuất và kinh doanh các sản phẩm lưu niệm thủ công, góp phần không nhỏ vào việc quảng bá văn hóa địa phương và phát triển kinh tế cộng đồng.
Phát triển du lịch thông qua sản phẩm lưu niệm là một chiến lược quan trọng nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch của du khách và tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho các địa phương. Sản phẩm lưu niệm thường mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của địa phương. Các món đồ thủ công mỹ nghệ, trang phục truyền thống hoặc các vật phẩm mang hình ảnh biểu tượng đặc trưng có thể giúp du khách nhớ đến những trải nghiệm đặc biệt khi du lịch tại nơi đó. Đồng thời, sản phẩm lưu niệm cũng là một công cụ truyền bá văn hóa địa phương ra thế giới khi du khách mang về nước.
Các sản phẩm lưu niệm tại Cao Bằng không chỉ là những món quà xinh xắn mà còn là đại diện cho bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc nơi đây như Tày, Nùng, Dao, Mông,… Từ trang phục thổ cẩm rực rỡ, các vật dụng làm từ tre, nứa, đến các sản phẩm làm từ gỗ và đá, mỗi món đồ đều ẩn chứa câu chuyện riêng về cuộc sống và truyền thống của người dân vùng cao. Trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống được gìn giữ, bảo tồn: làng rèn Phúc Sen, làng làm nón lá Hoàng Diệu, nghề làm giấy bản xóm Dìa Trên (Quảng Hòa), làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi (Hà Quảng), nghề chạm bạc, in hoa văn bằng sáp ong (Nguyên Bình), đan lát rơm (Trùng Khánh),… Đặc biệt, những món đồ lưu niệm được làm thủ công bởi các nghệ nhân địa phương với kỹ thuật truyền thống truyền qua nhiều thế hệ, luôn là sự lựa chọn ưa thích của du khách.
Anh Nguyễn Văn Trung, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Khi đến du lịch tại Cao Bằng, được tham quan và đến với các làng nghề truyền thống, mua các sản phẩm, tôi không chỉ có một món quà lưu niệm mà còn cảm nhận được sự kỳ công và khéo léo của người nghệ nhân cũng như nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.
Sản phẩm lưu niệm độc đáo, mang tính biểu tượng giúp định hình và quảng bá thương hiệu du lịch của một vùng miền. Việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm lưu niệm giúp tạo việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là các nghệ nhân thủ công. Khi du lịch phát triển, nhu cầu mua sắm lưu niệm cũng tăng, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Sản phẩm lưu niệm thường mang lại cho du khách cảm giác gần gũi, kết nối với văn hóa, con người nơi họ đã đi qua. Điều này giúp họ dễ dàng hơn trong việc lưu giữ những kỷ niệm đẹp và thúc đẩy họ quay lại thăm thú trong tương lai.
Đa dạng sản phẩm lưu niệm giúp phát triển du lịch
Bên cạnh đó, giúp tạo việc làm cho người dân bản địa. Các nghệ nhân, thợ thủ công có thể duy trì nghề truyền thống, đồng thời tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Đặc biệt, các sản phẩm được du khách đánh giá cao sẽ giúp tạo sự lan tỏa, không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Hơn nữa, việc phát triển các làng nghề thủ công và các cửa hàng lưu niệm cũng góp phần thu hút nhiều hơn các tour du lịch trải nghiệm văn hóa. Du khách không chỉ đến để tham quan mà còn có cơ hội tự tay tham gia vào các hoạt động dệt vải, làm đồ thủ công, từ đó tăng thêm sự gắn kết với văn hóa và con người Cao Bằng.
Trong thời gian qua, việc khôi phục, phát triển các làng nghề gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được tỉnh quan tâm chú trọng, tăng cường tham gia, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời, khuyến khích người dân nghiên cứu, xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Mặc dù sản phẩm lưu niệm đã có những bước tiến tích cực trong phát triển du lịch, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Một trong những khó khăn lớn nhất là làm thế nào để sản phẩm lưu niệm có thể vừa giữ được giá trị truyền thống, vừa phù hợp với thị hiếu hiện đại của du khách. Đặc biệt, thị trường tiêu dùng hiện nay đòi hỏi sự sáng tạo và đa dạng, vì vậy các sản phẩm lưu niệm cần phải liên tục cải tiến về mẫu mã và chất lượng.
Để tiếp tục phát triển du lịch thông qua sản phẩm lưu niệm, tỉnh cần tăng cường đào tạo nghề thủ công cho người dân, đồng thời đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm này trên nhiều nền tảng. Các hội chợ, sự kiện du lịch cũng là cơ hội tốt để giới thiệu sản phẩm lưu niệm Cao Bằng đến với du khách quốc tế. Đặc biệt, cần có các chính sách hỗ trợ và bảo tồn làng nghề thủ công, tạo điều kiện cho các nghệ nhân tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.
Phát triển du lịch thông qua sản phẩm lưu niệm không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất này. Bằng cách gắn kết văn hóa và du lịch, Cao Bằng đang xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc trong ngành công nghiệp không khói, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho cả cộng đồng và du khách.
Khánh Duy