Nghị quyết 11 "mở đường" cho du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Kỳ I: Nỗ lực để trở thành ngành kinh tế trọng điểm

Cập nhật: 23/09/2024
Theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Giang được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, giữ vị trí quan trọng trong phát triển du lịch vùng và cả nước… Tuy nhiên, du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng, nhằm “đánh thức” vẻ đẹp và con người Hà Giang, ngày 04/8/2021 BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.

Tạo cú huých cho du lịch tỉnh Hà Giang

Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, tỉnh Hà Giang xác định, nhìn nhận và đưa ra những nguyên nhân khiến du lịch phát triển chưa tương xứng như: Quy hoạch và kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu các điểm vui chơi, giải trí cho du khách. Các hoạt động du lịch và dịch vụ thiếu tính chuyên nghiệp. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường; chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Các cơ sở kinh doanh chưa chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, chuyển đổi số; nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch còn ít…

Biểu đồ thể hiện lượng khách du lịch đến Hà Giang từ năm 2019 - 2023.

Bởi vậy, nhằm thay đổi diện mạo du lịch, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: Phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, đẩy mạnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận của người dân, đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030. Xác định phát triển du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhất là quản lý tốt quy hoạch Công viên Địa chất toàn cầu  UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.

Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, xây dựng 1 khu du lịch cấp tỉnh, thu hút trên 3,5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt trên 8.225 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Phát triển về cơ sở lưu trú khoảng 9.000 buồng, tạo ra 28.200 việc làm, trong đó có 114.100 việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia, thu hút 5 triệu lượt khách du lịch, tổng thu ước đạt 20.600 tỷ đồng, đóp góp 14,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn…

Không ngừng đổi mới để thích ứng và phát triển

Ngay khi Nghị quyết đi vào thực tiễn, các cấp, các ngành địa phương đã đẩy mạnh quán triệt, triển khai nội dung Nghị quyết Đại hội và Nghị quyết số 11 của BCH Đảng bộ tỉnh, tuyên truyền Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang; xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện thương hiệu du lịch của tỉnh gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng; tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả đảm bảo phát triển du lịch xanh bền vững … 

Đoàn chuyên gia tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Unesco làm việc với các huyện Cao nguyên đá.

Để đạt mục tiêu thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ du lịch từ 70 - 90 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho hơn 28.000 người, tỉnh đã thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Giang với việc mở 54 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho 1.782 lượt người tham gia, trong đó tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch như: Nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, bar; tiếng Anh giao tiếp du lịch; nghiệp vụ quản lý cơ sở lưu trú du lịch… 

Bên cạnh đó là nhiều giải pháp được triển khai như: Ban hành Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang; đưa giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống vào trường học theo hướng đổi mới, sáng tạo. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, ứng dụng công nghệ số thông qua các hoạt động chính trị. Tổ chức các sự kiện thường niên thu hút khách du lịch như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, lễ hội khèn Mông, lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai. Tuyên truyền, livestream về các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội của tỉnh; lắp đặt hệ thống QRCode tại 20 khu, điểm du lịch nhằm cung cấp thông tin đến du khách; triển khai Cổng thông tin và Bản đồ số về du lịch; xây dựng clip, ấn phẩm Guide quảng bá trên các chuyến bay của Vietnam Airlines...

Đồng chí Đỗ Quốc Hương, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn chia sẻ: “Ngay sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết, huyện đã cụ thể hóa bằng việc xây dựng chương trình hành động với các giải pháp như: Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng mang đặc trưng Đồng Văn; tăng cường việc xây dựng và nâng cao chất lượng các làng văn hóa du lịch cộng đồng; xây dựng các sản phẩm nông nghiệp tiểu thủ công nghiệp để tạo ra các sản phẩm hàng hóa, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch; kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng... Qua đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, sức thu hút của du lịch từng bước tăng lên, giá trị và sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch được khai thác và khẳng định. Kinh tế phát triển ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt mục tiêu nghị quyết đề ra; du lịch phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương…”.

Lễ hội của đồng bào các dân tộc dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Cùng với đó, để nâng tầm và phát triển du lịch theo hướng bền vững, tỉnh đã hoàn thành 2 quy hoạch xây dựng phân khu và 9 đồ án quy hoạch chung, chi tiết khu du lịch và nhiều hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ lữ hành phát triển mạnh như: Có 146 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mã ngành du lịch; có 88 tuyến xe chạy cố định với 360 đầu xe, trong đó tuyến Hà Giang - Hà Nội có 66 đầu xe, số xe chạy tuyến nội tỉnh là 97 xe; có 982 cơ sở lưu trú, 9.039 buồng, 18.650 phòng, tăng 61 cơ sở lưu trú so với năm 2023, tăng 108 cơ sở so với cùng kỳ…

Thay đổi từ hướng đi của nghị quyết

Nếu như trước đây, người dân “sống trên đá, chết nằm trong đá” thì nay cuộc sống của người dân Hà Giang đã từng ngày đổi thay. Với tỷ lệ thôn, tổ dân phố được công nhận làng văn hóa đạt 68%, dự kiến đến hết năm 2024 là 72%; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa năm 2023 đạt 74,2%, dự kiến hết năm 2024 đạt 74,6%. Cùng với đó là cơ sở và thiết chế văn hóa được hoàn thiện như: Toàn tỉnh có 11/11 huyện có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch; có 165/193 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng; 1.849/2.071 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa… cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vui chơi, giải trí, đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân địa phương. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi với việc sản xuất phát triển, kinh tế trong nhân dân khá dần lên; hộ đói, hộ nghèo giảm còn 9%. Hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường đã đáp ứng được 2/5 điều kiện để được công nhận khu du lịch quốc gia…

Chia sẻ về sự đổi thay đó, anh Vàng Dì Tỏ, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn cho biết: “Với lợi thế nằm dưới chân cột cờ Lũng Cũ và nét truyền thống văn hóa của người Lô Lô đã giúp thôn trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Từ đó đã có những nét đổi thay rõ rệt, từ một thôn khó khăn và nghèo của huyện, hiện nay nhờ làm du lịch mà người dân đã có cuộc sống khấm khá hơn, con cháu được đi học đầy đủ, có thêm nhiều hộ khá và giàu. Đồng bào Lô Lô Chải rất biết ơn cơ chế chính sách, gói hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong việc giúp đồng bào nơi đây có cuộc sống ấm no hơn”.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, du lịch đã trở thành điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế và đang dần về đích trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh vào năm 2025 với việc tạo ra 28.200 việc làm, lượng khách đến Hà Giang hàng năm đạt trên 3 triệu lượt người, doanh thu đạt 7.000 tỷ đồng tăng 56,3%…

Bài, ảnh: Triệu Thị Tình - Hoàng Yến

Nghị quyết 11 "mở đường" cho du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Kỳ cuối: Định vị thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế

Nguồn: Báo Hà Giang - baohagiang.vn - Đăng ngày 23/9/2024