Nghị quyết 11 "mở đường" cho du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Kỳ cuối: Định vị thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế

Cập nhật: 24/09/2024
Tại Lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2024 (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương, tổ chức tại Philippines vào tháng 9/2024, Hà Giang vinh dự được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”. Với giải thưởng danh giá này đã khẳng định cho hướng đi đúng của ngành du lịch tỉnh Hà Giang qua việc từng bước hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết. Cùng với đó là chiến lược phát triển du lịch theo hướng “Chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, xanh, bền vững”, đây sẽ trở thành cơ sở để du lịch Hà Giang bước sang một trang mới và hướng tới vươn tầm quốc tế.

Khu nghỉ dưỡng H’mông village tại huyện Quản Bạ, địa điểm tạo dấu ấn cho mỗi du khách khi khám phá vẻ đẹp Hà Giang.

Giữ gìn bản sắc văn hóa để thu hút đầu tư 

Với việc xác định văn hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Hà Giang đã xây dựng sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống, sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm, tiến hành kết nối với 59 cụm điểm di sản trên 4 tuyến. Tổ chức xây dựng 40 làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hiện có 16 làng đã hoàn thiện các tiêu chí. Tiến hành trùng tu di tích lịch sử cùng nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng… Từ đó góp phần bảo tồn và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, nhiều lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. 

Trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa, đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị lữ hành chọn Hà Giang là điểm đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với giải trí, chăm sóc sức khỏe phù hợp với phân khúc khách du lịch của tỉnh như xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng. Danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2024 có tổng số 21/35 dự án thuộc lĩnh vực du lịch - thương mại và dịch vụ. Các dự án này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và thu hút nhiều du khách hơn như: H’mông village (Quản Bạ), Pa Piu (Bắc Mê)…

Ông Lại Quốc Tĩnh, Giám đốc khu nghỉ dưỡng H’mông Village chia sẻ: “Hà Giang có một tiềm năng phát triển du lịch rất dồi dào, nơi đây có không gian và nét văn hóa đặc sắc; cùng với đó tỉnh Hà Giang đã đưa ra những chủ trương, chính sách thu hút tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế đầu tư vào du lịch. Qua đó, tôi đã đầu tư khu nghỉ dưỡng H’mong village lấy yếu tố cốt lõi là phục dựng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mông, một trong những dân tộc đông dân nhất ở Hà Giang. Với việc lấy cảm hứng từ những nét văn hóa, bản sắc của đất và người Hà Giang, điều này đã mang lại lợi thế trong việc sáng tạo nên chuỗi giá trị, tạo ấn tượng và sức hút của khu du lịch đối với du khách. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp chất lượng khu nghỉ dưỡng, đầu tư  thêm một vài điểm nhấn cho H’mong village, để nơi đây trở thành điểm đến của du khách mỗi khi đặt chân lên Cao nguyên đá …”.

Với xu hướng mới trong việc phát triển du lịch, nhiều hộ dân tại thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì đã lựa chọn phát triển du lịch theo hướng du lịch cộng đồng.

Từng bước định vị thương hiệu

Phát triển du lịch theo hướng xanh - bền vững, đó là xu hướng ngành du lịch Hà Giang đã và đang hướng tới. Hà Giang đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ thông qua một số Nghị quyết như: Nghị quyết số 35 ngày 21/7/2016 và Nghị quyết số 10 ngày 15/7/2023 của HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch tỉnh Hà Giang, trong đó tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ cộng đồng làm du lịch, chỉnh trang cảnh quan, xây dựng nhà vệ sinh công cộng; hỗ trợ xây dựng trạm dừng chân du lịch, hỗ trợ phát triển một số sản phẩm du lịch mạo hiểm và hỗ trợ các làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với mỗi xã một sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó là chú trọng công tác bảo vệ môi trường gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch, xây dựng các tuyến đường đi bộ phục vụ phát triển du lịch sinh thái kết hợp tuần tra bảo vệ rừng trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. 

Đồng chí Lý Chòi Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: “Cùng việc bám sát triển khai Nghị quyết số 11 của BCH Đảng bộ tỉnh, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền cũng như xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển du lịch. Với việc được mệnh danh là vùng đất “Vỏ cây vàng”, dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện đã tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng 4 nhóm sản phẩm chính gồm: Du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch thể thao, mạo hiểm; duy trì các lễ hội văn hóa như: Lễ hội Bàn Vương; Lễ Cấp sắc, nhảy lửa; trải nghiệm các trò chơi dân gian; tham quan các làng nghề truyền thống như chạm bạc, thêu thổ cẩm, đan quẩy tấu... tạo ra sản phẩm du lịch mới với việc tổ chức các tour du lịch trải nghiệm bắt cá chép ruộng. Nguồn lợi từ du lịch mang lại đã giúp cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng phát triển nông, lâm nghiệp sang phát triển thương mại, dịch vụ, cùng với đó đời sống người dân trở lên khấm khá hơn.

Định vị du lịch mang tầm quốc tế

Từ những nỗ lực không ngừng Hà Giang đã dần định vị thương hiệu trong việc được vinh danh tại nhiều giải thưởng, thường xuyên nằm trong danh sách các điểm đến lý tưởng do các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn: The New York Times (Mỹ) đã xếp Hà Giang vào danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới; giữ vững danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn sau 3 lần tái đánh giá; năm 2023 được Tổ chức Du lịch thế giới công nhận là điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á; hệ thống Booking.com công bố là một trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam…

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được nhằm hướng tới một sản phẩm du lịch mang tính chất lượng và đạt chuẩn quốc tế. Hà Giang đưa ra phương hướng trong giai đoạn tiếp theo, cụ thể: Triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án của tỉnh về phát triển du lịch, định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang mang tầm quốc tế. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch, ứng dụng; tập trung phát triển các khu du lịch. Phấn đấu đến năm 2030 Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia, thu hút 5 triệu lượt khách du lịch với tổng thu ước đạt 20.600 tỷ đồng, đóp góp 14,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn…

Kết quả và sự đổi thay từng ngày của du lịch Hà Giang là đáp án cho những hướng đi đúng đắn trong việc thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch; đặc biệt đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc trên những bản làng xa xôi nơi miền cao Hà Giang ngày một được nâng lên đã khẳng định phát triển du lịch chính là khâu đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững. Từ bức tranh khởi sắc đó, trong thời gian tới, Nghị quyết số 11 của BCH Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục là kim chỉ nam và hướng đi chắc chắn cho phát triển kinh tế du lịch ở Hà Giang.

Bài, ảnh: Triệu Thị Tình - Hoàng Yến

Nghị quyết 11 "mở đường" cho du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Kỳ I: Nỗ lực để trở thành ngành kinh tế trọng điểm

Nguồn: Báo Hà Giang - baohagiang.vn - Đăng ngày 23/9/2024